Giáo dục đi từ sự phù hợp và tự nhiên
Trẻ vốn dĩ rất tò mò với ngàn vạn câu hỏi “vì sao?” mỗi ngày. Vậy nên, nếu kích thích sự tò mò đó vào việc đọc sách thì vô cùng hiệu quả.
Từ kinh nghiệm thực tế, Thạc sĩ (ThS) Phạm Thị Mai Vui cho rằng: “Có không ít trẻ bị ép đọc sách, theo những mục tiêu và lý thuyết của bố mẹ. Nhiều người lớn hiện nay dường như bị ngợp bởi các lý thuyết xa rời thực tế. Các bậc cha mẹ tham vọng, muốn con có mơ ước lớn và khát vọng nhưng lại quên một điều, giáo dục cần đi từ sự phù hợp và tự nhiên”.
Ngày nay khi đời sống “no ăn ấm mặc” thì việc đầu tư cho thế hệ tương lai cả về thời gian và vật chất là mối quan tâm của mọi gia đình. Một trong những điều phụ huynh yêu thích nhất là nhìn thấy con đọc sách, chơi thể thao và hòa mình với thiên nhiên. Cha mẹ thời nay cũng đã hiểu sâu sắc vai trò của việc đọc sách trong trau dồi tri thức và vun đắp tâm hồn của những đứa trẻ.
ThS Phạm Thị Mai Vui cho rằng, con trẻ yêu sách, có thể bởi nhiều lý do, nhưng nếu quanh em bé là sách và người đọc sách, thì khả năng em thích đọc sẽ cao hơn hẳn. Môi trường sách phù hợp, đủ để khơi gợi, kích thích trẻ đọc và khám phá thế giới từ sách là rất quan trọng. Nó sẽ có tác dụng làm cho tình cảm của con trẻ với sách ngấm một cách tự nhiên, từ từ và dần biến thành đam mê tích cực.
“Tôi cũng từng mắc sai lầm khi mua sách theo trào lưu, lùng mua sách tốt, hay, quý - theo chia sẻ của mọi người, mua ồ ạt rồi về bày tất cả ra trước mặt con, động viên con đọc. Nhưng là người đọc, tôi nhìn thấy con chỉ hồ hởi đón nhận lúc ban đầu, không có sự quan tâm kiểu say mê và tự giác.
Vì thế, sau đó tôi mới nhận ra một điều: Mỗi đứa trẻ, mỗi lứa tuổi có sự quan tâm riêng về một/vài chủ đề. Có những em bé trưởng thành sớm về tư duy, sẽ không thích những truyện kiểu về loài vật, thói quen hàng ngày, cổ tích đơn giản...
Có em hiếu động, lại thích các chủ đề về ô tô, thể thao, người máy, cướp biển, bom mìn, ướp xác... Vì thế, hiểu con để chọn sách phù hợp là yếu tố vô cùng quan trọng”, ThS Phạm Thị Mai Vui chia sẻ.
Tôn trọng sở thích và đồng hành cùng con
Khi cha mẹ hiểu được giá trị của việc đọc, thì vấn đề trọng tâm là khiến con ham đọc. Nghe thì có vẻ đơn giản nhưng quả thực, với những ai đã từng trong tình huống mới thấu hiểu sự gian nan của hành trình này.
Theo ThS Phạm Thị Mai Vui, điều lưu ý đầu tiên đối với cha mẹ trong hành trình cùng con xây dựng văn hóa đọc là phải biết “con quan tâm gì, hãy chọn sách theo chủ đề đó, thứ tự từ đơn giản đến phức tạp, từ sách có ảnh minh họa đến sách nhiều chữ, thu thập các sách có phong cách viết và khai thác vấn đề ở nhiều khía cạnh khác nhau. Và hãy hé mở dần, từng quyển một, quan sát mức độ tiếp thu của con để điều chỉnh sách đơn giản hay phức tạp hơn.
Làm như vậy, các em sẽ dần khám phá theo chủ đề, và rất tự nhiên, sẽ biết liên kết, đối chiếu thông tin giữa các sách, từ đó hé lộ những đánh giá, nhận xét cá nhân rất thú vị”.
Để tự “chấm điểm” cho mình và cho con theo các thang nấc chinh phục kho tàng tri thức qua sách, có một “bí kíp” nhỏ mà cha mẹ nên lưu ý, đó là mức độ hỏi của trẻ về vấn đề đang đọc sẽ cho biết khá chính xác sự quan tâm và thay đổi trong nhận thức của chúng thông qua các sách đã đọc.
Chọn và mua sách là việc đầu tiên, đơn giản rồi nhưng cần làm gì tiếp theo để trẻ ham đọc mới là chuyện khiến nhiều phụ huynh phải “đau đầu”. Nếu con bạn thích đọc một cách tự nhiên, đó là điều lý tưởng, còn không, hành trình của bố mẹ bền bỉ đến đâu cũng sẽ cho kết quả tương tự đến đó. Đương nhiên, vấn đề ở chỗ, bố mẹ có thực sự coi trọng việc đọc sách hay cũng chỉ là đua theo trào lưu.
Nhiều người băn khoăn: Có nên đọc cùng con?; bố mẹ cần đọc trước để biết sách có phù hợp với con hay không? “Ở giai đoạn đầu, bố mẹ nên đọc cùng, nhưng đừng giảng giải nhiều quá, vì đọc sách rất cần yên tĩnh.
Nếu con hỏi, hãy trả lời, nếu con băn khoăn, hãy giải thích. Nếu con yên lặng đọc, đừng làm phiền. Đọc với con, bố mẹ sẽ khám phá ra nhiều điều về tư duy của con mình, đó là cả một thế giới kỳ thú” - ThS Phạm Thị Mai Vui cho biết.
Là bà mẹ thành công trong việc gieo tình yêu với sách cho 2 cậu con trai, ThS Phạm Thị Mai Vui cho rằng, không chỉ với sách, muốn con đam mê hay chinh phục một mục tiêu nào đó trong cuộc sống, cha mẹ rất cần khéo léo tạo ra môi trường tự nhiên và phù hợp để hướng con trở nên có ý thức tự thân chinh phục thử thách.
Đọc sách sẽ khiến tâm hồn con trẻ vui tươi, kiến thức được mở mang nếu trẻ được làm điều đó với tâm thế khám phá và hứng thú. Sẽ là tác dụng ngược nếu cha mẹ chỉ chăm chăm mục tiêu mà ép trẻ đọc sách theo ý mình, thậm chí sa đà vào việc rao giảng lợi ích đọc sách khiến trẻ trở nên ức chế và không muốn hợp tác.
Hiểu sâu sắc giá trị của việc đọc và ý nghĩa của việc hình thành văn hóa đọc cho con từ tấm bé, ThS Phạm Thị Mai Vui đã luôn nỗ lực “vun vén” từng chút và thành công trong việc khơi tạo cho con một đam mê tích cực, với mong muốn trao được cho con chút “của cải để dành”.