Chông chênh đường tới đại học của nữ sinh mồ côi cha đạt 28,25 điểm

GD&TĐ - Nữ sinh dân tộc Thái mồ côi cha, mẹ đi bước nữa, phải ở với ông bà ngoại. Gia cảnh khó khăn khiến đường tới đại học đối với em đang rất chông chênh.

Nữ sinh Hà Khánh Ly, người dân tộc Thái, mồ côi cha. (Ảnh: Thế Lượng)
Nữ sinh Hà Khánh Ly, người dân tộc Thái, mồ côi cha. (Ảnh: Thế Lượng)

Nữ sinh mồ côi cha có nghị lực phi thường

Trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua, nữ sinh Hà Khánh Ly (SN 2006), người dân tộc Thái, ở bản Páng, xã Phú Thanh, huyện vùng cao Quan Hóa (Thanh Hóa) đạt được 28,25 điểm xét Đại học khối C00. Trong đó, 10 điểm môn Địa lý; 9,75 điểm Lịch sử và 8,5 điểm Ngữ văn.

Thầy Lê Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Quan Hóa (Thanh Hóa) trực tiếp đưa chúng tôi đến thăm gia đình Hà Khánh Ly trong một buổi chiều nắng chói chang. Trên đường đi, thầy Thanh cho hay, mặc dù có hoàn cảnh khá đặc biệt và rất khó khăn, nhưng Hà Khánh Ly không chùn bước, vẫn vươn lên trong học tập. Năm học lớp 11 và lớp 12, Khánh Ly đoạt giải Khuyến khích môn Địa lý, tại cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh.

“Gia cảnh của nữ sinh này rất đáng thương. Khi em lên 2 tuổi, bố mẹ em chia tay nhau rồi đưa con về cho ông bà ngoại nuôi. Sau đó, bố Khánh Ly vào miền Nam sinh sống và lấy vợ mới, còn mẹ cũng đi thêm bước nữa. Từ đó, em côi cút sống với ông bà ngoại. Đến năm 2022, lúc ấy Khánh Ly đang học lớp 11, thì bố em mắc bệnh rồi qua đời ở miền Nam”, thầy Thanh chia sẻ.

Trong căn nhà sàn trống hoác của ông Lương Xuân Đại (66 tuổi), bà Hà Thị Luyến (60 tuổi) – là ông, bà ngoại nữ sinh Hà Khánh Ly không có tài sản gì đáng giá ngoài 1 chiếc giường, ít chăn, đệm, 1 chiếc ti vi cùng bộ bàn ghế gỗ cũ kỹ dùng để tiếp khách. Trong phòng khách của ngôi nhà sàn, có bàn thờ liệt sĩ Lương Văn Luôn (anh trai của ông), được ông Đại đặt ở nơi trang trọng nhất.

Hôm chúng tôi đến thăm, bà Luyến đang đi nương rẫy chưa về, chỉ có ông Đại và Khánh Ly ở nhà tiếp khách. Ông Đại hiền lành, ít nói, mỗi khi ông nói, đều rất nhỏ nhẹ.

Ông bảo, vợ chồng ông có 3 con gái, đều đã có gia đình riêng. Ngày con gái của ông, bà (là mẹ của Khánh Ly – PV) ly hôn chồng, rồi đưa cháu ngoại về “quẳng” cho ông bà chăm sóc, nuôi nấng, ông bà đã thắt nghẹn lòng. Mặc dù, ông bà đã ra sức khuyên ngăn, hòa giải cho con gái và con rể, nhưng bất thành.

IMG_20240813_150155.jpg
Hà Khánh Ly và ông ngoại của mình. (Ảnh: Thế Lượng)

Ngồi bên cháu ngoại, ông Đại chỉ lặng im không nói gì, chốc chốc lại đưa ánh mắt nhìn về cửa sổ nhà sàn có khoảng không xa xăm. Khi có người hỏi chuyện, ông Đại chỉ cười hiền, rồi lại nhìn sang đứa cháu gái tội nghiệp với ánh mắt chất chứa bao niềm thương lẫn lo lắng.

“Khi ấy, chúng tôi không thể xoay chuyển được tình thế, anh ạ! Con gái đưa cháu ngoại về gửi cho ông bà ngoại, chẳng nhẽ mình là cha mẹ, mà không dang tay đón cháu gái? Cháu bé không có tội tình gì cả. Vì vậy, vợ chồng tôi cố gắng chăm sóc, nuôi dạy cháu nên người. Cũng may, cháu Ly ngoan ngoãn, lễ phép và học hành rất sáng dạ”, ông Đại chia sẻ.

