Chủ động đổi mới giáo dục, nâng cao kỹ năng phòng chống dịch Covid-19

Chủ động đổi mới giáo dục, nâng cao kỹ năng phòng chống dịch Covid-19

Tất cả cùng vào cuộc để đổi mới chương trình, SGK

Đoàn công tác có đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ GD&ĐT; tỉnh Đồng Tháp có ông Lê Minh Hoan - Bí thư Tỉnh ủy; ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Trần Thanh Liêm - Giám đốc Sở GD&ĐT cùng đại diện các sở, ban, ngành.

Báo cáo thực hiện Nghị quyết số 88 của Quốc hội, ông Trần Thanh Liêm - Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: “Ngành Giáo dục Đồng Tháp đã triển khai đến toàn thể nhà giáo, cán bộ quản lý trong ngành. Triển khai các nội dung cơ bản cho lãnh đạo các Phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc Sở”.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan phát biểu tại cuộc họp.
 Bí thư Tỉnh ủy Lê Minh Hoan phát biểu tại cuộc họp.

Theo ông Trần Thanh Liêm, triển khai CTGDPT 2018, địa phương cơ bản đáp ứng đủ số lượng giáo viên phổ thông, chỉ thiếu một ít giáo viên dạy các môn chuyên biệt và sẽ tổ chức tuyển dụng trong thời gian tới để đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu giáo viên trong tổng số biên chế được giao.

Về trình độ đội ngũ giáo viên cấp TH, THCS theo quy định của Luật Giáo dục 2019, hiện nay tỉnh có 83,85% giáo viên cấp TH và 83,61% giáo viên cấp THCS đạt chuẩn. Như vậy còn 16,15% giáo viên cấp TH (1.094 người) và 16,39% giáo viên cấp THCS (785 người) chưa đạt chuẩn đào tạo theo quy định của Luật Giáo dục 2019. Riêng ngành học Mầm non, hiện nay tỷ lệ giáo viên đạt trình độ CĐ Sư phạm trở lên là 90,08%, còn 9,92% (352 người) chưa đạt chuẩn.

Đối với việc tập huấn giáo viên và cán bô quản lý thực hiện CTGDPT 2018, Sở GD&ĐT đã thực hiện theo đúng hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Cử 716 giáo viên và cán bô quản cốt cán dự tập huấn do Bộ GD&ĐT tổ chức. Tổ chức tập huấn 2 đợt tại tỉnh (mời Báo cáo viên của Bộ GD&ĐT về báo cáo) với trên 3.700 giáo viên và cán bô quản lý tham dự.

Về cơ bản, cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học tỉnh Đồng Tháp sẽ đảm bảo cho việc triển khai thay sách lớp 1. Còn một vài địa phương thừa, thiếu cục bộ về phòng học, Sở GD&ĐT sẽ làm việc với UBND địa phương để tháo gỡ. Tỉnh phấn đấu hoàn thành mục tiêu 100% lớp 1 sẽ được học 2 buổi/ngày trong năm học 2020 - 2021.

Thực hiện tài liệu giáo dục địa phương của tỉnh, theo ông Liêm, dự kiến đến tháng 8/2020, tài liệu sẽ biên soạn xong và thực hiện các thủ tục đề nghị Bộ GD&ĐT phê duyệt để đưa vào giảng dạy. Về kinh phí, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh phê duyệt kinh phí biên soạn tài liệu giáo dục địa phương 2 tỷ đồng.

Về triển khai Nghị quyết 88 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và nỗ lực của ngành Giáo dục địa phương. Bộ trưởng mong muốn lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện cho giáo dục địa phương trong thời gian tới.

Về về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đặc biệt là chọn SGK lớp 1, Bộ trưởng lưu ý tỉnh Đồng Tháp tiến hành cẩn trọng, khách quan, minh bạch. Qua kiểm tra thực tế, Bộ trưởng vui mừng khi tâm thế của giáo viên chủ động, sẵn sàng triển khai. Bộ trưởng cũng lưu ý địa phương quan tâm đến vấn đề quy hoạch lại trường lớp, tránh tình trạng dồn dịch trường, lớp một cách cơ học...

Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phát biểu về tình hình phòng, chống dịch Covid-19.
Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp phát biểu về tình hình phòng, chống dịch Covid-19. 

Nâng cao ý thức tự bảo vệ, không chủ quan

Báo cáo công tác phòng, chống dịch Covid-19, ông Trần Thanh Liêm - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Công tác chỉ đạo được tỉnh triển khai quyết liệt. Sở đã chuyển văn bản qua email, mạng xã hội; tổ chức họp trực tuyến đến cán bộ quản lý toàn ngành từ mầm non, phổ thông, GDTX để triển khai, quán triệt thực hiện.

