Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2012

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2012

(GD&TĐ)-Những chính sách mới như quy định xét chấm dứt thời hạn giáo dục sớm cho người có nhiều tiến bộ, về 4 đối tượng được hưởng hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo, rút ngắn thời gian làm thủ tục đăng ký kết hôn, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành,...sẽ có hiệu lực thi hành từ tháng 4/2012.

Người được giáo dục có nhiều tiến bộ có thể được xét chấm dứt thời hạn giáo dục sớm

Tạo điều kiện
Tạo điều kiện lao động, học tập, sinh hoạt tại nơi cư trú sẽ giúp thanh niên tránh xa tệ nạn xã hội (ảnh MH)

Theo Nghị định 10/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội, trong thời gian chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người chưa thành niên phạm tội, người được giáo dục được tạo điều kiện lao động, học tập, sinh hoạt tại nơi cư trú; được tạo điều kiện tìm việc làm; được xem xét hỗ trợ cho vay vốn từ các ngân hàng chính sách xã hội, các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, nhân đạo ở địa phương...

Bên cạnh đó, người được giáo dục có nghĩa vụ chấp hành nghiêm chỉnh chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia lao động, học tập, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, nội quy, quy định của địa phương nơi cư trú; chịu sự giám sát, giáo dục của chính quyền, cơ quan, tổ chức xã hội, nhà trường và người được phân công trực tiếp giám sát, giáo dục.

Nghị định nêu rõ, khi người được giáo dục đã chấp hành được một phần hai thời hạn áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn, có nhiều tiến bộ thì được đề nghị xét chấm dứt thời hạn chấp hành biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

Nghị định 10/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 10/4/2012.

4 đối tượng được hưởng hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2012/QĐ-TTg sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg ngày 15/10/2002 của Thủ tướng chính phủ về khám, chữa bệnh cho người nghèo. Theo đó, quy định 4 đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo.

Cụ thể 4 đối tượng được hưởng chế độ hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo như sau:

Thứ nhất là, người thuộc hộ nghèo theo quy định hiện hành của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn hộ nghèo.

Thứ hai là, đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn theo quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 5/3/2007 của Thủ tướng chính phủ.

Thứ ba là, người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật và người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước.

Thứ tư là, người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí.

Như vậy, so với quy định cũ, Quyết định này là đã bổ sung thêm 2 đối tượng hưởng chế độ hỗ trợ khám, chữa bệnh cho người nghèo là: Người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng theo quy định của pháp luật và người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước và người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim hoặc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả viện phí.

Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2012.

Bổ sung 2 trường hợp xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất

Theo Nghị định 11/2012/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm, bổ sung 2 trường hợp xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất không có thoả thuận về phương thức xử lý.

2 trường hợp gồm: Thứ nhất, trong trường hợp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì tài sản gắn liền với đất được xử lý đồng thời với quyền sử dụng đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Các bên có quyền tự thỏa thuận hoặc thông qua tổ chức có chức năng thẩm định giá tài sản để có cơ sở xác định giá trị quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất. Số tiền thu được từ việc xử lý tài sản bảo đảm được thanh toán trước cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Thứ hai, trong trường hợp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất không đồng thời là là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì khi xử lý quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liến với đất được tiếp tục sử dụng đất theo như thỏa thuận giữa người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Quyền và nghĩa vụ giữa bên thế chấp và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển giao cho người mua, người nhận chính quyền sử dụng đất.

Rút ngắn thời gian làm thủ tục đăng ký kết hôn

Theo Nghị định 06/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực có hiệu lực thi hành từ 1/4, thời gian làm thủ tục đăng ký kết hôn được rút ngắn từ 5 ngày xuống còn 3 ngày.

Trong thời hạn 3 ngày, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ, nếu xét thấy hai bên nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, thì UBND cấp xã đăng ký kết hôn cho hai bên nam, nữ.

Trong trường hợp cần phải xác minh, thì thời hạn nói trên được kéo dài thêm không quá 5 ngày.

Nghị định 06/2012/NĐ-CP có hiệu lực từ 15/4.

Quy hoạch khai thác khoáng sản tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

Theo Nghị định 15/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản có hiệu lực từ 25/4, quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại khoản 3 Điều 10 Luật Khoáng sản được lập với 3 loại khoáng sản: 1- Khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn; 2- Khoáng sản ở khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố; 3- Khoáng sản ở bãi thải của mỏ đã đóng cửa.

Việc lập quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải bảo đảm các nguyên tắc: phù hợp với chiến lược khoáng sản, quy hoạch khoáng sản theo quy định; bảo đảm khai thác, sử dụng khoáng sản hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả phục vụ nhu cầu hiện tại, đồng thời có tính đến sự phát triển khoa học, công nghệ và nhu cầu khoáng sản trong tương lai...

