Chống tái lấn chiếm vỉa hè Hà Nội: Gắn trách nhiệm người đứng đầu

GD&TĐ - Hà Nội vẫn loay hoay tìm lời giải “bài toán” giành lại vỉa hè cho người đi bộ.

Tuyến phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) vẫn còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè.
Tuyến phố Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) vẫn còn tình trạng lấn chiếm vỉa hè.

Bởi sau mỗi đợt ra quân, tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè lại tái diễn. Nhiều ý kiến cho rằng, một trong những “vũ khí” giành và giữ vỉa hè cho người đi bộ là gắn trách nhiệm từ người đứng đầu địa phương đến cán bộ cơ sở.

Vẫn “đánh trống bỏ dùi”

Phố Nguyễn Thị Định (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) có chiều dài khoảng 1 km, nhưng tình trạng lấn chiếm vỉa hè diễn ra từ đầu đến cuối phố. Ghi nhận của phóng viên chiều 16/4, hai bên vỉa hè, lòng đường phố bị chiếm dụng bởi kinh doanh, buôn bán hàng ăn, cà phê, bãi đỗ xe ô tô, xe máy.

Thường xuyên đi làm qua phố Nguyễn Thị Định, anh Nguyễn Gia Hải (quận Thanh Xuân) cho biết, bàn ghế quán cà phê, xe máy để trên vỉa hè đã diễn ra từ lâu gây mất mỹ quan đô thị.

“Người dân, học sinh đi bộ qua tuyến phố này, nhiều đoạn phải đi xuống lòng đường. Trong khi đó ô tô, xe máy đi lại, dừng đỗ mua bán tạo nên cảnh lộn xộn và nguy cơ mất an toàn giao thông...”, anh Gia Hải nói.

Còn anh Hà Quân (trú phường Kim Liên, quận Đống Đa) làm việc trên địa bàn phường Trung Hòa thì đề nghị lực lượng chức năng sớm kiểm tra, chấn chỉnh vi phạm đô thị tại phố Nguyễn Thị Định, trả lại vỉa hè cho người đi bộ.

“Vắng bóng lực lượng chức năng thì vi phạm đô thị lại tái diễn, nên chăng phải xử lý nghiêm vi phạm, tránh đi vào vết xe đổ những lần ra quân trước, vắng lực lượng chức năng vi phạm lấn chiếm lại tái diễn...”, anh Hà Quân bày tỏ.

Tương tự, khu vực số 60 Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm) sau hơn 1 tháng của chiến dịch ra quân, xe máy vẫn tràn ra vỉa hè vây quanh cơ sở kinh doanh KATANAT và Cộng cà phê…

Những người đi bộ ở đây chỉ có cách duy nhất là lách qua hàng xe máy trên vỉa hè hoặc đi xuống lòng đường. Nguy hiểm rình rập, nhưng không có lựa chọn khác. Cho dù Luật Giao thông đường bộ đã nêu rõ: Vỉa hè là của người đi bộ.

Trước đó ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, từ 1/3 đến 1/4 các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý 24.300 trường hợp vi phạm về trật tự ATGT, phạt thành tiền 50,5 tỉ đồng. Bên cạnh đó đã kiểm tra, xử lý 7.492 trường hợp vi phạm về TTĐT, phạt thành tiền 9,2 tỉ đồng.

Phó Chủ tịch UBND Hà Nội cũng cho biết, mặc dù tình hình trật tự ATGT, TTĐT đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng kết quả chưa bền vững, nhiều điểm đã xử lý nhưng không duy trì được, để tái lấn chiếm...

Ban Chỉ đạo 197 của Hà Nội cũng có văn bản nhắc nhở Trưởng ban Chỉ đạo 197 các quận về tình hình vi phạm trật tự ATGT, TTĐT (có các tuyến phố kèm theo). Đó là quận: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân….

Điều chuyển vị trí người đứng đầu?

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội (ĐBQH khóa XII, XIII) bày tỏ, ủng hộ Hà Nội tổng kiểm tra, xử lý, giải quyết vi phạm về trật tự, ATGT, TTĐT, trật tự công cộng trên địa bàn. Ông Lê Như Tiến cho biết, suốt khoảng 10 năm qua, Hà Nội không dưới 5 lần phát động chiến dịch giành lại vỉa hè với nhiều gian nan.

