(GD&TĐ) - Được hỏi: Năm học mới này, GD Quảng Trị sẽ chọn điểm nhấn là gì, thì tân giám đốc Hoàng Đức Thắm nói ngay: Dứt điểm nhà vệ sinh trường học. Dù là một phóng viên chuyên theo dõi phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” suốt một năm qua, tôi cũng không khỏi ngạc nhiên khi ông trả lời như vậy. Trò chuyện cùng ông, tôi mới biết lý do để các nhà quản lý GD Quảng Trị lựa chọn đây là việc cần dứt điểm:
Ông Hoàng Đức Thắm |
-Có 3 lý do để chọn điểm nhấn cho một giai đoạn nào đó. Thứ nhất, đó phải là việc cần thiết lắm rồi; thứ hai, đó là việc có thể khả thi; thứ ba, hiệu quả của công việc là thiết thực. Vấn đề nhà vệ sinh trường học, không phải bây giờ mới được đặt ra một cách bức thiết, đó là điều mà nhiều người đã nhận thấy từ lâu, song chưa bao giờ có chiến lược cho nó cả. Năm học vừa qua với việc triển khai phong trào thi đua “Xây dựng THTT-HSTC” thì một lần nữa, việc này được “đặt lên bàn nghị sự” một cách nghiêm túc, rốt ráo. Một năm khởi động đã nhích lên chút ít, năm nay, cố gắng để giải quyết dứt điểm.
Sau khi rà soát thực trạng và các điều kiện triển khai, chúng tôi cho rằng dứt điểm 100% trường học có nhà vệ sinh thân thiện (như Bộ trưởng đã khái quát đơn giản là vào đó 1 phút mà không thấy khó chịu) hoàn toàn có thể khả thi. Và tính thiết thực, hiệu quả của nhà vệ sinh thân thiện thì có lẽ không còn phải bàn cãi gì nữa.
Có được đủ 3 lý do đó rồi, chúng tôi quyết tâm chọn điểm nhấn dứt điểm 100% trường học trong tỉnh có nhà vệ sinh thân thiện.
PV: Khi chọn điểm nhấn này, chắc có người nghĩ rằng đây là việc nhỏ, có gì mà phải nhấn với nhá, phải không ông?
Ông Hoàng Đức Thắm: Có thể là như vậy, tôi cũng không rõ. Nhưng tôi nghĩ rằng không cứ việc to hay việc nhỏ, ít việc hay nhiều việc, khi mình đã nhấn thì phải tạo được chuyển biến thực sự. Chứ nếu cứ tham việc “vĩ mô” nhưng cuối cùng chẳng được kết quả gì thì nhấn cũng như không, vô ích. Hoặc như lựa chọn nhiều điểm nhấn quá sức mình thì cũng vậy, lực trải ra, rồi coi như không nhấn được vào đâu cả.
PV: Chuyện cái nhà vệ sinh trường học, nói thế thôi chứ cũng không phải nhỏ, bởi mạng lưới trường học của chúng ta rộng khắp, giải quyết được hết cũng không ít tiền của, công sức. Và quan trọng hơn nữa là có rồi thì làm sao để cho nó vận hành tốt, chứ không phải làm cho có rồi để đấy…
Ông Hoàng Đức Thắm: Chúng tôi đã rà soát tất cả các điều kiện để xây dựng và vận hành hệ thống nhà vệ sinh trường học trong toàn tỉnh. Hoàn toàn không chủ quan khi nói rằng điểm nhấn đó dứt khoát sẽ thực hiện được, miễn là phải quyết tâm. Về mặt chế tài, chúng tôi đã đưa tiêu chí này vào việc đánh giá hiệu trưởng cuối năm học ngoài các tiêu chí theo chuẩn chung. Và để cho việc làm này có hiệu quả thiết thực, chúng tôi xây dựng quy chế tiêu chuẩn hạng mục vệ sinh trong nhà trường ở mức tối thiểu về diện tích, nguồn nước, khoảng cách, các thiết bị…; có quy chế hợp đồng riêng nhân viên vệ sinh, số lượng tuỳ loại trường, kinh phí trả trích từ học phí; có quy chế kiểm tra đánh giá xếp loại.