Mặc dù ông Đại không nói ra, nhưng dường như điều mà vợ chồng ông lo lắng nhất là cháu ngoại đỗ đại học, nhưng phải rời xa gia đình, vì ở nhà không có điều kiện ăn học. Rồi mai kia, cháu ngoại của ông vào trong Tây Nguyên, nơi đất khách quê người, không biết sẽ xoay xở ra sao?

Dự định của ông Đại là, khi Khánh Ly vào nhập học, ông bà sẽ vay mượn một ít tiền, rồi đưa cháu vào nhập trường, chứ không để cho cháu tự đi một mình. “Vợ chồng tôi nuôi cháu từ nhỏ, cuộc sống khốn khó. Nhà có 3 khẩu, mỗi người được Nhà nước cấp cho 300m2 đất ruộng, làm 2 vụ nên cũng chỉ đủ thóc để ăn. Ngoài ra, vợ chồng tôi cũng có 60 bụi luồng, mỗi năm khai thác được một ít, nhưng giá cả rẻ lắm. Bà ấy có nuôi thêm vài con gà, thi thoảng lấy trứng cải thiện bữa ăn”, ông Đại tâm sự.

Gặp chúng tôi, Hà Khánh Ly khá nhanh nhảu, miệng luôn tươi cười trong giao tiếp. Thế nhưng, nữ sinh này có đôi mắt đượm buồn. Có lẽ, do vắng bóng người cha, thiếu tình thương của mẹ, em lớn lên trong vòng tay của ông bà ngoại, nên cô gái phải chịu nhiều thiệt thòi so với các bạn cùng trang lứa.

Mặc dù vậy, Hà Khánh Ly là một cô bé có ý chí và rất nghị lực. Từ khi vào lớp 1 đến lớp 12, năm nào Hà Khánh Ly cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, học sinh giỏi. Giấy khen của Hà Khánh Ly rất nhiều và được treo trên vách gỗ trong phòng khách của ngôi nhà sàn.

Trò chuyện với chúng tôi, Khánh Ly bùi ngùi, kể: “Hồi còn bé, chứng kiến các bạn ai cũng có bố, mẹ còn mình thì không, khiến em vô cùng buồn tủi. Nhưng rồi, em cũng dần quen với cuộc sống chỉ có ông, bà ngoại ở bên”.

Khi lớn dần lên, cảm nhận được nỗi khổ tâm của ông, bà ngoại, nên Khánh Ly chỉ biết gói ghém tất cả sự buồn tủi trong lòng, và quen dần với cuộc sống không có bố, mẹ ở bên.

Ước mơ trở thành cô giáo

Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, khi biết điểm, Hà Khánh Ly tham khảo một vài người để lựa chọn nguyện vọng cho mình, bởi ước mơ của em là trở thành cô giáo. Có người khuyên em nên xét nguyện vọng vào Đại học Sư phạm Hà Nội. Tuy nhiên, hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, ông bà ngoại đã già yếu, lại không làm ra tiền để lo cho em ăn học, nên Khánh Ly vô cùng bối rối, lo lắng, buồn phiền.

Sau nhiều ngày trăn trở, suy tính, Khánh Ly đã quyết định lựa chọn nguyện vọng 1 là Khoa Sư phạm Tiểu học, Trường Đại học Tây Nguyên ở tỉnh Đắk Lắk.

“Khi biết điểm thi, tâm trạng em vô cùng hỗn độn, vui thì ít mà buồn nhiều hơn. Hoàn cảnh gia đình em quá khó khăn, trong khi để theo học đại học phải tốn rất nhiều chi phí.

Trước mắt, em đang tranh thủ đi phụ bàn ăn cho quán phở ở thị trấn Co Lương, tỉnh Hòa Bình. Hôm nào quán đông khách, thì họ mới gọi em lên làm. Mỗi ngày, chủ quán trả cho em 130.000 đồng và ăn trưa ở đó.

Em đã làm được hơn chục ngày, cũng tiết kiệm được gần 2 triệu đồng. Còn sau này, khi nhập học, em dự định sẽ xin làm thêm việc gì đó, để có tiền trang trải việc học hành”, Khánh Ly bộc bạch.

