Nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cao đẳng tăng mạnh
Theo TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cho rằng, để phát triển một nền kinh tế, chúng ta cần tất cả các cấp trình độ, các ngành nghề, tuy nhiên tỷ lệ giữa các cấp trình độ là khác nhau, tùy thuộc vào ngành nghề.
“Theo chúng tôi, tỉ lệ từ cao đẳng trở xuống chiếm tỉ trọng lớn, tỉ lệ từ đại học trở lên thấp hơn. Tỉ lệ này khoảng 1-3-5. Có thể thấy là, yêu cầu vị trí việc làm đối với trình độ cử nhân đại học trở lên không nhiều.
Có rất nhiều nguyên nhân cho vấn đề này: Thiếu chính sách, nhận thức của người dân, hệ thống đào tạo, sức hút nền kinh tế”, ông Bình nói.
TS Phạm Vũ Quốc Bình, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Ảnh: FPT Polytechnic). |
Ông Bình cũng chia sẻ: “Như đã nói ở trên, nhu cầu của cao đẳng trở xuống trong tháp nguồn nhân lực rất lớn. Đây là cơ cấu chung của nhu cầu lao động trên toàn thế giới. Khi chúng ta hướng tới nhu cầu trở thành một nền công nghiệp hiện đại vào năm 2030, nước phát triển năm vào năm 2045, nhu cầu lao động công nhân kỹ thuật ngày càng tăng lên.
Như chúng tôi đánh giá, 70% trong 52,5 triệu lao động lại rơi vào người lao động có trình độ cao đẳng trở xuống, vậy là nhu cầu trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp rất lớn”.
Lý giải về nguyên nhân sự gia tăng về nhu cầu nhân lực đến từ trình độ cao đẳng, TS Phạm Vũ Quốc Bình cho hay bản chất của giáo dục nghề nghiệp của hệ cao đẳng là chú trọng kỹ năng, năng lực. Vì thế, định hướng trong đào tạo của hệ này gắn trực tiếp với vị trí việc làm, thị trường lao động.
“Theo thống kê của chúng tôi, hơn 80% học sinh, sinh viên học giáo dục nghề nghiệp có việc làm đúng nghề, thậm chí lên tới 100% đối với một số ngành nghề”, ông Bình cho hay.
Chọn trường liên kết với doanh nghiệp, tạo cơ hội việc làm sớm cho sinh viên
Thầy Vũ Chí Thành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic cho biết, sau thời kì Covid-19, chúng ta dễ dàng nhận thấy những ngành nghề cơ bản của nền kinh tế thì luôn có việc làm. Cộng với khối giáo dục nghề nghiệp đều gắn chặt với doanh nghiệp, đào tạo theo địa chỉ và nhu cầu của doanh nghiệp, vì vậy cơ hội việc làm trong khối GDNN rất cao.
Đặc biệt, Trường Cao đẳng FPT Polytechnic đào tạo bám sát với nhu cầu của doanh nghiệp, vậy nên, thống kê số lượng sinh viên ra trường có việc làm sau 6 tháng - 1 năm tốt nghiệp luôn dao động ở 97 - 97,7%.
Ngoài ra, nhà trường cũng khuyến khích giảng viên làm việc tại doanh nghiệp để trải nghiệm, từ đó mang đến cho sinh viên những kiến thức thực tế nhất, giúp sinh viên hình dung rõ nhất về môi trường làm việc tại doanh nghiệp dù đang còn ngồi trên ghế nhà trường.
Với mạng lưới hợp tác hơn 2000 doanh nghiệp, trường đã nỗ lực tạo ra cơ hội để nhà tuyển dụng thấy được kỹ năng, trình độ của sinh viên thông qua sản phẩm đặt hàng, dự án tốt nghiệp. Sinh viên được tiếp xúc với nhà tuyển dụng, được săn đón ngay tại các buổi bảo vệ dự án, có thể có ngay việc làm chính thức dù chưa tốt nghiệp.
Thầy Vũ Chí Thành, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng FPT Polytechnic (Ảnh: FPT Polytechnic). |
Anh Lê Mạnh Cường, Trưởng nhóm lập trình giao diện trang web, Trung tâm akaVerse, Công ty hệ thống thông tin FPT bổ sung, thời gian học tập tại trường cao đẳng của anh rất thoải mái, cho phép sinh viên có thời gian thực tập. Bản thân anh cũng được thử việc tại các doanh nghiệp ngay khi chưa tốt nghiệp FPT Polytechnic và được đề xuất mức lương tốt.
Với tư cách một nhà tuyển dụng, anh cũng cho rằng, cho rằng, các bạn sinh viên hãy làm tốt các bài tập, dự án tốt nghiệp, sản phẩm sát theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, khi đó, bạn sẽ có được những cơ hội làm việc với mức lương ưu đãi.
Chọn học phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình và sự phát triển của bản thân
Nhiều phụ huynh có con em hiện đang học ở cấp THPT, sắp tới sẽ tham gia kỳ thi quan trọng để chọn trường đại học, cao đẳng. TS Phạm Vũ Quốc Bình chia sẻ, các bậc phụ huynh cần xác định đúng khả năng, mong muốn của con em, các em phát triển tốt về mặt tư duy, học thuyết, hàn lâm hay đi theo hướng thành thạo tay nghề, nghiệp vụ công việc, trở thành những “nghệ nhân" trong lĩnh vực của mình.
Đồng thời, phụ huynh có thể tham khảo các ngành nghề xu hướng hiện nay, có khả năng phát triển mạnh trong tương lai như Logistics, Công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật để định hướng cùng các em.
Theo thầy Thành, đối với người học, năng lực đóng vai trò quyết định với chính môi trường học phù hợp của các bạn. Yếu tố thứ hai chính là kinh tế. Gia đình nên lựa chọn môi trường học đáp ứng khả năng của con cái, học phí không quá cao và thời gian học, ra trường nhanh chóng.
Yếu tố thứ ba chính là đam mê. Sinh viên cần biết mình thích gì, mình muốn gì, mình hợp gì để có thể lựa chọn ngành nghề phù hợp sau này. Đam mê sẽ giúp các bạn trẻ có thêm quyết tâm để theo đuổi ngành nghề mình đã chọn, từ đó tốt nghiệp ra trường đúng hạn và có được việc làm đúng ngành.
Hiện nay, khi lựa chọn những chương trình sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, các bạn sẽ có được ưu thế là học ngắn - làm ngay, sau khi tốt nghiệp được tiếp xúc ngay với thị trường lao động để phát triển kỹ năng của mình.
Hơn nữa, nếu có năng lực học ở mức trung bình - khá, học cao đẳng là sự lựa chọn phù hợp bởi, sinh viên sẽ được thực hành nhiều lần cho đến khi làm thuần thục, trở thành một chuyên gia với kỹ năng này.
Sau đó, sinh viên có thể tiếp tục việc học nếu muốn trau dồi kiến thức, khả năng trình độ của mình ở những cấp bậc cao hơn.