Choáng váng trước loạt cây cảnh giá trăm triệu chơi Tết 2016

Mai tiền tỷ, đào trăm triệu,... là hai trong nhiều loại cây cảnh mà có lẽ chỉ giới đại gia mới đủ sức đầu tư để chơi Tết...

Choáng váng trước loạt cây cảnh giá trăm triệu chơi Tết 2016

Cây mai cổ giá 2 tỷ bậc nhất Đà Thành

Những ngày cuối năm, người dân và du khách Đà Nẵng có dịp ghé qua chợ hoa xuân Đà Nẵng đều không khỏi xuýt xoa, trầm trồ trước cây mai cổ đứng sừng sững giữa chợ. Được nhận định có tuổi lên đến trăm năm, cây mai cổ này còn thuộc loại quý khi là giống mai cúc hồng diệp, cánh hoa nhiều lớp, đầy, có mùi thơm, hoa tàn không rụng. Không những vậy, điểm đặc biệt nhất của cây mai này chính là thân cây có hình dáng một cây đa đầu làng với các chi, nhánh gần như hoàn hảo.

Chủ nhân của cây mai cổ là anh Trương Hoài Phong đến từ phường Yên Đổ (TP.Pleiku, tỉnh Gia Lai) rao bán gốc mai này với giá 2 tỷ, không thiếu một đồng. Theo anh Phong, cây mai cúc này được anh mua 20 năm trước. Trước khi về đến anh, cây mai đã qua 3 đời chủ chăm sóc. Thân cây có 5 nhánh lớn mang ý nghĩa ngũ phúc (Phước, Lộc, Thọ, An, Khang). Và hoa nở từng chùm cụm kín cả cành nhỏ.

Anh Phong cho biết, sau khi biết tin, đã có nhiều đại gia hỏi mua, một số đại gia đã trả cây mai này giá 1,6 tỷ đồng, nhưng anh Phong vẫn chưa bán. "Tôi đưa cây mai cổ này từ Gia Lai xuống Đà Nẵng là để bán. Nhưng được giá mới bán vì để chăm loại mai cúc này rất khó. Và có thể tôi sẽ chuyển về lại Gia Lai, không bán nữa mà để người dân Đà Nẵng được chiêm ngưỡng cây mai độc nhất vô nhị này", anh Phong cho hay.

Vì có quá nhiều người hiếu kỳ hỏi và chụp ảnh nên để tiện cho người dân và du khách biết cây loại mai gì, dáng ra sao, anh Phong đã treo bảng giới thiệu đây là "Mai cổ giống cúc, dáng đa đầu làng".

Đại gia Hà thành chi 800 triệu mua cây khế 100 tuổi

Mới đây, một đại gia Hà thành vừa bỏ ra hơn 800 triệu để mua một cây khế cổ thụ gần 100 năm tuổi để chơi Tết. Thông tin trên được anh Nguyễn Xuân Phương, một mối buôn cây cảnh trên đường Láng Hòa Lạc (Hà Nội) tiết lộ. Theo anh Phương, cây khế này được anh mua lại của một hộ dân ở quận Tân Bình (TP.Hồ Chí Minh) cách đây gần 2 năm.

“Lần đó tôi đi liên hệ bàn chuyện làm ăn, tình cờ đi qua một nhà dân ở quận Tân Bình có nhìn thấy cây khế dáng cổ thụ tuyệt đẹp liền vào xem và ngỏ ý hỏi mua lại của gia chủ. Song, chủ nhà nhất quyết không bán vì cây khế này là khế cơm (khế ngọt), mỗi năm cho hàng tạ quả để gia đình ăn. Tuy nhiên, sau 5-7 lần ra vào hỏi mua thì chủ nhân cây khế cổ gần 100 tuổi cũng gật đầu đồng bán”, anh Phương chia sẻ.

Theo anh Phương, khi bán cây khế, chủ nhân của nó cũng không biết chính xác cây được bao nhiêu tuổi. Nhưng với anh thì khác, là dân trong nghề nên nhìn dáng, gốc, thân anh có thể biết được cây khế cổ thụ này có tuổi đời gần 100 năm.“Thực ra, mục đích tôi mua cây khế này để về chơi chứ không buôn bán gì cả. Nhưng khi đem về, có một vị đại gia ở Hà Nội đến hỏi mua, ông ấy khá tâm huyết, hiểu về cây khế còn hơn cả tôi nên tôi đồng ý bán lại cho ông ấy với giá hơn 800 triệu đồng”, anh Phương chia sẻ.

