Chọn sách số thế nào để tốt cho trẻ?

GD&TĐ - Sách số không còn quá xa lạ với trẻ em. Bên cạnh sách giấy, nhiều cha mẹ đang có xu hướng cho con tiếp cận sách số. Vậy sách nào tốt cho trẻ?

Ảnh minh họa. Ảnh: IT.
Ảnh minh họa. Ảnh: IT.

Sự lựa chọn tất yếu

Nhà báo – Nhà văn Lữ Mai (Báo Nhân dân) chia sẻ: Vợ chồng tôi đều là tác giả viết sách. Bên cạnh sách in, chúng tôi tạo điều kiện và khuyến khích con chọn sách số để đọc như một cách làm quen với công nghệ số. Đây là hình thức đã khá phổ biến ở nước ngoài với nhiều tiện ích.

Một số sách đi kèm với các yếu tố âm thanh, trong khi những cuốn khác kết hợp với các video nhỏ để minh họa. Điều này làm cho việc đọc sách của trẻ trở nên thú vị và hấp dẫn hơn.

Các liên kết và yếu tố đa phương tiện cũng là điểm cộng khi chị lựa chọn sách số cho con, đặc biệt là sách học ngoại ngữ. Ngoài ra, chị Lữ Mai luôn hướng con là một người quan tâm đến thiên nhiên nên sách số là một lựa chọn tuyệt vời khi chúng thân thiện với môi trường. Đây cũng là lý do khiến sách số có chi phí thấp, có thể thấp hơn 50% - 60% so với sách giấy.

Chị Phương Thảo (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, bé Thỏ (10 tuổi) con gái chị giờ chăm đọc sách số hơn cả sách giấy. Cũng do dạo này chị bận với dự án riêng của mình nên không có thời gian đưa Thỏ đi nhà sách và sách số cũng là lựa chọn của mẹ con chị. Thỏ có thể vào các cửa hàng sách điện tử tìm và đặt trực tuyến, rất nhanh là đã có thể nhận sách.

Là một gia đình ưa dịch chuyển, trong mỗi chuyến đi, bé Thỏ có thể đem vài cuốn sách trong ba lô thay vì mang theo một cuốn sách dày cộm. Trong suốt kỳ nghỉ, bé vẫn duy trì được thói quen đọc sách.

Với sách điện tử, Thỏ có thể đem theo những cuốn sách ưa thích chỉ bởi thiết bị gọn nhẹ, nặng hơn một cuốn sách nhỏ. Thỏ không phải lăn tăn, cầm lên đặt xuống lựa cuốn nào đem trong mỗi chuyến đi. Và chị Thảo có thể đọc sách cùng con ở bất cứ đâu mà không phải mang vác nhiều.

Với tính linh họat, sách số hiện đang chiếm lĩnh thị trường. Cũng chính vì nhu cầu của người đọc ngày càng nhiều, đi kèm với những công nghệ phát triển hiện đại ngày nay, rất nhiều thiết bị đọc sách ebook đã ra đời. Đặc biệt, nhiều thiết bị đọc sách còn là công cụ hỗ trợ học tiếng Anh rất hiệu quả với nhiều tính năng đặc biệt.

Chẳng hạn, người đọc có thể ghi chú lại phần quan trọng trong sách tạo thành nội dung ghi chú điện tử, dễ dàng tra tìm. Ngoài ra, với nguồn sách là ngôn ngữ nước ngoài, người đọc hoàn toàn có thể tra từ điển nhanh chóng bởi các liên kết hữu ích. Đây cũng chính là lý do vì sao ngày càng nhiều cha mẹ chọn sách số cho con mình.

Ảnh minh họa. Ảnh: IT.

Ảnh minh họa. Ảnh: IT.

Bí quyết dung hòa truyền thống và hiện đại

Tuy có nhiều tiện ích, song để lành mạnh hóa việc trẻ em dùng các thiết bị điện tử, cha mẹ cần hướng tới sự an toàn và cân bằng việc đọc sách số với đọc sách giấy.

Thạc sĩ chuyên khoa mắt BS Đặng Thu Hà (Bệnh viện Trường ĐH Kỹ thuật Y tế Hải Dương) khuyên các bậc cha mẹ khi chọn sách số hãy nghĩ đến những ảnh hưởng của các thiết bị điện tử đến mắt trẻ. Cha mẹ không nên cho trẻ tiếp xúc quá sớm với màn hình điện tử (dưới 6 tuổi).

