Cho phép thực hiện một số cơ chế, chính sách phục vụ công tác phòng, chống dịch

GD&TĐ - Nghị quyết số 12/2021/UBTVQH15 do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký ban hành đã cho phép việc thực hiện một số cơ chế, chính sách trong lĩnh vực y tế để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ảnh minh hoạ.
Ảnh minh hoạ.

Nghị quyết được áp dụng với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam.

Trong đó bao gồm việc điều động, huy động người tham gia xét nghiệm, tiêm chủng, khám bệnh, chữa bệnh Covid-19; kinh phí chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 công lập và hoàn trả chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh Covid-19; khám bệnh, chữa bệnh từ xa cho người bệnh Covid-19, người không thể tiếp cận cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do dịch Covid-19; việc quản lý thuốc, nguyên liệu làm thuốc trong bối cảnh dịch Covid-19; bình ổn giá trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19; chế độ chính sách đối với người được điều động tham gia phòng, chống dịch Covid-19 bị nhiễm Covid-19 hoặc phải cách ly y tế sau thời gian tham gia phòng, chống dịch Covid-19.

Theo Nghị quyết, Chính phủ sẽ có quy định chi tiết đối với các quy định về trường hợp nhân lực của đơn vị, địa phương không đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống dịch Covid-19, ngoài việc điều động, huy động người có chuyên môn phù hợp với yêu cầu công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo quy định của pháp luật; kinh phí chi thường xuyên của cơ sở thu dung, điều trị Covid-19 công lập và hoàn trả chi phí phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh Covid-19; chế độ chính sách đối với người được điều động, huy động tham gia phòng, chống dịch Covid-19 bị mắc Covid-19; người phải cách ly y tế sau thời gian làm việc tại các cơ sở thu dung, điều trị Covid-19; bình ổn giá trang thiết bị y tế...

Ngay sau nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nghị quyết số 168/NQ-CP ngày 31/12/2021, cho phép thực hiện nhiều cơ chế, chính sách đặc biệt trong phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, với sản xuất, nhập khẩu, cung ứng thuốc trong tình hình dịch Covid-19, nếu giấy tờ pháp lý trong hồ sơ đề nghị cấp phép nhập khẩu thuốc, nguyên liệu làm thuốc phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 mà không cung cấp được bản chứng thực và hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định, được thay thế bằng một trong các thông tin, tài liệu sau đây: Thông tin công bố trên trang thông tin điện tử của Cơ quan quản lý dược chặt chẽ (SRA) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố; xác nhận của cơ quan ngoại giao của nước ngoài tại Việt Nam hoặc cơ quan có thẩm quyền cấp giấy tờ pháp lý theo đề nghị của Bộ Y tế Việt Nam. Đồng thời, Chính phủ cho phép thay thế giấy phép sản xuất của cơ sở sản xuất nguyên liệu quy định tại điểm g khoản 2 điều 85, nghị định 54/2017 ngày 8/5/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược bằng Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP).

Với vắc xin đã được WHO phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp bách, cho phép Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu mà không phải thực hiện thủ tục phê duyệt quy định tại điểm c khoản 1 và miễn nộp giấy tờ quy định tại điểm c khoản 2 điều 67 nghị định 54/2017, đã được sửa đổi, bổ sung tại nghị định số 155/2018 ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế.

Vắc xin do Chính phủ các nước viện trợ cho Việt Nam đã được WHO hoặc các nước thuộc nhóm Cơ quan quản lý dược chặt chẽ (SRA) phê duyệt sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc cấp bách, cho phép Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu mà không phải thực hiện thủ tục quy định tại điểm c khoản 1, miễn nộp giấy tờ quy định tại điểm c khoản 2 điều 67 nghị định 54/2017 đã được sửa đổi, bổ sung tại nghị định số 155/2018. Đồng thời, miễn hồ sơ tóm tắt sản xuất và kiểm tra chất lượng của lô vắc xin, giấy chứng nhận chất lượng của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu và nước viện trợ khi đánh giá để cấp giấy chứng nhận xuất xưởng.

Về kê khai, công bố giá đối với vắc xin xin mua bằng nguồn ngân sách nhà nước, Quỹ vắc xin phòng Covid-19 để tiêm miễn phí. Doanh nghiệp, đơn vị nhập khẩu thực hiện việc kê khai giá theo mức giá ghi trong hợp đồng, thỏa thuận đã ký, không phải kê khai các yếu tố cấu thành giá theo quy định của pháp luật. Bộ Y tế báo cáo Chính phủ giá doanh nghiệp ký hợp đồng, thoả thuận mua vắc xin, không phải thực hiện công bố giá theo quy định của pháp luật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