Hiện nay trên mạng xã hội Facebook, xuất hiện nhiều hình ảnh “hóa thân” các nhân vật nổi tiếng, hoặc những nhân vật huyền thoại trong phim cổ trang. Chủ yếu những phần mềm hóa thân này xuất xứ từ Trung Quốc, trong kho ứng dụng của hệ điều hành iOS và Android.
Chỉ cần tải ứng dụng về, thông qua điện thoại thông minh, người dùng chụp một bức ảnh rồi nhờ phần mềm đó hóa thân thành nhiều nhân vật khác nhau. Nếu như năm 2016, trào lưu hóa thân thành Võ Tắc Thiên, “soái ca” rầm rộ, tràn ngập cả Facebook thì gần đây xuất hiện hình ảnh hóa thân thành những nhân vật trong phim “Tam Quốc diễn nghĩa”.
Đó là phần mềm Pitu do công ty Tencent (Trung Quốc) phát triển. Các bạn trẻ hào hứng chụp ảnh, selfie rồi “hóa thân” thành các nhân vật trong phim “Tam Quốc diễn nghĩa” lung linh (nhưng những đường nét chính trên gương mặt của người đó vẫn được giữ lại và có phần thanh tú hơn), đăng lên dòng thời gian để “cạnh tranh” với bạn bè.
Thậm chí những ảnh hóa thân còn được chọn làm ảnh đại diện, ảnh bìa. Phải công nhận các công ty công nghệ chuyên về phần mềm ứng dụng của Trung Quốc nhanh nhạy nắm bắt được xu hướng, sở thích của giới trẻ nên những gì tung ra thị trường đều được đón chào nồng nhiệt. Nói không ngoa, cứ vào các tài khoản Facebook của các bạn trẻ sẽ thấy được điều đó.
Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ đã cảnh báo rằng phần mềm hóa thân thành các nhân vật cổ trang như Pitu có thể gây nguy hại đến quyền riêng tư cá nhân. Dù là miễn phí nhưng khi cài Pitu về máy, phần mềm đòi hỏi phải truy xuất thông tin địa lý (tức địa chỉ nơi ở), lịch sử ứng dụng trình duyệt web, số điện thoại, ID máy...
Dù chưa phát hiện có trường hợp nào ảnh hưởng, nhưng nếu chịu khó phân tích, dễ dàng nhận ra những phần mềm kiểu này có vấn đề. Bởi, đây chỉ là những ứng dụng chỉnh sửa hình ảnh giải trí đơn thuần, một trào lưu chóng vánh, thì đâu cần thiết phải đòi hỏi cung cấp quá nhiều thông tin cá nhân trên máy như vậy. Sâu xa hơn, với việc nắm được những thông tin riêng tư, nhà cung cấp những phần mềm kiểu này có thể trục lợi như quảng cáo, “dội bom” tin nhắn rác trên điện thoại, e-mail, dùng những số lạ từ quốc tế nhá máy để thu cước khi người đó gọi lại...
Nguy hiểm hơn, kẻ xấu có thể đánh cấp IMEI điện thoại để chiếm quyền làm chủ điện thoại đó. Vì vậy, các bạn trẻ nên cảnh giác khi tải ứng dụng này về máy. Bởi trước đó, một phần mềm chỉnh sửa hình ảnh đến từ Trung Quốc là Meitu cũng bị các chuyên gia công nghệ quốc tế nghi ngờ là “bên trong Meitu có chứa những đoạn mã phức tạp và đáng ngờ”.