(GD&TĐ) - Tôi sinh ra và lớn lên ở miền quê Trung bộ. Trong ký ức tuổi thơ, ai cũng thường hay nhớ về phiên chợ ở quê mình. Hồi đó, xe cộ chưa nhiều, những nhà khá giả mới có được chiếc xe đạp. Các anh chị lớp trên, lớn rồi, lên tỉnh học, cha mẹ mới bán heo, bán gà mua cho được chiếc xe đạp. Chiều chiều thấy các anh cao lớn, quần xanh áo trắng, áo bỏ vào quần, thong thả đạp xe trên tỉnh về. Oai lắm! Biết chừng nào mình được như vậy.
Hồi đó, chúng tôi chỉ có hai nơi đông vui nhất là trường và chợ. Trường thì ngày nào chúng tôi cũng đi học. Xem ra, chợ vẫn là nơi hấp dẫn chúng tôi nhất. Chợ có đủ thứ, cái gì cũng đẹp, cái gì cũng mới, cái gì cũng ngon… Chợ làng tôi ngày nào cũng họp một phiên từ hừng sáng đến quá trưa. Hằng ngày, mấy bà cắp rổ đi chợ, ghé vào nhà tôi uống bát nước chè xanh của bà tôi pha. Tôi được nghe âm thanh rì rào quen thuộc của chợ. Mỗi hừng sáng, khi trời còn sương đêm, tôi được nghe tiếng kĩu kịt của chiếc đòn gánh thân thương, gánh dưa, gánh cải, gánh don của mẹ tôi, của các chị, các dì nhanh chân, đều chân cho kịp phiên chợ. Chiếc đòn gánh nhỏ nhắn, yếu mềm mà gánh trên vai một sự nghiệp cao dày khôn kể xiết. Đôi chân quanh quẩn chưa khỏi cổng làng mà nuôi dạy những đứa con đi khắp góc bể chân trời. Trai tráng làng tôi lớn lên, được học hành, nhiều người khá giả. Có chén cơm ăn, ai cũng không quên gánh don, gánh rau, gánh cải của những người mẹ, người chị đã tảo tần, chạy chợ sớm khuya lo cho đàn con có cái ăn, cái mặc.
Tôi được may mắn, không phải đi xa mới tới được chợ. Nhà tôi không xa chợ lắm, đi qua mấy cái vườn là tới chợ. Chợ họp trên khoảng đất rộng, dưới bóng mát của cây đa cổ thụ, tán xanh, cao vút trời xanh. Nghe nói cây đa này linh lắm, bộ rễ sần sùi chằng chịt trải dài một khoảng rộng, ôm che cái miếu thờ nghi ngút khói hương của mấy bà cầu xin được mua may bán đắt. Dưới gốc đa, đầy những ông bình vôi, nồi đất, nắp vung, kiềng bếp ông táo… Người lớn bảo chúng tôi, những thứ này khi không dùng nữa không được quăng bỏ lung tung, phải đem để dưới gốc đa, trả lại cho ông thần chợ, ông mang xuống âm phủ cho người ở dưới đó dùng. Ở dưới đó nhiều người khổ cực, thiếu thốn lắm. Trên này mà phung phí, mai sau xuống dưới đó Diêm vương cho làm ma đói, đi ăn xin qua chín cửa ngục. Lại có tin đồn, trẻ con chúng tôi mà nghịch phá leo trèo là bị dính luôn trên cành đa, không trèo xuống được. Buổi chiều nào, chợ tan, lũ trẻ chúng tôi lỡ mà có việc qua đây là phải phi thật nhanh nhưng luôn nghe có tiếng chân thình thịch rượt theo mình ở đằng sau. Khiếp lắm, có đứa vãi cả đái.
Hôm ấy, gánh xiếc của ông Đặng Dưỡng về bán thuốc ở chợ làng tôi. Nghe lũ nhỏ kể lại, ông Đặng Dưỡng tài lắm, dao đâm không thủng, nhai ly, nhai chai như nhai bánh tráng, đóng đinh mười phân vô lỗ mũi mà không chảy máu cam… Tôi phải đi coi cho được.
