PGS-TS Nguyễn Văn Thường, Giám đốc Bệnh viện Da liễu trung ương, trả lời: Tia cực tím (UV) có nguy cơ gây sạm da, nám da, ung thư da, thậm chí tiếp xúc tia UV ở ngưỡng gây hại trong khoảng thời gian 25 phút có thể bị bỏng da.
Tia cực tím không chỉ cao điểm trong ngày nắng nóng, mà ngay cả những ngày trời râm mát, tia cực tím cũng tàn phá làn da. Để hạn chế việc tiếp xúc của da đối với tia cực tím, nhiều người thường mặc áo chống nắng, đội mũ rộng vành, đeo kính râm. Điều này sẽ góp phần ngăn cản sự tác động của tia cực tím tới da.
Nhiều người cho rằng áo chống nắng sáng màu mới có tác dụng ngăn tia UV nhưng thực tế để chống nắng lại tùy thuộc vào từng loại vải.
Vải sáng màu có tác dụng phản xạ lại tia UV và các tia ánh sáng tốt hơn màu tối nhưng áo màu tối sẽ hấp thụ nhiệt nhiều hơn và biến đổi tia cực tím thành nhiệt lượng, có khả năng chống UV tốt hơn màu sáng.
Mọi người thường hiểu đơn giản là vải hấp thụ tia UV sẽ truyền vào da gây đen nhưng sự hấp thu đây là tăng nhiệt ở áo và quá trình này không thể truyền vào da.
Do đó, ngoài việc chống nắng bằng các biện pháp cơ học, chị em nên bôi kem chống nắng sau 2-3 tiếng/lần và bôi trước 30 phút khi ra ngoài trời nắng.