HS Trường THPT Đông Hà (Quảng Trị) |
PV:Đối với các trường ở khu vực miền núi, nguồn nước liệu có đảm bảo, vì chúng tôi vừa có thông tin, huyện Đak Rông mới có 11% dân số được dùng nước sạch?
Ông Hoàng Đức Thắm: Đó là nước sạch cho ăn uống, còn nguồn nước sinh hoạt nói chung thì không thiếu, vấn đề là làm sao có hệ thống đường ống dẫn, bể chứa đầy đủ thì sẽ có nước cho việc đảm bảo vệ sinh. Ở nhiều nơi, đường đến trường của các em còn lầy lội những ngày mưa, các em cũng cần có nước rửa tay chân trước khi vào lớp, tạo cho các em thói quen sống vệ sinh sạch sẽ. Vì vậy, nguồn nước vệ sinh đã được các nhà trường quan tâm từ trước. Nay chỉ cần sát sao thêm việc cấp nước cho nhà vệ sinh. Được quan tâm đầy đủ, thì dù việc nhỏ thôi, cũng không phải là mới, mà vẫn là điểm nhấn, tạo được sự thay đổi quan trọng. Và đó cũng có thể coi là một việc mới. Như chỉ đạo của Bộ trong năm học này, mỗi cán bộ, giáo viên đều phải có một việc làm mới trong năm học, thì cách lựa chọn theo tôi cũng là như vậy, không cần việc lớn, không cần việc mới, chỉ cần tạo được sự thay đổi.
PV: Ngoài điểm nhấn trên, năm học này GD Quảng Trị còn có nét gì mới trong công tác quản lý chỉ đạo, thưa đồng chí Giám đốc?
Ông Hoàng Đức Thắm: Các lĩnh vực công tác thì cũng không có gì thay đổi, nhưng khác là có những thay đổi trong chỉ đạo, để đáp ứng yêu cầu mới. Ví dụ, việc hỗ trợ vùng khó là việc làm đã có truyền thống ở Quảng Trị, năm nay ngành tiếp tục thực hiện lời kêu gọi quyên góp sách vở, đồ dùng học tập, áo ấm cho HS và GV vùng sâu xa, ngoài ra là quyên góp hỗ trợ cho ngành học mầm non ngoài công lập; việc các đơn vị hỗ trợ nhau không chỉ là vận động tự nguyện, kết nghĩa mà có phân công cụ thể và ngay trong Tháng khuyến học chúng tôi sẽ tổ chức hoạt động hỗ trợ GD vùng khó với qui mô rộng lớn toàn ngành, trở thành chiến dịch, và một đơn vị có thể được nhiều đơn vị cùng giúp đỡ: Phòng GD Hướng Hoá tiếp nhận sự hỗ trợ của Phòng GD thị xã Đông Hà và Vĩnh Linh, Trường THPT số 2 Đak Rông nhận sự hỗ trợ của Trường THPT thị xã Quảng Trị và THPT Hải Lăng.v.v.
Trong việc xây dựng kế hoạch, năm nay, chúng tôi cũng tiến hành sớm, đưa lên website của ngành để các phòng và đơn vị trực thuộc nghiên cứu, góp ý hoàn thiện, đồng thời xây dựng kế hoạch cho đơn vị mình xong trước khai giảng. Việc làm này giúp cho cơ sở chủ động trong công việc, phát huy quyền tự chủ của CBQLGD và GV, bởi vì tại hội nghị xây dựng kế hoạch của các cơ sở, đơn vị phải thông qua việc làm mới của mỗi CB, GV trong năm, nghĩa là mỗi cá nhân đều có suy nghĩ, xây dựng kế hoạch cho bản thân mình, phù hợp với kế hoạch chung và theo sở trường của mình.