“Mỗi lần ra quân đều có chuyển biến một chút. Sau ra quân tình trạng lấn chiếm vỉa hè lại tái diễn. Người Hà Nội từng ví von ‘bắt cóc bỏ đĩa’ ở vỉa hè. Vì vậy, cần một chính sách tổng thể để quản lý vỉa hè thay vì chờ chiến dịch đi qua lại lấn chiếm trở lại. Đặc biệt ra quân phải gắn trách nhiệm cán bộ cơ sở, cán bộ thực thi nhiệm vụ...”, ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.

Theo ông Lê Như Tiến, có thực tế nói mà không làm triệt để. Việc phát động cuộc chiến giành lại vỉa hè phải giao từng tuyến phố, vỉa hè, địa bàn cho từng khu dân cư, tổ dân phố, người đứng đầu địa phương, cán bộ phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm, tồn tại.

Vì thế, trách nhiệm cá nhân là rất quan trọng nếu không quy trách nhiệm cá nhân cho từng cán bộ (quận, phường, tổ dân phố) thì sau ra quân lại đâu vào đấy.

Ông Lê Như Tiến cũng lấy ví dụ, để không nguội đi theo thời gian như đã từng “chiến dịch giành lại vỉa hè cho người đi bộ” năm 2017 ở Hà Nội, hay như ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND một quận ở TPHCM từng nói: “Không lấy lại được vỉa hè cho người đi bộ tôi xin từ chức”. Thực tế ông Hải đã từ chức thật.

“Chủ trương 1 nhưng biện pháp 10, hành động phải 100 thì mới có thể giành lại vỉa hè thông thoáng. Tôi rất ủng hộ ra quân giành lại vỉa hè, lòng đường vì Hà Nội nhiều năm qua bị lấn chiếm nghiêm trọng.

Nhưng người đứng đầu địa phương, cảnh sát khu vực, cấp ủy ở các tuyến phố để vi phạm lấn chiếm lòng đường vỉa hè thì phải chịu trách nhiệm.

Sau nhiều lần nhắc nhở mà vẫn vi phạm, thậm chí tái phạm thì phải có biện pháp đối với cán bộ quản lý. Đơn cử như không đủ tín nhiệm, thậm chí chuyển công tác hay thôi công tác ở vị trí tương đương… Chúng ta làm kiên quyết như vậy thì trật tự lòng đường vỉa hè mới chuyển biến được”, ông Lê Như Tiến nêu quan điểm.

Giải pháp tổng thể

Chỉ đạo về vấn đề quản lý, sử dụng lòng đường, hè phố, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ban Chỉ đạo 197, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện các biện pháp theo kế hoạch.

Trong đó, chú trọng các biện pháp duy trì kết quả, bảo đảm lâu dài về trật tự ATGT và văn minh đô thị, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định. Ban Cán sự Đảng UBND Hà Nội cần tập trung chỉ đạo, nghiên cứu các giải pháp tổng thể, toàn diện, có tính căn cơ, bài bản và lâu dài đối với lĩnh vực này.

“Lòng đường, vỉa hè thực tế là gắn với sinh kế của người dân, phần nào đó là kinh tế đô thị. Cho nên, nguyên nhân sâu xa và lớn nhất của những khó khăn, bất cập hiện nay là thiếu quy hoạch.

Từ thiếu quy hoạch dẫn đến thiếu công khai, minh bạch... Nên tôi đề nghị phải suy nghĩ các giải pháp căn cơ, bài bản, không làm theo kiểu “bắt cóc, bỏ đĩa””, Bí thư Thành ủy Hà Nội nêu rõ.

Ông Đinh Tiến Dũng cũng chỉ đạo, giải pháp đầu tiên phải quan tâm thực hiện ngay là lập quy hoạch thiết kế đô thị để quản lý, sử dụng vỉa hè, lòng đường từng tuyến phố, tuyến đường. Việc này có tính tới các yếu tố thực tiễn trước mắt và lâu dài, phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn cụ thể như khu phố cổ, phố cũ và mới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.