IMG_20240813_145741.jpg
Giấy khen của Hà Khánh Ly được treo trang trọng trên vách gỗ trong phòng khách của ngôi nhà. (Ảnh: TL)

Nữ sinh cũng tâm sự rằng, dù có vào học ở Tây Nguyên, thì sự vất vả, lo toan của ông bà ngoại cũng không giảm bớt được. Ông ngoại năm nay đã gần 70 tuổi, bà ngoại 60 tuổi, không còn sức khỏe như xưa, nên bao nỗi trăn trở càng đè nặng trong tâm của Khánh Ly.

"Nếu không vào Tây Nguyên, em không còn cách lựa chọn nào khác. Bởi vì, ở trong đó, em có dì ruột đang sinh sống. Mặc dù nhà dì của em cách trường 65km, điều kiện kinh tế cũng không mấy khá giả, nhưng dù sao, em vẫn có bóng người thân”, Khánh Ly chia sẻ.

Theo Khánh Ly, lúc lựa chọn nguyện vọng, em có hỏi ý kiến ông bà về dự định của mình. Ông bà bảo rằng rất lo cho tương lai của em, nhưng vì gia cảnh khó khăn quá nên việc xác định, lựa chọn đường đi, nước bước thế nào là tùy cháu.

“Ông bà luôn tôn trọng quyết định của em. Miễn sao, sau này em thoát được cảnh cơ cực, có tương lai ổn định. Nghe ông bà nói vậy, lòng em càng bối rối và thương ông bà nhiều hơn", Khánh Ly thổ lộ.

Khi đến thăm nhà Khánh Ly, thầy Lê Văn Thanh cũng không khỏi xúc động trước hoàn cảnh éo le của nữ sinh. “Có lên thăm gia đình em, mới thấu hiểu hơn về hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà Khánh Ly đã và đang trải qua. Mặc dù, hoàn cảnh khó khăn như vậy nhưng em luôn có ý chí, nghị lực vượt khó để vươn lên. Khánh Ly cũng là một trong những học sinh luôn nằm trong tốp đầu của nhà trường về chất lượng học tập”, thầy Thanh chia sẻ.

Lúc chia tay, Khánh Ly nói với chúng tôi rằng, em quyết định vẫn vào học trong Tây Nguyên, vì hoàn hoàn cảnh gia đình đang rất khó khăn nên em sẽ cố gắng nhiều hơn nữa.

“Khi học xong, có cơ hội em sẽ quay về Thanh Hóa xin việc, để có cơ hội báo hiếu ông bà ngoại. Em cũng rất tiếc vì mình còn non dại, chọn trường xa quá, nên em coi đó là một lần vấp ngã. Em sẽ đứng lên từ vấp ngã của bản thân, để không phụ công nuôi dưỡng của ông bà và sự dạy dỗ của thầy, cô giáo”, Khánh Ly bày tỏ.

Nhận xét về nữ học trò của mình, cô Phạm Thị Tuyến - giáo viên chủ nhiệm 3 THPT của Hà Khánh Ly, nói: “Khánh Ly là một cô gái tình cảm, giàu nghị lực, luôn vượt khó vươn lên trong học tập và đời sống. Em có ước mơ trở thành cô giáo và luôn nỗ lực để đạt được ước mơ của mình. Em luôn giúp đỡ các bạn trong học tập. Em ấy là tấm gương sáng về tinh thần vượt khó, được thầy cô giáo, các bạn quý mến".

Qua bài viết này, chúng tôi rất mong nhận được sự chung tay, quan tâm, sẻ chia khó khăn của quý bạn đọc, để nữ sinh Hà Khánh Ly có điều kiện học tập và đạt được ước mơ của mình - trở thành một cô giáo trong tương lai.

Mọi sự hỗ trợ của quý vị, xin gửi về:

1 - Văn phòng đại diện thường trú Báo Giáo dục và Thời đại khu vực Bắc Trung Bộ.

Địa chỉ: Số 2, ngõ 5 đường Nguyễn Biểu, TP Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh.

Hotline: 0913.473.217

2. Hoặc ủng hộ qua số tài khoản

Tên TK: Văn phòng đại diện thường trú Báo Giáo dục và Thời đại khu vực Bắc Trung Bộ.

Số TK: 111601684999

Ngân hàng Vietinbank Chi nhánh Hà Tĩnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Binh sĩ NATO trong một cuộc tập trận tại Estonia.

Trung tâm mới của NATO

GD&TĐ - Bulgaria chuẩn bị xây dựng một khu phức hợp cơ sở vật chất để làm nơi đóng quân cho một lữ đoàn NATO đa quốc gia gồm 3.000 quân nhân.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.