Sáng 5/4, bà Lê Thị An - chủ đàn chó cắn tử vong bé trai 7 tuổi ở thị trấn Lương Bằng, Kim Động (Hưng Yên) nói: "Hai ngày qua, tôi không thể nào ngủ được vì ân hận, thương cháu bé và không hiểu chuyện gì đang xảy ra".
Theo bà An, lúc cháu bé bị chó tấn công, bà đang đi điều tra dân số cùng một số cán bộ ở tổ dân phố, về đến nhà thấy sự việc nên vội lên xe cùng bố mẹ cháu đưa bé đến bệnh viện cấp cứu, nhưng đã quá muộn. Cháu bé bị đa chấn thương, mất nhiều máu và không qua khỏi.
"Tôi coi thằng bé như con cháu mình, vì từ khi cháu lọt lòng đến nay sống cùng bố mẹ trong khu nhà của tôi. Hàng ngày cháu thường chơi với đàn chó, thậm chí mấy chị em còn múc cháo cho chó ăn", bà An nói.
Đàn chó9 con, trong đó7 con trưởng thành được nhốt trongcũi của gia đình bà An. Ảnh:Phương Sơn |
Chủ đàn chó cho hay, hơn một năm trước chồng bà qua đời, nhà chỉ có một con trai nhưng đã lập gia đình và sinh sống trên thành phố nên bà nuôi mấy con chó cho vui cửa, vui nhà. Đàn chó gồm 9 con, trong đó 2 con nhỏ, 5 con chó thường và 2 con chó lai khoảng 20-30 kg.
Chỉ về nồi cháo mới nấu, bà An nói hàng ngày mua lòng và tiết lợn để nấu cho đàn chó ăn, nhưng không bao giờ cho ăn thịt sống. "Nhiều người nêu vấn đề gia đình tôi cho chó ăn thịt sống nên mới hung dữ, cắn người là không đúng. Tôi đã nghỉ buôn bán hơn một năm nay, đang làm hội trưởng hội phụ nữ, không có lý do gì muốn nuôi một đàn chó dữ", bà An phân trần.
Trước thông tin đàn chó từng nhiều lần cắn gia súc, vật nuôi và trẻ em ở sân vận động, bà An nói: "Tôi không nghe về việc đó, bây giờ sự việc đau lòng đã xảy ra, ai muốn nói như thế nào tôi cũng đành chấp nhận".
Chảo đồ ăn bà An chuẩn bị cho đàn chó ngày 5/4. Ảnh:Phương Sơn |
Cũng trong sáng nay, Công an huyện Kim Động cùng đại diện trạm thú y đã tới làm việc với bà An. Nhà chức trách dự kiến bắt nhốt đàn chó, nhưng sau đó yêu cầu gia chủ nuôi nhốt trong 10 ngày để theo dõi, nếu có biểu hiện của bệnh dại thì phải tiêu hủy. Công an cũng lập biên bản, yêu cầu bà An ký cam kết không thả chó ra nơi công cộng.
"Sau khi công an làm việc, củng cố thông tin, nếu đủ dấu hiệu vi phạm hình sự sẽ khởi tố, còn ở mức vi phạm hành chính thì xử phạt", ông Nguyễn Văn Học, Chủ tịch UBND huyện Kim Động (Hưng Yên) nói.
Theo ông Học, nhiều người cho rằng cần tiêu hủy ngay đàn chó, nhưng "quan điểm của chúng tôi là làm thận trọng, từng bước đúng quy định chứ không thể nóng vội".
Dãy nhà trọtrong khuôn viênnhàbà An là nơi bé traisinh sống cùng gia đình. Ảnh:Phương Sơn |
Đến trưa 5/4, 7 trong 9 con chó của gia đình bà An đã được nhốt vào ba chiếc cũi, hai con chó nhỏ vài tháng tuổi vẫn thả rông nằm ở hiên nhà. Lý giải việc không nhốt hết chó, bà An nói "tôi đợi khi nào hai con chó nhỏ ngủ sẽ bắt nhốt".
Nhiều người thân đã đến xây lại bức tường gạch, lắp cánh cổng sắt giúp bà An. Đây là cổng phụ, trước đây chỉ được rào tạm và đàn chó thường chui qua để chạy ra sân vận động, nơi người dân chăn thả gia súc, học sinh đá bóng.
Cùng ngày, ông Đàm Xuân Thành - Cục phó Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay chức năng của cơ quan thú y ở địa phương là quản lý về dịch bệnh, tiêm phòng cho đàn vật nuôi; còn quản lý chó thả rông thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương. Hiện chỉ có TP HCM và một số quận, huyện của Hà Nội lập đội bắt chó thả rông.
Tuy nhiên, ông Thành thừa nhận thực tế dù quy định liên quan được ban hành từ lâu, đến nay trên toàn quốc chưa trường hợp nào bị xử lý hành chính khi để chó thả rông, không rọ mõm, không đăng ký.
Chiều 3/4, sau khi tan học, nhóm học sinh trường Tiểu học thị trấn Lương Bằng (Kim Động, Hưng Yên) rủ nhau chơi đá bóng ở sân vận động cũ của huyện. Chơi xong, bé trai 7 tuổi về nhà trọ gần đó thì bị đàn chó lao vào cắn.
Bé nhập viện trong tình trạng ngưng tim, mất nhiều máu, đồng tử giãn và không qua khỏi sau đó.
Bé trai bị đàn chó cắn tử vong là con thứ hai, trên cháu có chị gái học lớp bốn và dưới là bé gái một tuổi. Bố mẹ cháu quê ở Bắc Ninh, thuê hai gian nhà ngang của bà An để làm đậu phụ, được 15 năm nay.