Ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, Phó trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội- chủ trì Hội thảo.
Tham dự có đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, lãnh đạo Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.
Báo cáo tại Hội thảo, ông Đặng Hoa Nam- Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) cho biết: Dù sự xuất hiện của internet ở nước ta chậm hơn so với khởi đầu của thế giới, nhưng Việt Nam đã nhanh chóng trở thành quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng internet nhanh nhất trong khu vực và nằm trong số quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng internet cao nhất thế giới.
Hiện nay, chưa có số liệu thống kê cụ thể và đầy đủ về số lượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng, nhưng đã có rất nhiều trẻ em bị xâm hại và trẻ em đứng trước nhiều rủi ro, nguy cơ xâm hại trong môi trường mạng (như xâm hại tình dục, nội dung không phù hợp, ứng xử không phù hợp, tiếp xúc không phù hợp, thương mại điện tử, nghiện internet/game trực tuyến…).
Báo cáo của Cục Trẻ em cũng nêu rõ, Luật Trẻ em năm 2016, Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 và Luật An toàn thông tin mạng năm 2018 đã có những quy định liên quan đến bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng.
Trong năm 2019, Việt Nam đã ký cam kết và cùng đưa ra Tuyên bố về Bảo vệ trẻ em khỏi tất cả các hình thức bóc lột và lạm dụng trực tuyến trong ASEAN. Tháng 12/2019, đã khai trương App Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em (Tổng đài 111).
Ghi nhận các hoạt động đã triển khai nhằm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, song nhiều đại biểu cho rằng, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin cùng những diễn biến phức tạp của tội phạm công nghệ cao khiến trẻ em ngày càng đứng trước nhiều nguy cơ bị xâm hại.
Tuy nhiên, chúng ta lại chưa có các văn bản quy định việc nhận dạng, dẫn đến khó khăn trong quản lý đối tượng trẻ em bị xâm hại trên môi trường mạng.
Quy định về trách nhiệm, quyền hạn của các ngành, các cấp trong công tác phòng ngừa, tiếp nhận thông tin, can thiệp sớm, bảo vệ khẩn cấp, phục hồi và tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em bi xâm hại, bóc lột, trẻ em bị mua bán... trên môi trường mạng còn chưa cụ thể, rõ ràng.
Một số đại biểu nhấn mạnh, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng là hiện tượng đã được chỉ ra từ lâu, nhưng chậm có chuyển biến. Vì thế, cần triển khai nghiên cứu để xác định rõ các nguy cơ tương tác qua mạng, các quan hệ xã hội trên mạng…, từ đó nắm bắt chính xác thực trạng, đề ra biện pháp khả thi để bảo vệ trẻ em.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Phan Thanh Bình- - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh: Không thể phủ nhận vai trò của công nghệ số đối với đời sống trẻ em, khi đã mang lại cho trẻ em cơ hội học tập, giáo dục tốt hơn. Dẫu vậy, vẫn cần quan tâm đến những nguy cơ, rủi ro với trẻ em.
Ông Phan Thanh Bình cho rằng, các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể và mỗi gia đình cần ý thức sâu sắc về 6 hình thức xâm hại trẻ em thể hiện trên môi trường mạng trong Luật Trẻ em năm 2016, để chủ động có biện pháp ngăn ngừa những ảnh hưởng tiêu cực trong khi vẫn khai thác tiện ích thiết thực của môi trường mạng với trẻ em.
Đồng thời, cần quan tâm nâng cao năng lực thực hiện bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng cho các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng (bao gồm cả kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin và bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng).