TS Nguyễn Tùng Lâm – nguyên hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội:
Tôi hoan nghênh Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin sớm phương án đổi mới tuyển sinh vào lớp 10, một phương án góp phần giải quyết một số hạn chế trong giáo dục hiện nay mà chúng ta chưa khắc phục được hết.
Nếu học mà không có kiểm tra, không có thi thì sẽ không đánh giá được kết quả học tập của học sinh. Việc tổ chức kiểm tra, đánh giá thường xuyên và định kỳ là cần phải làm trong bối cảnh hiện nay của chúng ta.
Nhưng kiểm tra, đán giá phải đảm bảo giúp học sinh phát triển toàn diện. Trước đây, vì muốn giảm áp lực cho học sinh nên thi vào lớp 10 ở Hà Nội chỉ có 2 môn Toán và Ngữ văn. Từ đó nảy sinh thầy trò chỉ tập trung vào học 2 môn này, những môn khác học đối phó.
Do đó, phương án thi mới, ngoài Toán, Ngữ văn có thêm bài tổ hợp tôi cho là hết sức phù hợp. Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết sẽ công bố đề thi minh họa trong tháng 9 tới, đây là thông tin tốt.
Tuy nhiên, dư luận cũng đặt câu hỏi liệu có dẫn đến dạy học thêm tràn lan? Chưa đổi mới cách dạy học đã đổi mới cách thi?...
Tôi cho rằng, câu chuyện chống dạy học thêm tràn lan là một quá trình và thi cũng là một cách. Đơn cử, khi đổi mới cách thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ, việc luyện thi, lò luyện không còn nhiều nữa.
Để không còn vi phạm dạy học thêm, trước hết học sinh cần học vì sự phát triển của bản thân chứ không phải học để đối phó với thi cử. Đề thi đưa ra những câu hỏi phát triển tư duy, gắn việc học với thực tiễn, như thế học sinh phải tự học hàng ngày. Việc học sinh tự giác học là rất quan trọng.
Cũng có ý kiến cho rằng, sẽ khó khăn nếu thay đổi cách thi mà chưa đổi mới cách dạy. Có 2 phía: đổi mới cách dạy rồi đổi mới cách thi, nhưng đổi mới cách thi cũng sẽ tác động trở lại với việc đổi mới dạy học. Trong khoa học giáo dục, việc dùng các hình thức thi để buộc học sinh phải học toàn diện, rèn tư duy cũng là cần thiết. Không nhất thiết phải mà xong việc này rồi mới đến việc kia.
TS Nguyễn Tùng Lâm |
Ông Nguyễn Thiết Sơn - Hiệu trưởng THPT Kim Liên (Hà Nội):
Việc đổi mới tuyển sinh vào lớp 10 được Sở GD&ĐT Hà Nội trăn trở trong mấy năm gần đây. Hàng năm, các trường THPT trên địa bàn vẫn thực hiện kết hợp thi tuyển và xét tuyển, đến nay đã nảy sinh bất cập. Hầu như các trường THCS chỉ tập trung cho học sinh học 2 môn Văn và Toán. Kết quả 4 năm học THCS đều rất cao, nhất là các trường top cao trong nội thành, chỉ chênh nhau ở bài thi Văn và Toán.
Trường THPT chúng tôi cũng rất trăn trở, vì khi tiếp nhận học sinh, đầu vào dù cao nhưng có em kiến thức cơ bản những môn Lý, Hóa không nắm được, do đó, khó khăn cho thầy cô. Trong hội thảo do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức, chúng tôi đề nghị nghiên cứu, tính toán để đổi mới phương án thi, công bố sớm để phụ huynh, học sinh và nhà trường có thời gian chuẩn bị. Việc Sở GD&ĐT công bố thời điểm này là phù hợp.
Cách lựa chọn môn trong bài thi tổ hợp cũng là hợp lý, yêu cầu học sinh phải học đồng đều các môn. Nếu máy móc học theo tổ hợp thi THPT quốc gia sẽ dẫn tới việc: nếu thi môn khoa học xã hội sẽ thiệt thòi cho học sinh có năng khiếu học tự nhiên và ngược lại.
Tôi cho rằng, Bộ GD&ĐT đang có quyết tâm lớn trong chống bệnh thành tích, yêu cầu học sinh học toàn diện, không phải chỉ tập trung vào Văn và Toán. Từng cấp học phải chịu trách nhiệm về sản phẩm đào tạo của mình. Do đó, tôi hoàn toàn ủng hộ phương án thi mới này.
Ông Nguyễn Thiết Sơn |
Bà Lê Kim Anh - Hiệu trưởng THCS Cầu Giấy (Hà Nội):
Thi tốt nghiệp THPT đã thay đổi cách thi từ lâu, không có lý do gì thi vào lớp 10 vẫn giữ cách thi đã tồn tại hơn 10 năm. Cách thi mới, học sinh THCS không có khái niệm môn chính, môn phụ, không học lệch, các môn đều phải tập trung học. Bên cạnh đó, kiến thức trong đề thi nằm trong chương trình lớp 9 nên nếu nắm chắc kiến thức chuẩn, học sinh sẽ làm được bài.
Tôi cũng đồng tình cho môn Ngoại ngữ vào bài thi tổ hợp, nhấn mạnh tầm quan trọng của môn học này trong giai đoạn hiện nay. Cách xen kẽ cả môn tự nhiên và xã hội cũng hợp lý để tạo bình đẳng, công bằng cho học sinh.