Hãng tin Barcroft Media (Anh) cho biết nhà khoa học kể trên tên là Tim Friede, sống ở bang Wisconsin – Mỹ. Ông này bị ám ảnh về việc tìm kiếm một loại thuốc chữa rắn cắn hiệu quả - vốn giết chết khoảng 100.000 người mỗi năm.
“Tôi sẽ không dừng lại cho đến khi tìm được vắc-xin hoặc là tôi sẽ chết. Quá nhiều người bị rắn cắn và tôi biết rằng vắc-xin của tôi sẽ giúp được họ một khi bào chế thành công” – ông Tim cho biết.
Gần đây, ông để cho 2 con rắn cực độc taipan và mamba nuôi tại nhà riêng cắn vào người. Dù trải qua “cảm giác đau nhói” nhưng ông kể bản thân “cảm thấy tuyệt vời” sau khi bị cắn. Taipan và mamba là 2 loài rắn có thể cắn chết người.
Ngoài 2 con rắn này, ông Tim còn nuôi thêm 2 con rắn chuông và rắn hổ mang nước. Năm 2011, sau khi bị 2 con rắn hổ mang cắn, ông Tim rơi vào trạng thái hôn mê và suýt bị tử thần lấy mạng.
Nhà khoa học Tim Friede để rắn cắn ít nhất 160 lần. Ảnh: Barcroft
Hồi năm ngoái, vợ ông Tim, bà Beth Friede, đã đâm đơn ly dị chồng sau 20 năm kết hôn vì tức giận bởi phương pháp nghiên cứu chẳng giống ai của chồng mình.
“Những con rắn luôn là ưu tiên số một. Tôi và các con không bao giờ là ưu tiên hàng đầu của ông ấy, thậm chí không được đứng thứ hai. Tôi lúc nào cũng sợ rắn và thật kinh khủng vì phải chung sống với chúng suốt gần 20 năm” – bà Beth viết trong đơn.
Đề cập tới trường hợp của ông Tim, tiến sĩ Rachel Currier, chuyên gia về các loại nọc độc đến từ Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh học London – Anh, cho biết tự tiêm nọc rắn vào người là điều vô cùng nguy hiểm.
“Nghiên cứu thuốc giải độc do bị rắn cắn đòi hỏi sự hiểu biết về các thành phần độc tố khác nhau tạo nên nọc độc. Trong lịch sử, phương pháp điều trị rắn cắn chủ yếu là lấy máu của những con ngựa hoặc cừu miễn dịch với nọc rắn để chế tạo huyết thanh kháng nọc” – bà Currier cho biết.
Ngoài 100.000 người thiệt mạng mỗi năm, trên thế giới còn ghi nhận 400.000 nạn nhân bị rắn cắn dẫn đến tàn tật.