Giảm tỉ lệ người mù chữ
Bình Trung là xã đặc biệt khó khăn thuộc huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Xã có 15 thôn, bản với 807 hộ/3.458 nhân khẩu gồm 6 dân tộc cùng chung sống (Kinh, Tày, Dao, Mông, Nùng, Sán Chí).
Cứ 19 giờ hàng ngày, lớp học chữ ở thôn Bản Ca lại sáng ánh điện, các học viên đã có mặt đầy đủ để giờ học bắt đầu. Tiếng đánh vần, đọc chữ, làm toán cộng, trừ, nhân, chia vang lên giữa không gian im ắng của núi rừng; những đôi bàn tay chai sạn vốn chỉ quen cầm cuốc nay xòe ra làm các phép tính đơn giản hoặc vụng về cầm bút tô từng nét chữ chưa tròn.
Phần lớn các học viên tham gia lớp xóa mù chữ đều là nông dân, quanh năm vất vả với công việc đồng áng, mùa vụ, khi tham gia các lớp học xóa mù chữ, họ càng trở nên bận rộn hơn. Do đó, để thu hút học viên đến lớp và tiếp thu bài học tốt, giáo viên phải linh hoạt các phương pháp dạy học, thường xuyên sử dụng tiếng đồng bào kết hợp tiếng phổ thông để đặt những câu hỏi gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ; xây dựng các học liệu, đồ dùng trực quan phù hợp với người học; gắn nội dung dạy học với tình hình phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.
Chị Đằng Thị Cúc (dân tộc Dao) ở thôn Bản Ca, xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn chia sẻ: Gia đình thuộc hộ nghèo chủ yếu làm nông nghiệp, tuy con còn nhỏ nhưng khi nghe tin ở xã mở lớp học xóa mù chữ, được cán bộ thôn vận động, cả hai vợ chồng tôi cùng đăng ký tham gia.
Cô Nông Thị Thúy Kiều, giáo viên trường Tiểu học Bình Trung cho biết: Được sự quan tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban ngành đoàn thể trong việc vận động học viên, bố trí cơ sở vật chất, tuy còn nhiều khó khăn nhưng may mắn nhận được sự đồng lòng và ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là tinh thần hiếu học của các học viên. Sau hơn 2 tháng học tập, đa số học viên chịu khó, chăm chỉ học tập, có ý thức vươn lên và hoàn thành tốt các nội dung học tập, đáp ứng được yêu cầu của chương trình.
Theo bà Hứa Hoàng Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chợ Đồn, việc mở các lớp xóa mù chữ, là giải pháp thiết thực để giảm được tỷ lệ người mù chữ, nâng cao trình độ dân trí tại các xã vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Chợ Đồn.
9/10 xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2
Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn I (2021-2025), năm 2022, huyện Chợ Đồn đã thực hiện mở lớp xóa mù chữ trên địa bàn 5 xã, tổng số 08 lớp, 136 học viên. Năm 2024, huyện tiếp tục duy trì 10 lớp xóa mù chữ theo kế hoạch (4 lớp mở năm 2023, 6 lớp mở năm 2024) trên địa bàn các xã Bằng Phúc, Bình Trung, Ngọc Phái, Nam Cường, Xuân Lạc.
Các lớp học xóa mù chữ thường được tổ chức vào khung giờ từ 19 giờ đến 21 giờ hàng ngày và cả ngày thứ bảy. |
Cùng với việc tổ chức các lớp xóa mù chữ, huyện Chợ Đồn cũng chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, phát huy vai trò của các đoàn thể như Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên, Hội nông dân trong việc tuyên truyền vận động học viên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học tại các vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện.
Bà Hứa Hoàng Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chợ Đồn cho biết: Thời gian tới, Chợ Đồn tiếp tục xác định công tác xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ quan trọng, lâu dài và rất khó khăn, đòi hỏi sự quan tâm vào cuộc của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, sự nỗ lực cố gắng của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên các nhà trường và của cả người học. Từ đó, góp phần giúp khoảng cách mặt bằng dân trí giữa các vùng dần được thu hẹp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân trên địa bàn.
Theo Báo cáo Sơ kết 03 năm triển khai Tiểu dự án 1, dự án 5 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025, đến nay huyện Chợ Đồn đã đạt tiêu chuẩn công nhận đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2 với số người trong độ tuổi từ 15-60 biết chữ đạt tỉ lệ 93,86%.