Bên cạnh đó, bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh và các tài nguyên thiên nhiên khác.

Tác giả sáng kiến có thể yêu cầu công nhận sáng kiến tại 3 cơ sở

Theo Nghị định 13/2012/NĐ-CP ban hành Điều lệ Sáng kiến có hiệu lực từ ngày 25/4, tác giả sáng kiến có thể yêu cầu công nhận sáng kiến tại các cơ sở sau: 1- Tại cơ sở là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến; 2- Tại cơ sở được tác giả sáng kiến chuyển giao sáng kiến theo thỏa thuận giữa hai bên, với điều kiện chủ đầu tư tạo ra sáng kiến từ chối công nhận sáng kiến và không có thỏa thuận khác với tác giả sáng kiến; 3- Tại cơ sở được tác giả sáng kiến chuyển giao sáng kiến theo thỏa thuận giữa hai bên, trong trường hợp tác giả sáng kiến đồng thời là chủ đầu tư tạo ra sáng kiến.

Đối với giải pháp đã được áp dụng, thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu công nhận sáng kiến là 1 năm kể từ ngày sáng kiến được đưa vào áp dụng lần đầu.

Việc xét công nhận sáng kiến được thực hiện trong thời gian 3 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn yêu cầu công nhận sáng kiến hoặc từ ngày hoàn thành việc áp dụng lần đầu, nếu sáng kiến được áp dụng lần đầu sau khi đơn được chấp nhận.

Cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành

Chính phủ ban hành Nghị định 07/2012/NĐ-CP quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành.

Theo đó, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành gồm Tổng cục và tương đương, Cục thuộc Bộ như Cục Quản lý thị trường, Cục Hóa chất, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương); Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục Đường sắt Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Hàng không Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải); Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư);...

Cục thuộc Tổng cục và tương đương được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành gồm: Cục Dự trữ Nhà nước khu vực; Cục Hải quan; Kho bạc Nhà nước tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục thuế; Cục Thống kê.

Chi cục thuộc Sở, Chi cục thuộc Cục và tương đương được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành gồm: Cảng vụ Hàng không, Cảng vụ Hàng hải, Cảng vụ Đường thủy nội địa thuộc Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; Chi cục Thuế; Trung tâm Tần số khu vực; Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương; Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình thuộc Sở Y tế; Chi cục về bảo vệ thực vật, thú y, thủy sản, quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản, thủy lợi, đê điều, lâm nghiệp, phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Nghị định 07/2012/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 5/4/2012.

Rút ngắn thời gian cấp Giấy miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài

Theo Quyết định 10/2012/QĐ-TTg ngày 10/2/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Quy chế về miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài ban hành kèm theo Quyết định số 135/2007/QĐ-TTg ngày 17/8/2007, thời gian cấp Giấy miễn thị thực sẽ được rút ngắn còn 5 ngày thay vì 7 ngày như hiện nay.

Cụ thể, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy miễn thị thực trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

Số bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy miễn thị thực trước đây chưa quy định thì nay tại Quyết định 10/2012/QĐ-TTg đã được bổ sung. Theo đó, hồ sơ đề nghị cấp Giấy miễn thị thực được lập thành 1 bộ.

Quyết định 10/2012/QĐ-TTg có hiệu lực thi hành từ ngày 15/4/2012.

Vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch phạt tới 40 triệu đồng

Theo Nghị định 16/2012/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch có hiệu lực từ 30/4, mức phạt tiền cao nhất với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch là 40 triệu đồng, thấp nhất là 500.000 đồng.

Nghị định quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.0000 - 1 triệu đồng đối với hướng dẫn viên du lịch, thuyết minh viên có hành vi không đeo thẻ, giấy chứng nhận trong khi hành nghề.

Đối với một trong các hành vi: Hướng dẫn khách du lịch mà không có thẻ hướng dẫn viên du lịch; sử dụng thẻ hướng dẫn viên du lịch giả, giấy chứng nhận thuyết minh viên giả để hành nghề; giới thiệu sai lệch giá trị văn hóa, lịch sử, đất nước, con người Việt Nam, gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh, truyền thống, đạo đức, thuần phong mỹ tục dân tộc Việt Nam;... sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng.

Mức phạt tiền cao nhất từ 30 - 40 triệu đồng được áp dụng đối với một trong các hành vi: Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế để hoạt động, kinh doanh lữ hành; hoạt động kinh doanh lữ hành quốc tế mà không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế.

Ngọc Mai-Trần Mạnh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