Luật không đi vào thực tiễn
Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến cho khách thuê nhà dài hạn giảm mạnh, mô hình “chia sẻ phòng thuê” được xem là giải pháp cho nhiều nhà đầu tư, chủ căn hộ nhằm cắt giảm lỗ. Tuy nhiên, mô hình này đã và đang nhận được nhiều phản ứng gay gắt từ đại bộ phận cư dân sống tại các khu chung cư vì sự phức tạp về an ninh, trật tự.
Thực tế, mô hình cho thuê căn hộ theo ngày nhằm chống thất thu vì dịch đã âm thầm phát triển và bùng nổ từ cuối tháng 3/2020 khi đợt dịch Covid-19 đầu tiên bùng phát. Nhiều chủ căn hộ, nhà đầu tư đã nhanh chóng chuyển dịch loại hình khai thác từ việc cho thuê dài ngày sang cho thuê theo ngày, làm homestay để cắt lỗ và đảm bảo nguồn thu.
Hiện chỉ cần gõ cụm từ cho thuê căn hộ theo ngày tại TPHCM, khách hàng sẽ nhận được hàng nghìn kết quả. Tùy theo dạng căn hộ mức cho thuê theo ngày sẽ dao động từ 800.000 - 2.500.000 đồng/ngày.
Anh Nguyễn Hải Trung - chủ căn hộ Millennium, Quận 4, TPHCM cho thuê căn hộ theo ngày được khoảng 4 tháng nay. Khách thuê chủ yếu là người nước ngoài hoặc khách du lịch. “Tôi không để ý gì đến các quy định và ràng buộc của luật. Tôi có nhà và có nhu cầu cho thuê thì tôi cho thuê thôi. Do khách hàng thuê ở dài hạn ngày càng ít và có sự cạnh tranh khá lớn nên tôi chuyển sang cho thuê theo ngày. Cá nhân tôi thì không đồng tình với chủ trương cấm, bởi nó ảnh hưởng đến quyền công dân và quyền sở hữu tài sản của tôi”, anh Trung nói.
Trước đó, tại buổi tiếp của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, nhiều cử tri đã kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, giải thích rõ các quy định liên quan đến việc sử dụng căn hộ chung cư để kinh doanh dịch vụ cho thuê theo giờ, ngắn ngày và chế tài xử lý cụ thể. Vì hiện các chung cư nảy sinh nhiều vấn nạn phức tạp về an ninh trật tự (tổ chức mại dâm, ma túy, tội phạm ẩn náu) khi chủ nhà cho thuê nhà theo ngày.
Điều 35 của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP cũng đã quy định một số hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý sử dụng nhà chung cư như tự ý chuyển đổi công năng, mục đích sử dụng phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư... Tuy nhiên, theo ông Sử Ngọc Khương - Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, chính việc lỏng lẻo trong quản lý dẫn đến nhiều người không nắm được luật.
Ông Khương cũng cho rằng, việc người dân có nhà, không có nhu cầu ở cho thuê là chuyện bình thường, miễn sao thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo pháp luật quy định. “Luật và các công cụ đều phải dựa trên tình hình thực tế thị trường, trừ khi những vấn đề liên quan đến an ninh quốc phòng thì nên cấm. Còn các vấn đề liên quan đến an cư lạc nghiệp, chỗ ở thì nên kiểm soát tốt thay vì cấm” - ông Khương nêu quan điểm.
Siết hay linh hoạt thực hiện Luật?
Luật sư Lê Bá Thường - Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, các quy định về quản lý, xử phạt hành vi sử dụng căn hộ chung cư không đúng mục đích được Bộ Xây dựng ban hành khá đầy đủ.
Cụ thể, tại Điểm e, Khoản 1 Điều 39 của Thông tư số 02/2016/TT-BXD ngày 15/2/2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư (gọi tắt là Quy chế 02) có quy định: Các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm chấp hành nội quy, quy định về quản lý, sử dụng nhà chung cư cũng như có trách nhiệm thông báo kịp thời về các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Còn tại Khoản 3, Điều 48 và Khoản 2, Điều 49 Quy chế 02 đã có quy định cụ thể trách nhiệm của UBND cấp phường, quận trong việc giải quyết, xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư.
“Vì vậy, Ban quản lý các khu chung cư khi phát hiện có hành vi vi phạm trong quản lý, sử dụng nhà chung cư của chủ căn hộ thì cần phản ánh kịp thời đến UBND cấp phường, quận nơi có nhà chung cư. Để các cơ quan này xử lý theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật”, luật sư Thường nói.
Ông Nguyễn Minh Tuấn - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Quản lý tòa nhà Việt (Vietbuilding) nhìn nhận trên thực tế các căn hộ cho thuê theo giờ, ngắn ngày (homestay) ảnh hưởng khá lớn đến sinh hoạt của cộng đồng cư dân trong các tòa chung cư đó. Ngoài số lượng cư dân trong chung cư phù hợp với kết cấu thực tế bị tăng cao do cho thuê thì các khu dân cư có homestay, người thuê theo ngày ra vào nhiều vấn đề an ninh trật tự, vận hành thang máy, vấn đề xã hội phát sinh rất phức tạp.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, để quản lý hiệu quả, Bộ Xây dựng nên tìm ra một giải pháp phù hợp nới lỏng một phần quy định này, để kích cầu du lịch sau khi đại dịch Covid-19 đi qua. “Thay vì cấm nhưng nó vẫn tồn tại và phát triển thì Nhà nước phải tìm kiếm giải pháp và đưa vào luật để quản lý cho tốt, tránh các hệ lụy phát sinh. Đặc biệt là tránh bị thất thu thuế từ những người đang kinh doanh trong lĩnh vực này” - ông Đính nói.
Còn bà Nguyễn Thanh Hương - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch & Dịch vụ lữ hành Hương Việt thì cho rằng hoạt động kinh doanh “chia sẻ phòng thuê” này hiện còn nhiều bất cập, nhưng lại là cơ hội cho những người mua nhà đầu tư cho thuê lại. Thời điểm dịch bệnh, khách thuê dài hạn không cứu nổi sự xuống giá của thị trường, trong khi nhu cầu thuê ngắn hạn từ người nước ngoài, khách du lịch vẫn rất cao.
“Cái được là mô hình trên tạo điều kiện để nhiều người có thể đi du lịch với chi phí rẻ, trải nghiệm độc đáo. Nó góp phần đa dạng hóa các hình thức lưu trú dành cho du khách tại Việt Nam, giảm gánh nặng cho điểm đến, nhất là trong những ngày cao điểm du lịch. Thay vì cấm kinh doanh, Bộ Xây dựng nên đưa ra giải pháp để đáp ứng nhu cầu của thị trường một cách tối ưu, gia tăng phương thức quản lý cũng như không bị thất thu thuế”, bà Hương nói.