Sở đã ban hành công văn phân công thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại Sở. Tại Phòng GD&ĐT, các đơn vị trực thuộc Sở, công chức, viên chức, người lao động thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch. Các cơ sở giáo dục có thành lập Ban Chỉ đạo và Kế hoạch phòng, chống dịch cụ thể; tham gia Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch địa phương... ”.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Đồng Tháp, 100% học sinh, học viên trong tỉnh nghỉ học phòng dịch. Cụ thể, mầm non 60.039; học sinh phổ thông 282.931; học viên GDTX 2.924.

Đến ngày 13/2/2020, tất cả các cơ sở giáo dục (kể các các cơ sở giáo dục ngoài công lập) đều thực hiện việc khử trùng, vệ sinh trường lớp (nhiều đơn vị đã thực hiện vệ sinh lần 2) theo hướng dẫn của ngành y tế.

Qua báo cáo của các Phòng GD&ĐT và các đơn vị trực thuộc Sở, từ đầu tháng 1/2020 đến nay, không có cán bộ, nhân viên, giáo viên; trẻ mầm non, học sinh đi du lịch tại Trung Quốc và TP Vũ Hán. Một số ít cán bộ, nhân viên, giáo viên; trẻ mầm non, học sinh trong dịp Tết Nguyên đán có đi du lịch, về quê tại các địa phương: Khánh Hòa, Thanh Hóa, TPHCM, nhưng đến nay chưa phát hiện các biểu hiện nhiễm Covid-19.

Qua kiểm tra, Sở GD&ĐT lưu ý Phòng GD&ĐT và các đơn vị trực thuộc Sở thực hiện tốt các chỉ đạo của cấp trên về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch và chuẩn bị đón học sinh trở lại trường học. Theo ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp: “Hiện nay, tỉnh Đồng Tháp đủ điều kiện an toàn để ngày thứ Hai (17/2/2020) học sinh đi học trở lại”.

Theo ông Liêm, nếu thực tế học sinh, học viên chỉ phải nghỉ học 2 tuần, Sở GD&ĐT sẽ không điều chỉnh Kế hoạch thời gian năm học 2019 - 2020. Thống nhất thời gian kết thúc năm học 2019 - 2020 của các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, GDTX trên địa bàn tỉnh là ngày 31/5/2020. Việc điều chỉnh (nếu có) chỉ thực hiện khi Bộ GD&ĐT điều chỉnh Kế hoạch thời gian năm học trên toàn quốc.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc họp.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại cuộc họp. 

Tính mạng, sức khỏe của học sinh, giáo viên là trên hết

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết qua công tác kiểm tra, các các địa phương phòng chống dịch Covid-19 rất khẩn trương, nghiêm túc. Đặc biệt là ngành Giáo dục thực hiện sự chỉ đạo sát sao từ Trung ương, đặc biệt là từ Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT.

Tại địa phương, các trường phối hợp chặt chẽ ngành Y tế hướng dẫn giáo viên, học sinh phòng chống dịch và giáo dục, tăng cường vệ sinh cá nhân. Bộ trưởng mong muốn địa phương, đặc biệt là ngành Giáo dục tiếp tục phòng chống dịch Covid-19 trên tình thần trách nhiệm, không chủ quan. Tất cả cùng vào cuộc, nỗ lực để phòng chống sự lây lan, hướng dẫn vệ sinh trường lớp, tiêu độc khử trùng.

Theo Bộ trưởng, tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Bộ Y tế và Trung ương đang kiểm soát chặt chẽ nhưng phải cẩn trọng. Các địa phương phải cân nhắc kỹ tình hình dịch bệnh tại địa phương để đưa ra quyết định cho học sinh đi học trở lại.

Chỉ cho học sinh đi học trở lại khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế. “Việc phòng, chống dịch bệnh dù được chuẩn bị tốt đến mấy cũng không thể chủ quan. Vì vậy, các địa phương phải đặc biệt chú ý đến khâu an toàn; an toàn mới đi học, đi học phải an toàn. Tính mạng, sức khỏe của học sinh, giáo viên là trên hết” - Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết thêm, Bộ GD&ĐT cũng đã có các kịch bản ứng phó với tình hình dịch, trong đó có việc lùi các mốc thời gian trong kế hoạch năm học chung, đặc biệt là sẽ lùi thời điểm kết thúc năm học. Đây là cơ sở để các địa phương thuận lợi trong việc giãn khung kế hoạch thời gian năm học 2019 - 2020 và triển khai các phương án phòng, chống dịch bệnh, trong đó có phương án cho học sinh tiếp tục nghỉ học (nếu cần thiết).Mẫu 3 – Trích dẫn quan trọng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