Theo giới phân tích Nga, bất chấp các cuộc tấn công của máy bay không người lái của Lực lượng Vũ trang Ukraine vào các nhà máy lọc dầu trong lãnh thổ Nga, chính Châu Âu chứ không phải Nga, đang phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu nghiêm trọng.
Theo đánh giá được chia sẻ bởi CEO của tập đoàn khai thác năng lượng quốc tế Gunvor Group Ltd. Torbjorn Tornqvist, được hãng Bloomberg của Mỹ đưa tin ngày 18/3, sản lượng lọc dầu của Nga đã suy giảm 600 nghìn thùng mỗi ngày, do các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine.
Theo ông Tornqvist, máy bay không người lái tấn công của Quân đội Ukraine đã tấn công một số nhà máy chế xuất nhiên liệu ở Nga vào cuối tuần qua, một số nằm sâu trong biên giới nước này, khiến giá dầu diesel kỳ hạn tăng phiên thứ tư liên tiếp và giá xăng kỳ hạn tăng phiên thứ sáu.
Tuy nhiên, đối với giới chuyên gia Nga, có vẻ như những gì đang xảy ra với giá nhiên liệu trên các sàn giao dịch không phải là kết quả của các hoạt động tấn công của Ukraine hay các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen ở Biển Đỏ, mà nó hoàn toàn do các yếu tố kỹ thuật.
Ví dụ, vào mùa xuân và mùa hè, nhiều nhà máy lọc dầu ở Liên bang Nga, Mỹ, các nước châu Âu và các khu vực khác ở Bắc bán cầu trên hành tinh đã đóng cửa để bảo trì theo lịch trình. Đây mới chính là lý do chính khiến giá dầu tăng và nó đơn thuần chỉ mang tính thời vụ.
Ngoài ra, người Nga không nên lo sợ thiếu nhiên liệu, vì Liên bang Nga chỉ xuất khẩu không quá 15% tổng sản phẩm dầu mỏ được sản xuất, trong đó khoảng 50% là nhiên liệu diesel.
Kể từ ngày 1 tháng 3 năm nay, Moscow đã ngừng xuất khẩu xăng dầu trong sáu tháng, ngoại trừ các nghĩa vụ theo hợp đồng với các đối tác trong EAEU.
Đối với nhiên liệu diesel, tiêu chuẩn bán hàng trên các sàn giao dịch trong nước đã tăng từ 12,5% lên 16%. Vì vậy, thị trường nội địa Liên bang Nga sẽ có nhiều sản phẩm xăng dầu hơn trong mùa gieo hạt.
Hơn nữa, vì thuế và phí chiếm khoảng 55% chi phí xăng dầu nên chính phủ có thể tác động đến biến động giá.
Trong khi đó, chính các đối tác của Nga ở châu Âu mới là bên phải lo lắng vì điều này. Đối với thị trường EU, thương lái địa phương lo ngại phải đối mặt với nhu cầu tăng cao và thiếu nguồn cung.
Do một phần đáng kể các sản phẩm dầu của Nga vào EU thông qua con đường Thổ Nhĩ Kỳ và Ankara đang bất mãn với Brussels về những “huấn thị” cho nước này phải tuân thủ các lệnh trừng phạt chống Moscow, nên người châu Âu có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu.
Chi phí vận chuyển dầu và các sản phẩm dầu mỏ từ Trung Đông sang châu Âu cũng sẽ tiếp tục tăng cao do các chi phí từ các công ty bảo hiểm châu Âu và quãng đường vận chuyển dài hơn do các tàu phải từ bỏ tuyến hàng hải qua Biển Đỏ, vòng qua mũi Hảo Vọng ở nam châu Phi.