Chiêu trò 'biến hóa' của nhóm cán bộ quản lý thị trường biến chất

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Nhóm cán bộ QLTT đã cố ý “biến hóa” hồ sơ vụ việc để công ty của “bà trùm” sản xuất sách giáo khoa giả chỉ bị xử lý hành chính.

Các bị can (từ trái qua) Trần Hùng, Lê Việt Phương, Phạm Ngọc Hải, Thành Thị Đông Phương.
Các bị can (từ trái qua) Trần Hùng, Lê Việt Phương, Phạm Ngọc Hải, Thành Thị Đông Phương.

Sau khi một loạt cơ sở nằm trong hệ thống sản xuất sách giáo khoa giả do Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát (Công ty Phú Hưng Phát) điều hành bị bóc gỡ, Cơ quan điều tra của Bộ Công an đã làm rõ hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của nhóm cán bộ tại Đội Quản lý thị trường số 17 (QLTT) thuộc Cục Quản lý thị trường Hà Nội.

Cháy nhà ra mặt chuột

Theo cáo trạng, sáng ngày 18/6/2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an bắt quả tang Hoàng Mạnh Chiến, Giám đốc Công ty Cổ phần in và Văn hóa truyền thông Hà Nội (Công ty cổ phần in Hà Nội) đang vận chuyển các thùng carton từ xe ô tô tải vào kho hàng của Công ty Phú Hưng Phát.

Kiểm tra trên xe có 120 thùng carton, bên trong có chứa 9.750 cuốn sách giáo khoa. Trong số đó có trên 5.000 cuốn sách Bài tập tiếng Anh lớp 5 và 4.500 quyển sách Tiếng Anh lớp 4 tập 2. Tổng giá trị theo giá bìa số sách này là trên 380 triệu đồng. Trên các sách đều có dán tem của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam.

Tại thời điểm kiểm tra, Hoàng Mạnh Chiến, Giám đốc Công ty cổ phần in Hà Nội khai nhận toàn bộ số sách trên là sách giáo khoa giả.

Lực lượng phá án ngay sau đó đã đồng loạt khám xét khẩn cấp 54 địa điểm, kho hàng của đường dây sản xuất sách giáo khoa giả do Cao Thị Minh Thuận, Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát cầm đầu. Kết quả đã thu giữ trên 3 triệu cuốn sách giáo khoa các loại, trên bìa ghi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hoặc các nhà xuất bản khác.

Ngoài thu giữ các đầu sách giáo khoa giả, cảnh sát còn thu giữ 95.000 đĩa CD tiếng Anh, 10 thùng phiếu hướng dẫn tiếng Anh, 14 bộ bản kẽm và hơn 10 tấn sách bán thành phẩm.

Ngoài việc làm rõ các chiêu trò sản xuất, tiêu thụ sách giáo khoa giả của nhóm đối tượng, khi mở rộng điều tra vụ án, cơ quan điều tra đã phát hiện một loạt hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng của các cán bộ quản lý thị trường tại Đội QLTT số 17 (thuộc Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội).

Theo đó, Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát đã chi một khoản tiền lớn cho cán bộ Đội QLTT số 17 để chỉ bị xử lý hành chính khi hành vi sản xuất sách giáo khoa giả bị cơ quan này phát hiện trước đó.

“Xào nấu” hồ sơ, bao che sai phạm

Cáo trạng truy tố các bị can của Viện KSND tối cao xác định, sáng ngày 8/7/2020, ông Trần Hùng, chuyên viên chính Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ Công Thương, Tổ trưởng Tổ 304 (Tổ công tác có nhiệm vụ, quyền hạn tham mưu giúp Tổng Cục trưởng thu thập, tiếp nhận, xác minh thông tin các vụ việc vi phạm pháp luật…) trực tiếp tiếp nhận nguồn tin từ cán bộ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về việc đề nghị tiến hành kiểm tra đột xuất một kho sách tư nhân ở quận Hoàng Mai, Hà Nội, có thể có nhiều sách giáo khoa giả.

Sau khi trực tiếp đi xác minh ban đầu, ông Trần Hùng đã có bút phê vào văn bản của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Sau đó, ông Hùng chỉ đạo Cục QLTT Hà Nội phối hợp với Cục Nghiệp vụ thuộc Tổng cục QLTT và Đội QLTT số 17 trực tiếp tiến hành kiểm tra.

Ngày 9/7/2020, Đội QLTT số 17 tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa tại Công ty Phú Hưng Phát. Quá trình kiểm tra đã phát hiện và thu giữ trên 27.000 cuốn sách thuộc 68 đầu mục sách giáo khoa ghi Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam. Số hàng hóa này không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Khi đó Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát trình bày: “Số sách được mua của một cá nhân qua điện thoại, bên bán cho người giao hàng đến trước, sau đó sẽ xuất hóa đơn nhưng đến nay (thời điểm bị kiểm tra) không nhận được hóa đơn và không liên lạc được với bên bán”.

Cáo trạng của Viện KSND tối cao xác định trong quá trình giải quyết sự việc này, Cao Thị Minh Thuận đã được ông Trần Hùng giúp đỡ. Lê Việt Phương khi đó là Phó Đội trưởng Đội QLTT số 17 đã đồng ý cho “bà trùm” sản xuất sách giáo khoa giả thay đổi lời khai về nguồn gốc số sách bị thu giữ.

Phương chỉ đạo cho Thành Thị Đông Phương là Kiểm soát viện Đội QLTT số 17 ghi vào biên bản làm việc với nội dung: “Về số hàng hóa bị thu giữ, bà Thuận không xác định được có phải là sách thật hay sách giả của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam hay không. Số sách này do người khác gửi vào công ty, xin được giải trình sau…”.

Cáo trạng xác định rằng, sau buổi làm việc được ghi lại lời khai về nguồn gốc hàng hóa này, Thuận cũng gọi điện cho ông Trần Hùng để cảm ơn.

Cuối tháng 7/2020, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có văn bản xác định số tang vật do Đội QLTT số 17 thu giữ là sách giả, không phải do nhà xuất bản tổ chức in ấn, phát hành. Đội QLTT số 17 xác định lô hàng vi phạm có giá trị lớn hơn 30 triệu đồng, có dấu hiệu phạm tội hình sự và đề xuất lãnh đạo Cục QLTT Hà Nội phân loại xử lý vụ việc.

Ngày 12/8/2020, Cục QLTT Hà Nội tổ chức họp Hội đồng tư vấn để xử lý vụ việc. Trước thời điểm diễn ra cuộc họp, “bà trùm” Cao Thị Minh Thuận đã đến gặp Lê Việt Phương tại trụ sở Đội QLTT số 17 và đưa cho ông này 50 triệu đồng.

Kết quả là, căn cứ vào báo cáo của Đội QLTT số 17 cuộc họp thống nhất nội dung: Không làm rõ được nguồn gốc số hàng hóa thu giữ và các cá nhân liên quan; Chưa đủ căn cứ xác định bà Thuận biết số hàng hóa là hàng thật hay hàng giả; Toàn bộ số sách giả chưa lưu thông ra thị trường nên hậu quả chưa xảy ra; Công ty Phú Hưng Phát vi phạm lần đầu; Vụ việc chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự; Thống nhất xử lý vi phạm hành chính đối với Công ty Phú Hưng Phát.

Sau khi có quyết định xử phạt vi phạm hành chính, “bà trùm” sản xuất sách giáo khoa giả đã đến Đội QLTT số 17 đưa 100 triệu đồng cho Thành Thị Đông Phương (trong đó 50 triệu đồng là để cảm ơn Đội QLTT số 17, 50 triệu còn lại là nhờ nộp phạt vi phạm hành chính hộ).

Phạm Ngọc Hải, nguyên là Kiểm soát viên Đội QLTT số 17 là người chịu trách nhiệm chủ trì việc tiêu hủy tang vật là số sách giáo khoa giả trên đã tự ý trả lại một phần sách cho Cao Thị Minh Thuận. Hải nhận được số tiền bồi dưỡng là 30 triệu đồng.

Quá trình điều tra xác định Giám đốc Công ty Phú Hưng Phát nhiều lần đưa tiền cho Lê Việt Phương và Đội QLTT số 17 Hà Nội, tổng số tiền là 330 triệu đồng. Các bị can Lê Việt Phương, Phạm Ngọc Hải và Thành Thị Đông Phương (Đội QLTT số 17, Cục QLTT Hà Nội) bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Riêng bị can Trần Hùng bị truy tố về tội Nhận hối lộ.

Nhiều cán bộ QLTT phải nhận kỷ luật

“Cơ quan tiến hành tố tụng xác định hành vi của các ông: Nguyễn Minh Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội; Nguyễn Ngọc Hà, nguyên Đội trưởng Đội QLTT số 17; Nguyễn Thị Trang và Nguyễn Huy Hùng (cùng là Kiểm soát viên Đội QLTT số 17) không đủ cơ sở xem xét trách nhiệm hình sự. Tổng cục QLTT đã có quyết định kỷ luật cảnh cáo đối với ông Hùng và ông Hà và Kiểm soát viên Nguyễn Huy Hùng. Riêng bà Trang thì bị xử lý hình thức kỷ luật là hạ bậc lương…”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.