Bưởi cảnh giá 100 triệu

Hiện nay, trên thị trường, người mua dễ dàng tìm được chậu bưởi cảnh có giá 10 – 15 triệu ở vườn Quảng Bá (Tây Hồ - Hà Nội) hay vườn ở Cao Nền (Khoái Châu - Hưng Yên). Những chậu cây này được trồng 2-3 năm, lâu hơn là khoảng 4-6 năm. Nhiều người chơi cây chia sẻ, những chậu cảnh có tuổi đời hàng chục năm mới thực khó tìm. Vì thế, khi tận mục chậu bưởi cảnh trăm triệu ở Hà Nội thuộc hàng "khủng" của nghệ nhân Chu Mạnh Hùng tại Phúc Thọ (Sơn Tây), nhiều người không giấu được sự yêu thích, tò mò và cả ngưỡng mộ.

Mới chuyển từ Mỹ Đình (Hà Nội) về Phúc Thọ (Sơn Tây) được gần 1 tháng, khu vườn của nghệ nhân Chu Mạnh Hùng (thường được gọi là Hùng Xiếc) – một người chơi cây cảnh lâu năm, đã gây ấn tượng mạnh cho bất cứ ai đi ngang qua. Nằm ngay gần mặt đường 32, hướng Hà Nội – Sơn Tây, khu vườn với rất nhiều cây cảnh được chăm chút, cắt tỉa cẩn thận. Trong số đó, nghệ nhân sở hữu một chậu bưởi cảnh ước tính cao khoảng 3- 3,5m, tán rộng và có tới 60 – 70 trái bưởi chín vàng, tỏa ra mùi thơm dễ chịu.

Chia sẻ về chậu cảnh lạ mắt này, nghệ nhân Chu Mạnh Hùng nói: “Chậu bưởi được mua với giá 90 triệu đồng. Sở dĩ, có mức giá này là bởi gốc bưởi ước tính tuổi đời từ 70 – 80 năm. Ngoài ra, chậu cây có dáng đẹp, gốc bưởi to, khỏe, vững chãi. Những chậu bưởi lâu năm như vậy vốn không có nhiều trên thị trường”.

Mặc dù có không ít người vì “mê” chậu cảnh, từng muốn thuê lại với giá 30 – 40 triệu chơi vài ngày Tết, nhưng hiện tại nghệ nhân không cho thuê mà để lại chăm sóc tại vườn.

Điểm khác biệt của chậu cảnh này không chỉ ở phần gốc đã lên hàng cổ thụ, mà còn vì số lượng trái bưởi khá nhiều, lên tới 60 - 70 trái. Vì gốc bưởi to lớn nên có thể ghép rất nhiều cành bưởi nhỏ, số lượng trái trên cây sẽ được người trồng thỏa sức ấn định. Ngoài trái chín sum suê, vỏ căng mịn, bưởi cảnh có cả hoa, lá, lộc non tượng trưng cho sự đầy đặn, may mắn của một năm mới. Đối với người chơi cây cảnh lâu năm, đây là một trong những chậu cảnh quý.

Sở hữu chậu cây hiếm có, khó tìm đã là một điều không dễ dàng, làm sao để chăm sóc cho cây phát triển tốt cũng là một bài toán với người chơi cây cảnh. Không gian sống bị giới hạn, lượng đất không nhiều, cộng thêm các yếu tố về thời tiết, để bưởi đơm hoa, kết trái đúng thời điểm là kỹ thuật riêng của người làm vườn. Nhất là với bưởi cảnh, vừa cần nhiều nước trong thời kỳ ra hoa và kết quả nhưng cũng không chịu được ngập úng. Bởi vậy, cung cấp nước và tiêu nước tốt là một trong những điều người chơi bưởi cảnh cần chú ý.

Chậu bưởi cảnh hiếm có này được nghệ nhân Chu Mạnh Hùng chăm sóc rất cẩn thận. Khu vườn có 2- 3 người chăm sóc, tưới tiêu cho cây.