Ở Việt Nam, dễ thấy trẻ em ngày ngày được dỗ dành bằng điện thọai thông minh, iPad, tivi. Khi tuổi còn non nớt, thói quen này gây hại cho mắt. Khi trẻ hơn 6 tuổi và dần tiếp xúc với các thiết bị điện tử, cha mẹ và con cần thống nhất “bảng quy tắc” trong việc sử dụng hiệu quả và an toàn các thiết bị số.

“Sách số cung cấp một số lợi ích bằng cách cho phép trẻ chọn kích thước phông chữ, đọc dễ dàng và không phức tạp. Tuy nhiên, trẻ vẫn nhìn chằm chằm vào màn hình LCD hàng giờ liền. Những màn hình như vậy đi kèm với ánh sáng chói làm cho việc đọc hơi bất tiện, không giống như giấy. Nếu ánh sáng không đủ tốt, ánh sáng chói sẽ khiến trẻ cảm thấy mệt mỏi”, BS Đặng Thu Hà cho hay.

Cho con đọc sách số từ năm học lớp 1, chị Ngọc Trâm (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) chi sẻ: Năm nay, con gái tôi lên lớp 4, mặc dù cháu có “thâm niên” 3 năm tiếp xúc với sách số nhưng tôi luôn quan tâm hướng dẫn con cách tương tác giống làm bạn với sách giấy như khi con còn nhỏ.

Bởi vậy, cháu vẫn có thói quen nghiền sách giấy mỗi khi gặp cuốn sách hay. “Tuy sách số khá đa dạng, nhiều thể loại, tác giả và tiện lợi nhưng mảng sách số dành cho trẻ em vẫn còn kiểm duyệt khá lỏng lẻo, vì vậy tốt nhất cha mẹ nên đọc sách cùng con và chọn lọc nội dung cẩn thận khi cho trẻ đọc”, chị Ngọc Trâm nói.

Đồng quan điểm với chị Ngọc Trâm, nhà văn Lữ Mai cho rằng, tất cả các loại sách, đặc biệt cho đối tượng trẻ em luôn cần sự tìm hiểu, tham khảo trước của cha mẹ để chọn ra thể loại và chủ đề phù hợp. Bên cạnh tính ưu việt, môi trường công nghệ số cũng đang bộc lộ những hạn chế về tính chính xác, chọn lọc nguồn tin nên các bậc cha mẹ cần lưu ý điểm này.

Ngoài ra, dù đã có nhiều hình thức xuất bản, phát hành sách, nhưng sách theo hình thức truyền thống vẫn là một giá trị mà trẻ em, nhất là đối với lứa tuổi từ 0 - 6 cần được thụ hưởng.

“Đó không chỉ là cách tiếp thu kiến thức, bồi đắp tâm hồn, mà còn là cảm xúc của trẻ trước từng trang sách, con chữ qua từng cử chỉ nâng niu, lật giở, giữ gìn… Thế nên gia đình tôi hướng tới sự an toàn và cân bằng cho con mình ngay từ thói quen đọc sách”, nhà văn Lữ Mai nhấn mạnh.

Có thể nói, lựa chọn sách số là bước cho trẻ làm quen với chiếm lĩnh tri thức trên môi trường công nghệ số. Để có lựa chọn sách số hợp lý nhất dành cho con, cha mẹ nên quan sát, theo dõi tác động của từng loại sách với trẻ. Nên cho trẻ tiếp cận dần với liều lượng vừa phải, để con mình không dành quá nhiều thời gian cho công nghệ khi còn nhỏ.

Tốt nhất, cha mẹ hãy khuyến khích trẻ đan xen giữa đọc sách số và sách giấy để tạo hứng thú và phát huy hiệu quả đọc. Và điều quan trọng hơn cả chính là cha mẹ dành thời gian để đọc sách cùng con. Điều này giúp con phát triển kỹ năng ngôn ngữ đọc và xây dựng vốn từ vựng, đồng thời kích thích trí tưởng tượng. Thời gian đọc sách cùng con cũng là một cách tuyệt vời để cha mẹ đối thoại, gắn kết với con.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