Chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước với các trường tư thục

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Phú Thọ đề nghị Bộ GD&ĐT quy định cụ thể các chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đối với các trường tư thục.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Hiện nay, các chính sách hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước đối với trường tư thục được quy định ở các văn bản sau:

Khoản 3 Điều 99 Luật Giáo dục 2019 đã quy định: Học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục công lập không phải đóng học phí; ở địa bàn không đủ trường công lập, học sinh tiểu học trong cơ sở giáo dục tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền đóng học phí, mức hỗ trợ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;

Nghị định số 105/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định về chính sách phát triển giáo dục mầm non. Trong đó, có quy định cơ sở giáo dục mầm non độc lập ở địa bàn có khu công nghiệp thuộc loại hình dân lập, tư thục được cấp có thẩm quyền cấp phép thành lập theo đúng quy định có từ 30% trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp được hỗ trợ trang bị cơ sở vật chất 1 lần, bao gồm: Trang bị đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học theo danh mục quy định của Bộ GD&ĐT và hỗ trợ kinh phí sửa chữa cơ sở vật chất để phục vụ trực tiếp cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ em. Mức hỗ trợ tối thiểu là 20 triệu đồng/cơ sở giáo dục mầm non độc lập.

Căn cứ khả năng ngân sách địa phương và số lượng cơ sở giáo dục mầm non độc lập trên địa bàn thuộc diện được hỗ trợ, UBND cấp tỉnh xây dựng kế hoạch, phương án hỗ trợ, phương án kiểm tra việc hỗ trợ và sử dụng kinh phí cho các cơ sở giáo dục mầm non độc lập trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê duyệt để tổ chức thực hiện, bảo đảm việc hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục mầm non độc lập hoàn thành trước ngày 30/6 hằng năm. Vì vậy, đề nghị cử tri kiến nghị UBND tỉnh Phú Thọ căn cứ các văn bản trên để thực hiện hỗ trợ cho trường tư thục và học sinh học trường tư thục theo quy định.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ ngân sách trực tiếp, Chính phủ đã ban hành một số chính sách hỗ trợ các trường tư thục thông qua chính sách ưu đãi về cho thuê đất; cho thuê, xây dựng cơ sở vật chất; ưu đãi lệ phí trước bạ, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp; chính sách ưu đãi tín dụng, huy động vốn tại Nghị quyết số 90/1997/NQ-CP của Chính phủ về phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa;

Nghị định số 69/2008/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường; Thông tư số 135/2008/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn triển khai Nghị định số 69/2008/NĐ-CP; Nghị định số 59/2014/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP; Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về tăng cường huy động các nguồn lực của xã hội đầu tư cho phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019 - 2025.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, công tác xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục còn một số tồn tại, vướng mắc như đã nêu trên. Do vậy, đề nghị cử tri cùng với Bộ GD&ĐT kiến nghị Bộ Tài chính là cơ quan quản lý Nhà nước về tài chính ngân sách và đang được Chính phủ giao chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 69/2008/NĐ-CP và Nghị định số 59/2014/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP về chính sách khuyến khích xã hội hóa theo hướng tạo điều kiện để huy động tối đa nguồn lực của xã hội đầu tư vào giáo dục, đặc biệt là khuyến khích phát triển các cơ sở giáo dục ngoài công lập thông qua chính sách ưu đãi về đất, ưu đãi về thuế suất, tín dụng và hỗ trợ ngân sách cho trường tư thục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tùy bút: Những ngày khói lửa

Tùy bút: Những ngày khói lửa

GD&TĐ - Chúng tôi đã sống nghèo nhưng trong sáng trong thời bao cấp, tự hào lên đường theo “tiếng gọi non sông” để lại một phần tuổi xuân trên chiến trường...