Ngoài ra, theo nghệ nhân Chu Mạnh Hùng, đôi khi việc tạo dáng, tạo thế cho cây không nên bó buộc trong một khuôn mẫu nhất định. Cái khó là ở chỗ, nhiều khi người trồng sáng tạo, nếu không có tay nghề, kỹ thuật tỉa cảnh, uốn thế hoặc có con mắt tinh tường, không cẩn thận có thể biến một tác phẩm nghệ thuật thành “cành củi khô”.

Đẹp và cầu kỳ, không khó hiểu khi cây bưởi cảnh này có giá trị lên tới gần 100 triệu đồng.

Đại gia bỏ trăm triệu mua cây bạch đào chơi Tết

Vài năm gần đây, xu thế chơi đào rừng để trưng bày trong dịp Tết Nguyên Đán được nhiều người ưa chuộng. Không ít người sẵn sàng chi bạc triệu, thậm chí trăm triệu chỉ để “săn” được những cây đào có thế độc, lạ.

Anh Thế Anh (chủ vườn đào rừng Sapa, Lào Cai) cho biết, khác với những loại đào khác, đào rừng có vóc dáng cổ kính, thân mốc thường không được chỉnh sửa về mặt kỹ thuật nên mang vẻ đẹp tự nhiên. Thú chơi đào rừng mới “rộ” lên trong khoảng 5, 6 năm trở lại đây.

Để có những cây đào rừng đẹp, các chủ vườn thường phải thuê người lặn lội vào các cánh rừng sâu để săn tìm. Đào rừng có nhiều loại, song phổ biến nhất là đào tuyết, đào đá, đào phai đơn, bích kép... Trong đó, đắt nhất là đào tuyết cổ. Một cây đào tuyết có tuổi đời trên 30 năm thậm chí còn được trả giá lên tới vài trăm triệu đồng.

Sở dĩ đào tuyết có giá đắt như vậy là bởi loại đào này có cánh trắng như tuyết, sắc diện tinh khôi thuộc vào loại đặc biệt quý hiếm. Ngày xưa, chỉ có vua chúa, quý tộc mới được thưởng thức loại đào này. Đặc biệt, hương thơm của đào tuyết thơm dịu, phảng phất và rất đặc trưng. Để “săn” được những cây đào tuyết “khủng” không phải đơn giản. Đôi khi phải mất hàng năm, thậm chí vài năm mới may mắn tìm được một vài cây “bạch đào” trong rừng sâu: “Những cây đào tuyết có tuổi đời vài chục năm hiện rất khan hiếm. Nếu có, cũng có người đặt mua luôn…”, anh Thế Anh cho biết.

Hiện tại, vườn đào rừng của anh Thế Anh có khoảng 1 nghìn gốc. Đây đều là những gốc cây cổ thụ được anh thuê người đánh trực tiếp tại các cánh rừng ở Lào Cai. Năm nay, thời tiết diễn biến khá thất thường, nên có khả năng đào rừng sẽ ra ít hoa và không được đẹp như mọi năm. Đối với những gốc đào có tuổi đời từ 10 – 15 năm có giá giao động từ 5 – 7 triệu đồng, gốc 20 – 30 năm giá từ 10 – 15 triệu đồng, trên 30 năm có giá khoảng 20 triệu đồng. Việc định giá này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cây càng có dáng độc, lạ, tuổi đời lâu năm càng được định giá cao. Ngoài việc bán đứt, anh Thế Anh cũng cho thuê đào rừng trưng bày trong tết nếu khách có nhu cầu.

Năm ngoái, anh Thế Anh đã từng bán một cây đào tuyết có giá 60 triệu cho một tay chơi ở Hải Phòng. Cây đào này có chiều cao 2m, đường kính 25cm, toàn thân phủ mốc trắng, có nấm mọc ở gốc. Đặc biệt cây có thế phát lộc (ngọn hướng về phía trước) nên được định giá khá cao. Hiện, ở vườn đào anh Thế Anh còn khoảng 60 gốc đào rừng cổ có tuổi đời trên 20 năm. Trong đó, một số cây đã được dân chơi cây cảnh ở Hải Phòng, Hà Nội “đặt hàng”: “Đào rừng có vẻ đẹp lạ nên cũng kén người chơi. So với mọi năm, giá đào rừng năm nay không có nhiều biến động. Những cây có giá từ 7-15 triệu đồng sẽ “hút” khách hơn cả…”, anh Thế Anh phân tích.

Theo Lao động

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