Chile hủy kế hoạch tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh APEC

GD&TĐ - Tổng thống Chile Sebastian Pinera tuyên bố hủy kế hoạch đăng cai Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11/2019. Hội nghị Khí hậu của Liên Hợp Quốc dự kiến sẽ được tổ chức tại Santiago vào tháng 12 cũng không diễn ra. Lý do cho sự hủy bỏ là các cuộc biểu tình lớn nhất kể từ khi chế độ độc tài quân sự sụp đổ đang đe dọa an ninh ở Chile.

Tổng thống Chile Sebastian Pinera quyết định hủy Hội nghị Thượng đỉnh APEC và COP25. Ảnh: AP
Tổng thống Chile Sebastian Pinera quyết định hủy Hội nghị Thượng đỉnh APEC và COP25. Ảnh: AP

Tuyên bố bất ngờ

Ngày 30/10, Tổng thống Chile Sebastian Pinera bất ngờ thông báo sẽ không tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh APEC. Theo kế hoạch, Hội nghị của các nhà lãnh đạo 21 quốc gia trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ được tổ chức từ ngày 16 - 17/11 tại Santiago. Mục tiêu chính của diễn đàn là phát triển hợp tác trong lĩnh vực thương mại của khu vực.

Một loạt tài liệu và kế hoạch đang được chuẩn bị cho Hội nghị, bao gồm lộ trình chống ô nhiễm biển - ông Valery Sorokin, Đại sứ của Bộ Ngoại giao Nga và là cán bộ cấp cao của APEC, cho biết vào tháng 9.

Ông Sorokin khẳng định: Theo một đánh giá chung, Tổng thống Chile “làm việc rất tốt”. Nhiều nhà lãnh đạo đã có kế hoạch riêng cho chuyến đi đến Chile. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ hy vọng rằng, thỏa thuận thương mại sẽ được ký kết với Trung Quốc tại Santiago.

Đồng thời, Hội nghị Khí hậu của Liên Hợp Quốc (COP25), dự kiến sẽ được tổ chức tại Santiago từ ngày 2 - 13/12 cũng bị hủy bỏ. Đây là Hội nghị cuối cùng trước khi Thỏa thuận khí hậu Paris chính thức đi vào hoạt động.

Tại hội nghị này, các quy tắc cuối cùng của Thỏa thuận Paris, gồm quy tắc vận hành các cơ chế kinh tế cần được phê duyệt (ví dụ, cơ chế phát triển bền vững cho phép một quốc gia đầu tư vào các dự án để giảm phát thải khí nhà kính ở các quốc gia khác). Quyết định hủy bỏ hội nghị là chưa từng có. Trong lịch sử 24 năm các cuộc đàm phán về khí hậu của Liên Hợp Quốc, đây lần đầu tiên một hội nghị bị hủy bỏ.

Còn nhớ, các cuộc tấn công vào tháng 11/2015 tại Paris đã không buộc các nhà tổ chức hội nghị sắp xếp lại COP21. Do đó, một thỏa thuận khí hậu toàn cầu mới đã được thông qua tại thủ đô của Pháp (năm 2016), thay thế cho Nghị định thư Kyoto. Ngày 30/10, từ Chile có tin rằng Hội nghị COP25 có thể được chuyển đến Bon. Tuy nhiên, khả năng tổ chức sự kiện trước một tháng vẫn còn là một câu hỏi lớn.

Tại sao Chile bỏ cuộc?

Còn nhớ vào vài ngày trước, Bộ trưởng Ngoại giao Chile Teodoro Ribera đã lập luận rằng, không có chuyện hủy bỏ Hội nghị Thượng đỉnh.

“Không có gì có thể biện minh cho việc chúng tôi từ chối tổ chức một Hội nghị Thượng đỉnh. Nếu chúng tôi muốn xây dựng một đất nước cởi mở hơn, phát triển hơn trong quan hệ xã hội, chúng tôi không có cách nào khác ngoài việc mở rộng mối quan hệ với những người mà chúng tôi cần bán (hàng hóa - ND). APEC chắc chắn là một phần của giải pháp này” – ông Teodoro Ribera tuyên bố.

Theo các nhà phân tích, các cuộc biểu tình rầm rộ tại Chile là nguyên nhân chính khiến quyết định tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh APEC và Hội nghị COP25 tại nước này bị hủy bỏ. Người biểu tình cáo buộc chính quyền duy trì một chính sách kinh tế - xã hội không hiệu quả và sử dụng vũ lực, không khác gì thời kỳ trị vì của trùm độc tài Augusto Pinochet.

Cuộc bạo loạn lên tới đỉnh điểm ở Chile vào ngày 18/10. Lý do là quyết định của chính quyền về việc tăng giá vé tàu điện ngầm khiến người dân nổi cơn thịnh nộ. Các cuộc biểu tình nhanh chóng leo thang thành bạo loạn và đụng độ với cảnh sát. Người biểu tình dựng rào chắn, gây thiệt hại cho nhiều trạm tàu điện ngầm, đốt cháy xe hơi và xe buýt, đập phá các cửa hàng. Đồng thời, tình trạng bất ổn lan rộng từ

Santiago đến các thành phố khác. Lần đầu tiên kể từ khi chế độ độc tài Augusto Pinochet sụp đổ, trên các đường phố, xe quân sự và xe bọc thép trực chiến cả đêm lẫn ngày. Chính phủ Chile phải ban bố tình trạng khẩn cấp và ra lệnh giới nghiêm vào ban đêm trong nhiều ngày liên tiếp. Theo dữ liệu mới nhất của Viện Nhân quyền Quốc gia Chile, cuộc bạo loạn khiến ít nhất 1.233 người bị thương và 3.712 người bị giam giữ, 19 người thiệt mạng.

Tổng thống Sebastian Pinera nhấn mạnh: “Đây là một quyết định rất khó khăn. Chúng tôi hiểu rõ tầm quan trọng của APEC và COP25 với Chile và thế giới, song đây là một quyết định hợp lý ở thời điểm này”. Nhà lãnh đạo Chile cũng thừa nhận rằng, ông “rất đau đớn” khi phải hủy Hội nghị Thượng đỉnh APEC, nhưng không còn cách nào khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink

Truyện ngắn: Mở trái tim yêu

GD&TĐ - Hạnh phúc của người đàn bà chính là có người đàn ông để nương tựa, nhưng Hiền thấy, đàn ông chỉ đem đến sự khổ đau...