Chồi xanh đã lên ở 'Vương quốc vải thiều'

GD&TĐ - Mưa bão gây thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh thành miền Bắc, trong đó có Bắc Giang - nơi được ví là 'Vương quốc vải thiều'.

Một góc huyện Lục Ngạn nhìn từ trên cao trong những ngày bão số 3 (Yagi) tràn về.
Một góc huyện Lục Ngạn nhìn từ trên cao trong những ngày bão số 3 (Yagi) tràn về.

Sau bão, hàng vạn cây vải thiều chết khô khiến người dân không khỏi đau xót, tiếc nuối.

Việc khắc phục khó khăn, tái thiết cuộc sống cho người dân trở thành nhiệm vụ cấp bách và cần thiết để khôi phục, phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Nỗi buồn Đồng Trắng

Không biết từ bao giờ, nhiều người dân Bắc Giang coi cây vải thiều là cây xóa đói giảm nghèo, giúp họ xây nhà, mua xe, “nâng bước” con em đến trường để có tương lai tươi sáng. Tuy nhiên, sau nhiều ngày chìm trong nước lũ bởi cơn bão số 3, nhiều người dân buộc phải chặt bỏ hàng vạn cây vải ngả lá vàng úa, ngập trong phù sa, cùng với đó cả vạn cây cam, cây táo khác chết khô…

Đến thôn Đồng Trắng (xã Mỹ An, huyện Lục Ngạn) những ngày này, nhiều người không khỏi xót xa. Bởi chứng kiến cảnh người dân địa phương đang chặt bỏ, bới gốc từng cây vải chết khô hoặc cặm cụi xới đất bị phù sa bám chặt để làm lại vườn cây.

Dọn vườn giữa tiết trời nắng nóng hanh khô đặc trưng của tháng 10, anh Trương Văn Dựng, Bí thư thôn Đồng Trắng cho biết, gia đình có thể mất trắng vụ thu hoạch vải, cam, táo. Sau bão, hàng trăm cây vải héo úa khi chưa kịp chăm “lộc”, nhiều cây ăn quả khác sống “thoi thóp” sau những ngày ngập trong mưa lũ. Tầm này năm ngoái, gia đình có 400 cây táo, quả đã to bằng hạt đậu tương, đến lúc tưới nước, bón phân thì năm nay không còn gì, cây nào cây nấy chết dần chết mòn.

“Tháng 10 dương lịch hằng năm, gia đình tôi bắt đầu chăm lộc cho cây vải. Năm nay, mưa lũ kéo dài, số cây còn lại rất ít, nhiều cây đang chết dần. Tôi tính thuê người đào lên, trồng cây mới cho các vụ sau…” - anh Dựng tâm sự.

Sơ bộ, gia đình Bí thư thôn Đồng Trắng còn mất khoảng 30 tấn cam. Tổng thiệt hại toàn vườn trên 1 tỷ đồng. “Rất nhiều cây vải tuổi đời 7 - 10 năm, cây táo 7 năm chết do ngập nước. Để có cây vải vào vụ ổn định, phải mất chừng 5 năm chăm bón. Còn cây táo, mất khoảng 2 năm...” - anh Dựng buồn rầu nói.

Thoát nghèo nhờ cây vải, ông Diệp Văn Gióng (60 tuổi), cùng thôn Đồng Trắng, không khỏi nuối tiếc khi hàng nghìn gốc vải tại thôn, trong đó có nhà ông, có nguy cơ mất trắng. Dễ nhìn nhất là các cây thối rễ, rụng lá, lá vàng úa, khô trước ánh nắng.

Nhớ lại tầm này năm ngoái, ông chuẩn bị khoanh vùng hoa, chăm “lộc” để cây chóng đậu quả nhưng giờ nhìn vườn cây vàng vọt, lòng người đau như cắt. “Tôi đếm sơ bộ có 250 cây vải, 50 cây cam và khoảng 0,5 ha bạch đàn bị chết. Cây còn lá xanh thì thoi thóp, cứu được cây nào thì cố cứu…” - ông Gióng ủ rũ nói.

Theo ông Gióng, năm 2023, sản lượng cây ăn quả cũng giảm do bị mất mùa, nhất là cây vải, ước tính 10 cây chỉ được 3 cây ra quả ổn định so với các năm trước. Đến thời điểm này, tranh thủ thời tiết tạnh ráo, ông bàn với vợ con thuê người cuốc vứt cây chết khô ở vườn.

“Hôm trước, lũ kéo dài nhiều ngày không rút mới khiến cây chết nhiều. Cũng may, còn khoảng 50% cây vải ở đồi cao không sao. Ở đây, không cây nào hợp đất, trồng tốt, giá trị cao như cây vải. Ngày xưa, nhà tôi trồng lúa nhưng chỉ đủ ăn qua ngày.

Sau này, tôi trồng vải mới có tiền nuôi con ăn học, xây lại căn nhà. Nhà có cả những cây vải 30 năm tuổi, trồng từ khi con trai còn nhỏ. Tôi chỉ mong Nhà nước hỗ trợ cây giống, phân bón, tiền thuê máy xáo bùn đất để trồng lại”, ông nói.

choi-xanh-da-len-o-vuong-quoc-vai-thieu-3-6980.jpg
Ông Nguyễn Văn Thái - Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ An tiếc nuối những vườn vải úa vàng của nhân dân.

Khôi phục hoạt động sản xuất

Có hai người con đang trong độ tuổi đến trường với nhiều nỗi lo chi phí học tập, anh Diệp Văn Bộ (33 tuổi, con trai ông Gióng) bày tỏ, lớn lên đã có cây vải trợ lực. Kinh tế gia đình ở đây đi lên hay không cũng từ cây vải.

