Cho ý kiến xây dựng Bộ Pháp điển

Cho ý kiến xây dựng Bộ Pháp điển

(GD&TD) - Sáng nay, 14/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phiên họp thứ 4, cho ý kiến về Pháp lệnh Pháp điển hệ thống pháp luật.

Phiên họp thứ tư
Phiên họp thứ tư Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường đã trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Pháp lệnh Pháp điển hệ thống pháp luật. Theo đó, hệ thống pháp luật nước ta còn rất phức tạp, cồng kềnh, nhiều tầng nấc với nhiều chủ thể ban hành nhiều loại văn bản quy phạm pháp luật.

Để khắc phục tình trạng này, một trong những giải pháp cần thiết phải thực hiện là pháp điển hệ thống Quy phạm pháp luật. Kết quả của hoạt động pháp điển là Bộ Pháp điển, có tác dụng tăng cường tính công khai, minh bạch và khả thi của hệ thống pháp luật; giúp người dân, doanh nghiệp và các tổ chức khác dễ dàng tìm kiếm các quy định pháp luật liên quan đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình, qua đó góp phần giảm chi phí cho xã hội và sản xuất kinh doanh; giúp các cơ quan nhà nước dễ dàng tra cứu các Quy phạm pháp luật để áp dụng…

Dự thảo Pháp lệnh Pháp điển hệ thống pháp luật bao gồm 6 chương. Ngoài những quy định chung, dự thảo Pháp lệnh còn quy định cụ thể về Bộ Pháp điển (cấu trúc, chủ đề, ghi chú, chỉ dẫn Quy phạm pháp luật, việc sử dụng Bộ Pháp điển…); thẩm quyền và trình tự, thủ tục pháp điển; cập nhật, duy trì Bộ Pháp điển; trách nhiệm của các cơ quan trong công tác pháp điển và điều khoản thi hành.

Bộ trưởng Hà Hùng Cường cũng cho biết, mặc dù các Bộ ngành có liên quan, các cơ quan, tổ chức, nhà khoa học đều nhất trí về sự cần thiết ban hành Pháp lệnh Pháp điển hệ thống pháp luật, song vẫn còn những quan điểm khác nhau về một số vấn đề như hình thức pháp điển và giá trị pháp lý của Bộ Pháp điển; về việc Bộ Pháp điển có nên là văn bản duy nhất chứa toàn bộ các quy định pháp luật hay không; các chủ đề của Bộ Pháp điển…

Liên quan đến hình thức pháp điển, giá trị của Bộ Pháp điển, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - cơ quan thẩm tra dự án Pháp lệnh này - tán thành đề nghị của Chính phủ lựa chọn phương thức pháp điển về hình thức (rà soát, tập hợp, sắp xếp các Quy phạm pháp luật vào Bộ Pháp điển theo trật tự hợp lý để dễ tra cứu, chưa đặt vấn đề sửa đổi, bổ sung toàn bộ Quy phạm pháp luật hiện hành trước khi đưa vào Bộ Pháp điển, mà cơ quan thực hiện pháp điển chỉ xử lý theo thẩm quyền các Quy phạm pháp luật mâu thuẫn, chồng chéo trước khi pháp điển). Bộ Pháp điển không có giá trị thay thế văn bản gốc, song song tồn tại với nó vẫn có hệ thống văn bản gốc có giá trị pháp lý.

Thảo luận về dự án Pháp lệnh này, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội còn băn khoăn về sự cần thiết phải thành lập một ủy ban cấp nhà nước, đồng thời đầu tư không ít công sức, kinh phí để thực hiện Bộ Pháp điển chỉ có giá trị hình thức, chỉ có thể sử dụng để tham khảo, tra cứu. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu vấn đề: “Nếu không sử dụng được trên thực tế mà vẫn phải truy tìm văn bản gốc để thực hiện thì các thư viện hay nhà xuất bản có lẽ cũng làm được”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước băn khoăn: “Việc cập nhật Bộ Pháp điển thực hiện như thế nào để bảo đảm tính thời sự, khi mà Luật, Nghị định, Thông tư được ban hành liên tục. Mỗi năm ra một tập Pháp điển, kinh phí rất lớn, mà lại không có giá trị pháp lý thực tế thì có lãng phí không”?

Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan gợi ý, nếu Bộ Pháp điển chỉ có giá trị tra cứu thôi thì nên coi là đề tài cấp nhà nước, giao cho Thư viện hoặc trường luật thực hiện. “Nhưng trong dự án Pháp lệnh còn nêu mục đích gián tiếp là phát hiện ra những mâu thuẫn, chồng chéo trong văn bản quy phạm pháp luật là việc chuyên sâu về mặt nội dung. Thẩm quyền của cơ quan thực hiện pháp điển đến đâu trong việc kiến nghị sửa chữa những bất cập của hệ thống pháp luật?”, Phó Chủ tịch nước băn khoăn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng cho rằng, trong thời đại điện toán hóa hiện nay, việc xây dựng một Bộ Pháp điển đồ sộ chỉ để tra cứu không có ý nghĩa thực tiễn lớn.

Giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết, hầu hết các quốc gia đều phải xây dựng và sử dụng Bộ Pháp điển. Việc làm này chắc chắn là tốn kém: phải hình thành tổ chức bộ máy; tập hợp, sắp xếp, cập nhật hàng chục ngàn văn bản; phát hiện mâu thuẫn phải đề nghị sửa… Đồng thời, việc làm này còn làm tăng tính minh bạch của hệ thống pháp luật.

Minh Duy

Tin tiêu điểm

Ông MacNair cắt tỉa cây cảnh tại nhà riêng ở Dubai.

Bậc thầy bonsai ở Dubai

Thế giới
GD&TĐ - Khi lần đầu mua cây cảnh vào những năm 1980, ông Robert MacNair (Scotland), không hề biết rằng nó sẽ là khởi đầu đam mê suốt đời mình.

Đừng bỏ lỡ