Chủ đầu tư nhà chung cư lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản của công dân

GD&TĐ - Công tác quản lý nhà chung cư thương mại hiện nay còn lỏng lẻo, cơ quan quản lý nhà nước không làm hết trách nhiệm.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ phát biểu thảo luận tại hội trường
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ phát biểu thảo luận tại hội trường

Công tác quản lý nhà chung cư thương mại còn lỏng lẻo

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ - đoàn An Giang nêu thực trạng. Theo đại biểu, có thể khẳng định việc phát triển tòa nhà chung cư thương mại trong thời gian vừa qua đã mang lại nhiều kết quả tích cực về kiến trúc, cải thiện chất lượng nhà ở, môi trường sống và tiết kiệm quỹ đất để chúng ta phát triển nhà ở cho thế hệ sau.

Tuy nhiên, công tác quản lý nhà chung cư thương mại hiện nay còn lỏng lẻo, cơ quan quản lý nhà nước không làm hết trách nhiệm. Điều này dẫn tới cư dân sống trong các tòa nhà chung cư hiện nay bị thua thiệt về tài chính, bị chủ đầu tư chiếm đoạt và sử dụng quỹ bảo trì cũng như quyền sử dụng những phần sở hữu chung trong tòa nhà chung cư.

Đồng thời, luôn bị đe dọa về tính mạng trước sự bất an của công trình xuống cấp, thang máy bị hỏng mà không được bảo trì kịp thời, phương tiện phòng cháy, chữa cháy không được đầu tư hoặc có được đầu tư nhưng không bảo đảm chất lượng. Bởi lẽ, thực trạng quản lý và sử dụng nhà chung cư đang tồn tại bất cập.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ cho biết, mặc dù theo quy định của Luật Nhà ở, chủ sở hữu nhà chung cư là chủ các căn hộ trong nhà chung cư và chủ sở hữu phần diện tích khác trong nhà chung cư.

Theo đó, chủ sở hữu phần diện tích khác trong tòa nhà chung cư thường là chủ đầu tư. "Hiện nay, chúng tôi được biết có chủ đầu tư để lại từ 1-5 tầng trên tổng số 25 tầng của tòa nhà chung cư để làm văn phòng cho thuê hoặc chung cư thương mại.

Nhưng chủ đầu tư hiện nay không tổ chức hội nghị cư dân trong nhà chung cư để bầu ban quản trị, có trường hợp cố tình kéo dài thành lập ban quản trị này cho nên chủ đầu tư không những không đóng góp 2% trong số 1/5 quỹ bảo trì đối với diện tích để lại, mà hiện nay họ còn sử dụng kinh phí này, không biết đi về đâu.

5 đến 10 năm nữa chất lượng nhà chung cư ra sao?

Chủ đầu tư tự cho mình quyền đương nhiên thực hiện quyền của ban quản trị tòa chung cư mặc dù quy định tại Điều 104 Luật Nhà ở, trong đó quyền quản lý sử dụng kinh phí bảo trì, quyền đề nghị hội nghị nhà chung cư thông qua mức giá dịch vụ quản lý vận hành nhà chung cư, quyền ký hợp đồng cung cấp dịch vụ quản lý vận hành tòa nhà chung cư với chủ đầu tư.

"Như vậy, anh chỉ là đối tác với hội nghị nhà chung cư nhưng giờ anh lại tự cho mình quyền đó và quyền ký hợp đồng bảo trì. Lưu ý là, quyền quản lý vận hành nhà chung cư và sử dụng quỹ bảo trì, tôi thấy một số chủ đầu tư với hành vi này cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản của công dân theo Điều 175 Bộ luật Hình sự nhưng hiện nay chưa được xử lý" - Đại biểu Nguyễn Mai Bộ thẳng thắn nêu ý kiến.

Theo đại biểu, chủ đầu tư sử dụng nhiều diện tích sử dụng chung để kinh doanh nhưng lợi nhuận họ tự tung, tự tác trong vấn đề này. Khắc phục bất cập này, đề nghị Chính phủ có biện pháp chấn chỉnh tòa nhà chung cư nếu không Khoảng 5 đến 10 năm nữa chất lượng nhà chung cư ra sao?

Chuyển tới Bộ Xây dựng 2 kiến nghị của cử tri, đại biểu Nguyễn Mai Bộ nói: Khi nào bắt đầu thanh tra toàn diện việc hoạt động của Ban quản lý nhà chung cư và Khi nào Ban quản trị các tòa nhà chung cư được thành lập?

"Nhân việc Bộ Công an đang tiến hành kiểm tra phòng cháy chữa cháy theo quyết định Thủ tướng Chính phủ, tôi đề nghị Bộ tiến hành khởi tố một số chủ đầu tư đã có hành vi cấu thành tội sử dụng trái phép tài sản theo Điều 175 Bộ luật Hình sự để chấn chỉnh lại việc quản lý tòa nhà chung cư" - Đại biểu Nguyễn Mai Bộ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