Chờ xe ông Đặng Dưỡng tới, mẹ cho tôi một đồng bạc ăn quà. Ông Đặng Dưỡng không phải người chỗ tôi nhưng quê tôi ai cũng biết ông bởi vì gánh thuốc Sơn Đông của ông quanh năm đi giáp vòng các chợ trong tỉnh. Gương mặt xương, nước da đen đen, cơ bắp chắc nịch, giọng nói của người miền trong, trông ông có vẻ thuộc giới anh chị, dọc ngang đã từng. Ông biểu diễn màn bung dây kẽm trên người làm lũ nhỏ chúng tôi phục sát đất. Ông cho mấy đệ tử dùng dây kẽm bó chặt quanh người ông lại, rồi ông hít vào và thở ra một cái là tất cả dây kẽm trên người bung hết ra. Hồi đó, phương tiện giải trí chưa có gì, chưa có tivi, radio cũng còn hiếm lắm. Gánh xiếc của ông Đặng Dưỡng đến đâu là ở đó đông vui, nhộn nhịp hẳn lên và bà con còn được khám và trị bá bệnh nữa. Đau lưng, ông có mật gấu, cao hổ. Đau bụng, ông có bao tử nhím. Nhức răng, ông dùng thuốc bắt con sâu răng ra. Con nít ngủ hay giật mình, khóc đêm ông có nanh heo rừng, có móng cọp… Nói chung là bá bệnh. Lứa tuổi chúng tôi, không ai là không biết ông Đặng Dưỡng. Bây giờ kể lại chuyện xưa, có người còn đề xuất phải đưa tên ông vào “Danh nhân Đất Quảng”, “Danh nhân văn hóa”, hoặc phong cho ông danh hiệu “Nghệ nhân công huân”, “Thầy thuốc nhân dân” gì đó, cho xứng đáng với “công trạng” của ông đóng góp cho tỉnh nhà!
Kể về chợ quê, tôi không thể không nhắc đến hình ảnh những người mẹ, người chị quê tôi “quanh năm mua bán ở mom sông”. Làng Vạn Tượng quê tôi còn có tiếng về nghề trồng rau xanh và làm đường mía. Tháng chạp, đêm chưa qua, nhìn chưa rõ mặt người, các bà các chị vai nặng trĩu gánh rau, nửa đi nửa chạy, cười nói râm ran, rộn rã cả đường quê trong đêm thanh vắng. Những gánh rau đổ về chợ tỉnh, kịp cho bạn hàng phân ra đi tiếp về các Chợ Trạm, Chợ Chùa, Chợ Sa, Trà Câu, Châu Ổ… Mùa mía đến, đường quê thơm ngát hương “chè hai” để rồi từ mật mía làm ra đường muổng, đường bấn, đường phổi, đường phèn… Đường quê tôi ra Bắc vào Nam, đem cái vị ngọt của phù sa Sông Trà đến các miền cả nước. Và trong cái sự nghiệp rau xanh, mía đường tỏa đi muôn ngả đó, vai trò chính thuộc về những người mẹ, người chị quê tôi. Và mẹ tôi cũng có mặt trong đội quân hàng rau, hàng don ấy. Anh em chúng tôi lớn lên cũng từ đôi quang gánh của mẹ. Tuổi thơ, ai cũng có thời “trông mẹ về chợ”. Mẹ đi chợ về, sướng lắm, vui lắm! Tôi cõng thằng Út, dắt theo thằng kế ra ngồi chờ sẵn ở cái chòi canh đầu đường, dõi mắt nhìn xa theo con đường cái quan, chờ bóng dáng mẹ tôi trên chợ tỉnh về. Nhìn dáng đi từ xa, anh em tôi biết được hôm nay mẹ tôi bán đắt hay ế hàng. Và dầu đắt hay ế, trong cái rổ tre, cạnh con cá, bó rau là gói quà cho sắp nhỏ. Khi thì miếng kẹo đậu phụng, khi thì miếng kẹo dừa, kẹo chặt gói ghém cẩn thận trong lá chuối xanh, túm gấp hai đầu lại, trông rất gọn ghẽ, ngon lành. Anh em tôi chia nhau mà dành, sung sướng được ăn quà. Nhớ lại chuyện xưa, đúng là cái chợ mang lại cho tuổi thơ, sắp nhỏ chúng tôi nhiều niềm vui không tả hết được.
Phạm Ngọc Phước