Chính sách nhân văn

GD&TĐ - Năm nay, thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng xét tuyển, một trong những chính sách nhân văn của công tác tuyển sinh.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Theo Kế hoạch tuyển sinh đại học năm 2023 của Bộ GD&ĐT, bắt đầu từ ngày 10/7 đến 17 giờ ngày 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT hoặc trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển giống như năm ngoái. Thí sinh có 3 tuần để đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trên hệ thống. Chính sách này, nhằm tạo điều kiện tối đa cho thí sinh trúng tuyển vào ngành học, trường học yêu thích.

Thực tế, đây không phải là năm đầu tiên Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện chính sách không giới hạn số lượng nguyện vọng xét tuyển. Còn nhớ, năm 2017, lần đầu tiên thí sinh không bị giới hạn số lượng nguyện vọng đăng ký vào các ngành, trường học mình yêu thích.

Sự thay đổi này đã tạo ra “cú hích” mới cho phát triển giáo dục đại học và hiệu ứng tích cực trong dư luận xã hội. Những năm trước, trong tuyển sinh đợt 1, thí sinh chỉ được đăng ký vào 2 trường với 4 nguyện vọng, nên khi được đăng ký “n” nguyện vọng thì cả thí sinh và cơ sở đào tạo như “trút bỏ” nỗi lo về số lượng và chất lượng.

Đơn cử như năm 2022, tổng số thí sinh nhập học toàn quốc là trên 521.000, đạt 83,39%, cao hơn số nhập học của năm 2021 và 2020. Trong số 330 cơ sở đào tạo, có 194 cơ sở (tương đương 58,67%) có tỉ lệ nhập học đạt trên trên 80% so với chỉ tiêu và chiếm 79,42% tổng số nhập học của toàn quốc.

Đáng chú ý, tỷ lệ thí sinh ảo giảm đáng kể. Tại Hội nghị tuyển sinh năm 2023, hầu hết các cơ sở giáo dục đại học khẳng định, tỷ lệ thí sinh ảo năm 2022 giảm xuống 10%, trong khi một vài năm trước, tỉ lệ này có thể lên đến 30 - 40%.

Vậy nên, từ năm 2017 đến nay, quy định thí sinh được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng xét tuyển vẫn được duy trì và nhận được nhiều phản hồi tích cực từ thí sinh, phụ huynh, các trường THPT và cơ sở đào tạo. Điều đó cho thấy, chính sách đã đi vào cuộc sống, được nhân dân hoan nghênh đón nhận.

Đây cũng là minh chứng khẳng định, các chủ trương, chính sách của Bộ GD&ĐT đều được xuất phát từ thực tiễn cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của thí sinh cũng như các cơ sở giáo dục đại học. Cũng nhờ chính sách nhân văn trên mà nhiều thí sinh đã hiện thực hóa ước mơ học đại học, trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao cho quê hương, đất nước.

Dù được đăng ký “n” nguyện vọng xét tuyển nhưng thí sinh không cần đăng ký quá nhiều nguyện vọng; bởi cuối cùng, các em chỉ trúng tuyển vào một nguyện vọng duy nhất và cao nhất có thể. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà thí sinh chỉ đăng ký duy nhất một nguyện vọng, bởi có thể sẽ gặp rủi ro, dẫn đến “trắng tay”.

Vì vậy, các em cần sắp xếp thứ tự ưu tiên khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển. Sau quá trình lọc ảo, hệ thống tuyển sinh của Bộ GD&ĐT sẽ xét từ trên xuống theo thứ tự ưu tiên, nếu đã trúng tuyển nguyện vọng 1 (nguyện vọng yêu thích nhất), Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó. Thí sinh không được xét tiếp ở nguyện vọng 2, 3... Nguyên tắc này nhằm bảo đảm mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng; do đó thí sinh cần lưu ý để không bị “trượt oan”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