Anh Gióng kể ngày bé, ngoài giờ học, anh giúp bố mẹ chăm sóc cây, từ tỉa vải, hái quả cho đến đèo từng thùng vải chín đỏ ra điểm cân bán. Nhiều thùng vải của nhà anh xuất đi Trung Quốc được giá cao nhờ thương nhân nước bạn ưa thích vải Bắc Giang do vỏ đỏ, vị ngọt thanh, chất lượng tốt.

Khi được hỏi trồng cây có vất vả không, anh Bộ chỉ cười nói “nhà mình có đất, có vườn, có cây, có sức lao động nên học xong kỹ thuật là về chăm cây, làm giàu từ chính quê hương mình”. Theo anh, gia đình tính vay mượn trồng lại vườn cây để có thu nhập, lo cho hai con đang học lớp 4 và lớp 6.

“Ngày nghỉ học, các cháu được học cách chăm sóc cây vải, cây cam... Ở đây, trẻ con không có gì không học được, học chăm cây vải cũng giúp các con học thêm nhiều điều, thấu hiểu nỗi vất vả của cha mẹ khi làm nông nên có ý thức vươn lên…” - anh Bộ chia sẻ.

Anh Bộ chia sẻ, chưa bao giờ anh thấy thiên tai lớn như năm nay. Năm 2008, trận lũ lịch sử quét qua quê anh, song nước rút nhanh, chỉ lác đác chục cây chết. Còn năm nay, lũ rút chậm, nhiều nơi phù sa đọng lại, bám chặt vào gốc, thân cây, nắng lên khô dần khiến cây chết. Năm ngoái, cao điểm nhà hay thu 40-50 tấn vải nhưng năm nay cầm chắc mất mùa.

Trước những thiệt hại cây trồng do thiên tai, nhiều người dân thôn Đồng Trắng mong muốn các cấp các ngành hỗ trợ cây giống, phân bón, kỹ thuật để tái sản xuất. “Sống nhờ cây ăn quả, khi bị thiệt hại do thiên tai, nhiều bà con không biết bắt đầu lại từ đầu.

Hôm nước lũ mới rút, tôi đi thăm đồng, xót ruột mà không làm gì được. Bà con giờ chỉ mong được hỗ trợ cây giống, phân bón và có cán bộ hướng dẫn khoa học kỹ thuật, cho cây phát triển nhanh, sống khỏe…”, anh Bộ giãi bày.

Thống kê của Chi bộ thôn Đồng Trắng, Trương Văn Dựng cho hay, bão Yagi khiến 123 hộ dân, trong đó có 95% hộ bị thiệt hại do ngập lụt, số hộ dân trên sườn đồi cũng ảnh hưởng nhưng bị ít hơn.

Người dân thôn Đồng Trắng coi cây vải như cây xóa đói giảm nghèo. Ban đầu, bà con chỉ trồng ở các đồi cao, chiềng đất, sau đó mở rộng, đến nay nhiều nhà bỏ hẳn trồng lúa, trồng mía. Nhờ cây vải, nhiều hộ thực sự thoát nghèo, có tiền mua nhà, mua xe, cho con cái đi học.

Nhiều em trở thành sinh viên đại học, đi du học nước ngoài hoặc tham gia các lớp học kỹ thuật nông nghiệp về lại địa phương làm giàu cho quê hương. Không ít bạn trẻ nay là chủ vườn cây lớn, kinh tế tốt, còn giúp đỡ những người khác trong thôn làm giàu.

Ông Nguyễn Văn Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ An (Lục Ngạn) cho biết, các thôn như Đồng Trắng, Tân Giang… có đặc điểm là vùng trũng, trồng nhiều cây ăn quả như vải, táo, cam, bưởi. Trong đó vải có trên 715ha, cam bưởi khoảng 154ha. Xã Mỹ An có hơn 1.500 hộ với trên 6.000 nhân khẩu, trong đó hơn 95% gia đình gắn với cây vải.

Những khi mưa bão, nhiều nơi nước rút chậm, ngập sâu trung bình 2,5m, thường cao vượt quá cây vải. Đa số cây vải bị ngập trong biển nước, số cây trên đồi may mắn hơn nhưng vẫn cần chăm sóc thêm. “Những cây bị ngập nước lâu ngày chết hết, chết trắng đồng…”, ông Thái nói.

Hiện chính quyền xã Mỹ An đã tiến hành tiêu độc khử trùng, xử lý các cây còn khắc phục được, chờ nước rút, đảm bảo nền đất khô ráo sẽ chỉ đạo bà con nông dân trồng cây mới. Xã cũng hướng dẫn bà con chăm sóc diện tích cây ăn quả không bị ngập để hạn chế thiệt hại. Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ An cho biết, vụ vải tháng 5, tháng 6 vừa qua có sản lượng chỉ đạt 10% so với hằng năm do mất mùa. Thiên tai vừa qua khiến cuộc sống của nhiều bà con khó khăn hơn.

“Địa phương kiến nghị các cấp, các ngành hỗ trợ cây giống, phân bón, khoa học kỹ thuật cho bà con. Nếu chiết cành nhanh thì phải vài tháng mới có cây mới đủ sức sống. Do vậy, chúng tôi đề nghị bà con tập trung chăm sóc số cây còn lại và chuẩn bị kế hoạch trồng cây phục hồi sản xuất nông nghiệp cho vụ mới…”, ông Thái chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