Chinh phục bao tử... mẹ chồng

Cứ thế, mỗi món theo khẩu vị mẹ trước giờ, chị ý tứ làm theo, nhưng vẫn không quên chừa phần làm như ý mình và anh tất nhiên ăn rất ngon miệng.

Chinh phục bao tử... mẹ chồng

Chị sắp về ra mắt, anh bỏ nhỏ: “Mẹ bị bao tử, không thích chua, ăn ít béo, hơi tí mặn nhưng lại không ưa ngọt nhé!”. Chị gật mà trong lòng không yên, mẹ chồng khó chiều là đây. 

Nghĩ sau này còn ăn với nhau dài dài mà chị thì rất ưa những món mẹ chồng không ưa thì làm sao trổ tài với mẹ chồng? Chị rất thích những món chua như: cá thu xốt cà, canh gà lá giang, cải chua xào thịt ba rọi... Các món ngọt như bánh chuối, bánh da lợn, bánh bò... có nước cốt dừa béo ơi là béo, chị có thể ăn hết dĩa này tới dĩa khác. Chè chuối, chè đậu trắng, chè thưng là “đúng bài” của chị...

Chinh phuc bao tu... me chong

Bữa cơm ra mắt, chị chỉ phụ bếp, mẹ anh nêm nếm tất cả. Canh chua cá mà nước không chua, thịt kho tiêu thì như thịt xào và quan trọng là món bò xào củ hành thì nhạt muối, ít dầu rất… khó ăn. Chị “khắc phục” bằng cách thêm chén nước mắm, dằm trái ớt cho thơm miệng. Mẹ anh tặc lưỡi: “ăn mặn suy thận đó cháu, cay quá thì hại bao tử, nóng gan…”.

Nhưng rồi tình yêu đã chiến thắng, sau ngày chính thức về một nhà, chị khẽ khàng thưa: “Mẹ đã có tuổi, làm bếp mấy mươi năm mệt rồi. Mai này, xin cho con nấu nướng. Mẹ cứ đi tập dưỡng sinh hoặc cà phê với các dì, các cô cho vui”.

Mẹ chồng ậm ừ: “con không quen thực đơn của mẹ và thằng Hậu đâu, cứ để mẹ làm bếp”. “Dạ... từ từ con sẽ quen, chứ ai lại có con dâu mà mẹ chồng vẫn phải nấu ăn, kỳ lắm”, chị vẫn dịu dàng. “Để coi coi”. Mẹ lẩm bẩm và không quên hăm dọa: “phải luôn nhớ là mẹ bị bao tử...”.

Những bữa cơm sau đó, chị vẫn nấu canh chua theo khẩu vị của mẹ, nhưng sau khi múc phần mẹ thì thêm me hoặc ít cơm mẻ vô. Vị chua thanh đã át mất mùi cá khiến anh ăn một lúc bốn chén làm mẹ… tròn mắt ngạc nhiên. Chị cũng kho thịt nhàn nhạt theo ý mẹ, nhưng sau khi múc phần riêng, chị lại thêm tí nước mắm, ít ớt, tiêu làm dậy mùi, bắt mắt, đúng điệu thịt kho.

Cứ thế, mỗi món theo khẩu vị mẹ trước giờ, chị ý tứ làm theo, nhưng vẫn không quên chừa phần làm như ý mình và anh tất nhiên ăn rất ngon miệng. 

Ba tháng sau ngày lấy vợ, anh mập mạp hồng hào hẳn lên do ăn được nhiều bữa cơm mặn mòi, đủ vị chua cay vợ nấu. Anh mạnh dạn hít hà khi cắn trái ớt, xuýt xoa khen chén chè thưng hôm nay sao mà ngọt, béo, thơm lừng. Mẹ chồng không nỡ ngó lơ những món do con dâu chế biến, nhất là đứa con trai yêu quý của bà cứ khen lấy khen để, “ngon ơi là ngon nhưng thiếu chút xíu nữa mới bằng mẹ nấu”.

Vậy là bà lân la đụng đũa thử phần cá chốt kho tiêu rực màu xanh, đỏ, vàng của nghệ, ớt, tiêu kia. Béo thơm của vị dầu ăn, cay nồng của tiêu, ớt và mặn mòi quá đỗi. Canh cải cũng ngọt, ba chỉ xào cải chua thì đậm đà thanh vị.

Rồi một hôm, mẹ khẽ bảo: “Từ nay, con không cần múc phần riêng cho mẹ. Cứ để mẹ ăn chung với tụi con cho vui”.

Vậy là do khéo léo, chị đã làm cho gian bếp nhỏ ấm lên sự đoàn kết. Bởi thật sự, mẹ bị đau bao tử thì ít mà kiêng khem do... tiết kiệm thì nhiều. Nhưng nhờ lời dịu dàng của chị, “thêm một chút gia vị cho món ăn ngon sẽ không tốn kém là bao đâu mẹ ạ. Mẹ cả đời hy sinh cho tụi con rồi...” nên mẹ chồng, nàng dâu đã quây quần ấm cúng trong gian bếp nhỏ.

Theo Phunuonline.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên lồng ghép các trò chơi trong giờ học tiếng Anh tăng cường nhằm tăng hứng thú cho học sinh.

Còn nhiều khó khăn và thách thức

GD&TĐ - Để triển khai tốt chương trình tiếng Anh tăng cường cần phải đẩy mạnh xã hội hóa, trong đó sự đồng thuận của phụ huynh đóng vai trò quan trọng.