Về đổi mới phương pháp dạy học, Sở cũng sẽ chủ động xây dựng kế hoạch đổi mới phương pháp dạy học với từng bộ môn, trên cơ sở đó các trường xây dựng kế hoạch của trường mình. Về công nghệ thông tin, GD Quảng Trị là một trong những địa phương đi đầu trong triển khai ứng dụng CNTT vào dạy học và quản lý, ngay từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Năm 2006, khi hoạch định chương trình phát triển 5 năm 2006-2010, ngành cũng đã lựa chọn chủ đề năm học 2008-2009 là năm CNTT, trùng khớp với chủ đề năm học mà Bộ đề ra. Tuy nhiên, về lĩnh vực này, năm nay Sở sẽ chịu trách nhiệm phổ cập chứng chỉ tin học cho 100% GV trong toàn tỉnh.
Về cơ sở vật chất trường học, năm nay, sẽ không chỉ có việc đẩy mạnh xây dựng trường chuẩn quốc gia mức 1, mức 2 mà nâng thêm một mức nữa, gắn kết các tiêu chí của trường chuẩn quốc gia và trường học thân thiện để có được mô hình trường kiểu mẫu (lựa chọn trong số các trường chuẩn quốc gia).
Tóm lại, kể cả những việc không mới, chúng tôi vẫn có cách làm mới với nội dung đổi mới. Và với tinh thần như vậy thì mọi cán bộ, giáo viên đều có cơ hội hiện thực hoá những sáng tạo của mình trong quá trình thực hiện nhiệm vụ năm học.
PV: Năm học mới còn có một chủ đề quan trọng là nâng cao chất lượng GD. Ngành GD Quảng Trị đã có giải pháp nào cho vấn đề này?
Ông Hoàng Đức Thắm: Chúng tôi xác định phải tăng cường các giải pháp cho việc nâng cao chất lượng GD. Từng đơn vị, trường học phải xây dựng một hệ thống giải pháp đồng bộ, tích cực, cụ thể để tập trung nâng cao chất lượng GD mũi nhọn, đại trà và toàn diện. Chỉ đạo các nhà trường dạy học phân hoá, phụ đạo bồi dưỡng theo từng nhóm đối tượng. Mỗi GV bộ môn phải định ra được các nhóm đối tượng này với HS của mình và công khai chất lượng dạy và học.
Từng chuyên viên phụ trách bộ môn của Sở GD-ĐT cũng phải đề xuất được một việc làm mới có hiệu quả thiết thực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn mình phụ trách. Đối với các đơn vị vùng khó, khi xây dựng kế hoạch nâng cao chất lượng đều có lãnh đạo Sở và các phòng ban về dự để cùng trường xây dựng kế hoạch, có giải pháp hỗ trợ, quan tâm mở rộng mô hình nội trú dân nuôi để tăng số lượng HS dân tộc được học bán trú, học cả ngày.
Trong các giải pháp chất lượng, chúng tôi cũng coi trọng nâng cao năng lực quản lý chất lượng dạy và học, triển khai đánh giá theo đúng quy định, quy trình. Chúng tôi sẽ tiến hành quy trình GV đánh giá hiệu trưởng, chuẩn bị để các đơn vị cơ sở đánh giá phòng và sở. Riêng về đánh giá GV, chúng tôi cố gắng để đánh giá xếp loại cho khách quan, công bằng, sử dụng kết quả xếp loại đó vào việc xét đi học, nâng lương, bổ nhiệm, khen thưởng. Các tiêu chí chung đã có, quan trọng là cách làm sao cho cụ thể, thiết thực, hiệu quả, tránh nể nang, dĩ hoà vi quý. Trong việc này, vai trò của hiệu trưởng là rất quan trọng. Sở sẽ chỉ đánh giá GV giỏi cấp tỉnh và giữ vai trò chỉ đạo kiểm tra sát sao. Các đơn vị đánh giá trực tiếp là chính. Một lần nữa, trong việc đánh giá chất lượng GV, vai trò chủ động của cơ sở được phát huy, như vậy việc đánh giá sẽ sâu sát hơn, chính xác hơn.
PV: Vâng, với cách chọn điểm nhấn như vậy, với phương pháp “làm mới” ngay cả những việc cũ, chắc rằng GD Quảng Trị năm học này sẽ có những chuyển biến hiệu quả, thiết thực. Xin cảm ơn đồng chí giám đốc!
Nguyễn Hoàng
(thực hiện)