Chị Ngọc chia sẻ: “Càng ngẫm càng thấy lo. Khu chung cư nhà tôi đang sống có hầm chứa hàng nghìn, hàng vạn ô tô và xe máy của dân cư, nhưng có đợt mưa bão trước đây nhiều chỗ trong hầm bị ngập nước khá nghiêm trọng. Như thế cho thấy thiết kế và thi công chưa tốt. Trong khi hệ thống chống cháy nổ được ban quản lý cho cư dân biết là hiện đại và tự động. Nhưng thú thực mỗi khi đi xuống hầm cất và lấy xe máy tôi đều thấy lo lo. Nhất là vừa rồi có vụ cháy nghiêm trọng xuất phát tự tầng hầm chung cư”.
Theo chân chị Ngọc, PV Báo GD&TĐ đã xuống mục sở thị tầng hầm rộng mênh mông ở khu chung cư cao cấp nơi gia đình chị đang sinh sống. Quả thực đây là một trong những tầng hầm chung cư lớn nhất mà PV được nhìn thấy ở Hà Nội.
Tuy nhiên, khi vừa xuống tầng hầm của khu chung cư này thì đập vào mắt là tầng hầm thiết kế rất thấp, trần tầng hầm lộ ra đủ loại ống to ống nhỏ chạy ngang chạy dọc.
Chị Ngọc than thở: “Không hiểu sao chủ đầu tư lại thiết kết tầng hầm trần thấp đến mức như thế, chuyển đồ đạc ra vào chung cư qua tầng hầm thì dân cư thường phải sử dụng xe tăng bo trọng tải cực nhẹ, xe tháo mui để tránh va vào trần cùng các ống loằng ngoằng trên trần.
Trần hầm thấp và bí như vậy đã thấy bức bí, không hiểu nếu xảy ra hoả hoạn thì sao? Xe cứu hỏa hay thiết bị cứu hỏa của đơn vị PCCC chuyên nghiệp liệu có tiếp cận được đến ngóc ngách của hầm khu chung cư rộng và sâu mênh mông nhưng trần làm thấp tè như thế” - Chị Ngọc thêm phần lo lắng dù chồng chị không ít lần đã trấn an: “Nếu không thiết kế thuận lợi cho xe cứu hỏa và trang thiết bị cứu hỏa chuyên nghiệp tiếp cận vào trong khu vực hầm thì chắc chủ đầu tư phải tính toán kỹ các phương án “tự cứu” (hệ thống chữa cháy tự động) khi xảy ra hỏa hoạn rồi” (!?).
Thờ ơ với an toàn
Thảm kịch hỏa hoạn khiến 13 người tử vong, hàng chục người bị thương trong đám cháy chung cư Carina Plaza (TP HCM) bắt nguồn từ tầng hầm giữ xe. Đây cũng không phải là vụ cháy nghiêm trọng đầu tiên mà nguyên nhân xuất phát từ khu vực hầm để xe. Vậy tại sao tầng hầm lại ẩn chứa nguy cơ mất an toàn đến vậy? Câu hỏi có lẽ phải chờ câu trả lời từ cơ quan chức năng.
Một điều đáng nói là theo quy định về PCCC ở các tòa nhà chung cư thì bắt buộc phải có các lớp cửa ngăn khói từ hầm lên các tầng.
Trong khi vụ hỏa hoạn xảy ra ở chung cư Carina Plaza người dân phản vừa không có các lớp cửa ngăn khói theo quy định mà cánh cửa thoát hiểm trong trường hợp này còn được “mở sẵn” làm khói dễ dàng xộc lên.
Cũng trong cảnh sống ở chung cư mà liên tục chủ sở hữu căn hộ phải kiện tụng chủ đầu tư về chất lượng công trình, Bà N.T. Hòa (một dân cư từng sống tại khu chung cư cao cấp trên phố Tây Sơn, Hà Nội) cho biết: “Cửa thoát hiểm được thiết kế khá chắc chắn, có vẻ đúng tiêu chuẩn. Nhưng bản thân tôi và không ít người sống tại chung cư phải nhiều lần khép cánh cửa được mở toang ra, hay chặn gạch bởi một số người vô ý thức nào đó”.
Thậm chí bà Hòa cho biết ban quản lý chung cư nơi bà từng sống có thời điểm còn phải dán giấy nhắc nhở ra vào yêu cầu đóng kín cửa thoát hiểm.
Cũng theo cư dân này, suốt thời gian sống ở chung cư, bà quan sát thấy ở tầng hầm có nhiều ô tô, xe máy để lâu ngày không sử dụng, bụi bám dày trên các tài sản này, nhưng cả chủ sở hữu các tài sản này cũng như ban quan lý chung cư không quan tâm đến an toàn cháy nổ các phương tiện để lâu ngày không dùng đến nhưng vẫn chứa xăng, chủ các phương tiện để dưới hầm lâu không sử dụng lẽ ra thi thoảng phải kiểm tra phương tiện của mình, vừa đảm bảo an toàn cho tài sản của mình, vừa đảm bảo an toàn cho tài sản và tính mạng của người khác nữa.
Bà Hòa hết sức lo ngại khi sống tại chung cư một thời gian, nên hiện tại bà đã chuyển về sống ở nhà mặt đất với gia đình con trai, mà theo như bà là cho đỡ cảnh “đau tim” mỗi khi đi thang máy, mỗi khi xuống hầm gửi xe, hoặc đang ngủ trưa giật mình vì chuông báo cháy, chạy cuống cuồng vào thang thoát hiểm từ tầng 12 xuống tới tầng 1 thì mới biết là diễn tập.
Nhưng cứ có chuông báo cháy là không thể không chạy vào trong thang bộ “thoát hiểm”, dù con cháu của bà đôi khi còn tặc lưỡi coi thường “diễn tập ý mà”, nhưng vốn tính lo xa bà không khỏi yên tâm, vì nhỡ đâu một ngày nào đó không phải “diễn tập” mà là cháy thật.
Anh Raicel (một người nước ngoài thuê chung cư cao cấp gần nơi làm việc ở Hà Nội) nói rằng: “Người Việt rất thờ ơ với diễn tập cứu hỏa. Cả hai khu chung cư cao cấp nơi tôi từng thuê ở đều rất nổi tiếng. Giá thuê không hề rẻ với một căn hộ hơn 70m2 từ 11 đến 16 triệu/tháng (có đủ đồ đạc hoặc nội thất cơ bản).
Nhưng thử hình dung xem, thỉnh thoảng tôi thót tim vì chuông báo động cứu hỏa kêu lên, nhưng chạy ra ngoài hành lang, chưa kịp vào cửa thoát hiểm thì đã được “hàng xóm” cho biết: “Không sao cả, chắc nhà nào đấy nấu ăn cháy két nên chuông báo động hỏa họa tự động bật…”.
“Còn nữa, khá nhiều lần thấy ban quản lý cho in giấy thông báo để ngay lối vào thang máy để mời người dân tham gia diễn tập hoặc học các bài học cơ bản về PCCC, nhưng tôi thấy rất ít người dân tham gia.
Một số bạn người Việt của tôi ở chung cư nói đó là việc của ban quản lý, họ không có thời gian để ra xem tập cứu hỏa hay học hỏi. Đại loại họ nói “chết có số, đã ở chung cư phải chấp nhận phó mặc vào hệ thống PCCC của tòa nhà”. Thành ra có khi nhận được thông báo diễn tập PCCC nhưng hàng nghìn cư dân sống ở chung cư vẫn không quan tâm”- Anh Raicel bày tỏ ngạc nhiên.