Chiều sở thích ăn uống của bố chồng, con dâu suýt gây họa lớn

GD&TĐ - Ngày cưới, tôi ngây ngất hạnh phúc trong những lời chúc "ngọt hơn đường" của bạn bè và họ hàng. Nhưng sau ngày đó, tôi đã được phen "dập mặt" khi nếm trải mùi vị ở nhà chồng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có lẽ mẹ chồng tôi quá hiền lành nên bao nhiêu cái ghê gớm, tinh quái đều "hội tụ" hết ở bố chồng. Bữa cơm đầu tiên, tôi ra sức thể hiện vai trò dâu đảm. Tôi lên mạng tham khảo các món ăn ngon để tự tay chiêu đãi cả nhà.

Bữa cơm thịnh soạn được bưng ra, chồng tôi xuýt xoa: "Chà chà, mẹ vất vả rồi". Mẹ chồng tôi cười rất tươi: "Vợ con làm hết đấy, hôm nay mẹ chỉ làm khán giả trong bếp thôi". Câu nói dí dỏm của mẹ chồng làm cả nhà bật cười, nhưng bố chồng tôi vẫn giữ nguyên vẻ mặt cau có.

Biết ông khó tính nên tôi chủ động xới cơm rồi mời ông ăn trước. Trong bữa cơm, tôi luôn để ý xem lúc nào cần gắp thức ăn cho ông, lúc nào chan canh, lúc nào xới thêm cơm... Nhưng khi tôi đưa tay định đón lấy chiếc bát thì ông rụt tay lại, từ chối: "Ta chỉ ăn thế thôi". Tôi ngại ngùng "dạ vâng" rồi ăn tiếp.

Rửa bát xong, tôi lại bưng đĩa trái cây tươi ra mời cả nhà. Tôi cẩn thận dùng dĩa xiên một miếng lê đưa cho bố chồng, ông lắc đầu: "Toàn đường là đường, ta không ăn đâu". Tôi đặt miếng lê trở lại đĩa, lén nhìn thái độ của mẹ chồng, bà cũng cười xòa cho tôi bớt ngại.

Nhiều lúc tôi tủi thân vô cùng khi bố chồng cư xử như thể tôi không phải con dâu mà chỉ là người dưng. Tôi để ý, hễ lần nào tôi xới cơm thì ông chỉ ăn đúng một bát. Tất cả những thứ đưa từ tay tôi ông đều từ chối thẳng thừng. Tôi nghĩ, dường như ông không khó tính với tất cả mọi người mà chỉ nhăm nhe bắt ne bắt nét con dâu.

Nghĩ bố chồng ghê gớm, tôi cũng không hiền nữa. Những ngày sau đó, tôi bắt đầu hành động trái ý ông xem thái độ ông ra sao. Lúc cả nhà đang xem tivi, thấy cảnh người ta đi mua bánh Trung thu ầm ầm, tôi mạnh dạn hỏi: "Bố ơi, bố thích ăn bánh nhân thập cẩm hay đậu xanh để mai con đi mua ạ?". Y như dự đoán của tôi, bố chồng lắc đầu: "Ta không ăn mấy thứ đó".

Tôi không nói gì nhưng hôm sau tan giờ làm, tôi chạy ra siêu thị mua ngay một cặp bánh về. Ăn cơm tối xong, tôi cắt bánh mời cả nhà rồi giả vờ chạy vào bếp rửa nốt bát đũa. Không có tôi ở đấy, bố chồng thưởng thức bánh rất thoải mái. Nhưng khi tôi bước ra, ông lại giả vờ như không hào hứng gì với bánh trái.

Tôi hỏi vu vơ: "Bánh con mua có ngon không ạ?". Bố chồng buông một câu: "Thua xa bánh truyền thống".

Bố chồng không bao giờ chịu bày tỏ cảm xúc thật trước mặt nên tôi không biết đằng nào mà lần, không biết mua tặng ông cái gì, chỉ biết chiều theo sở thích ăn uống của ông, dù rất khó khăn tôi mới biết ông thích ăn gì, uống gì.

Mấy lần ngấm ngầm để ý, tôi thấy ông có vẻ thích ăn ổi, có hôm còn tự vào bếp gọt ổi để ăn. Tình thương dành cho bố chồng dâng lên trong tôi, thế là từ hôm ấy tôi quyết tâm mua thật nhiều ổi về ép nước cho ông uống. Ông từ chối thế nào tôi cũng cố ấn cốc nước ép vào tay ông.

Một hôm, tôi đang hăng say làm việc thì chồng gọi: "Em ơi, đến viện mau lên". Tôi hớt hải chạy đến, chồng và mẹ chồng ngồi thất thần ở ghế chờ, tôi cuống cuồng hỏi: "Bố sao rồi ạ? Có chuyện gì thế ạ?". Chưa ai kịp trả lời thì bác sĩ bước ra, thông báo: "Rất may lần này bác nhà mình chỉ bị đột quỵ nhẹ và được cấp cứu kịp thời, nhưng gia đình nên nhớ, đừng để bác nhà uống nhiều nước ép ổi nữa nhé".

Tôi sững sờ, khi ép hoa quả, tôi đã vô tình loại bỏ hoàn toàn chất xơ trong đó, làm cho đường hấp thu vào máu nhanh hơn. Không ngờ thói quen tưởng chừng vô hại của tôi lại là sai lầm người tiểu đường cần tránh, chính sai lầm đó khiến đường huyết của bố chồng tăng cao.

Tôi hối hận vô cùng, giá như lúc bố chồng từ chối, tôi phải biết điểm dừng. Chỉ vì muốn chứng tỏ mình là đứa con dâu chu đáo mà tôi suýt... gây họa lớn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