“Chiêu” duy trì sĩ số

GD&TĐ - Nhiều trường học vùng cao, trước khi nghĩ tới nâng cao chất lượng giáo dục thì việc cần làm là duy trì sĩ số trong từng lớp học. Công việc này là bài toán không hề dễ, nhất là sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày. Câu chuyện của các cô giáo vùng cao dưới đây cho thấy, ngoài yếu tố nhiệt tình, chuyên môn tốt, rất cần những kinh nghiệm và “chiêu thức” để thu hút học sinh đến trường.

Cô Đào Thị Vân và các học trò của mình
Cô Đào Thị Vân và các học trò của mình

Làm mới trong từng tiết học

Trước khi công tác tại Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (TP Lào Cai), cô Vù Thị Chung từng có thời gian dạy học ở các điểm trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn với 100% học sinh là người dân tộc thiểu số. Vì thế, cô Chung có đủ “chiêu” để vận động học sinh đến trường cũng như duy trì ổn định sĩ số lớp học. Theo kinh nghiệm của cô, việc đầu tiên sau khi nhận lớp, giáo viên cần đến gặp trưởng bản nhờ giúp đỡ. Tiếp đến, nhờ trưởng bản dẫn đến thăm một số người già trong thôn, bản có con, cháu đang học.

“Một câu nói của họ có trọng lượng gấp nhiều lần mình nói. Vì thế mỗi khi tôi gặp khó khăn trong việc vận động học sinh đến trường là các già bản ra tay trợ giúp. Kết quả hoàn toàn như mong đợi, học sinh không chỉ đi học đầy đủ, đúng giờ mà còn siêng năng học tập hơn, nên lớp học lúc nào cũng đạt 100% sĩ số (trừ những buổi có học sinh ốm đau hoặc nghỉ có lý do chính đáng)” – cô Chung cho biết.

Ngoài ra, theo cô Chung, nếu đã dạy học ở vùng dân tộc thiểu số, giáo viên bắt buộc phải học tiếng. Việc này không chỉ thuận lợi trong giao tiếp mà còn bổ trợ rất nhiều trong quá trình dạy học. “Tôi từng dạy học ở vùng đồng bào dân tộc Mông. Sau vài tháng nhận lớp, tôi đã giao tiếp bằng tiếng Mông, tôi sử dụng thêm tiếng Mông trong dạy học. Việc đan xen tiếng Kinh và tiếng Mông giúp học sinh dễ dàng tiếp thu bài giảng; từ đó các em hứng thú học tập và thích đi học hơn” - cô Chung trao đổi.

Song theo cô Chung, điều quan trọng nhất là giáo viên phải biết làm mới trong từng tiết học. Tức là phải chủ động đổi mới, sáng tạo trong mỗi giờ lên lớp để cuốn hút học sinh đến trường. Chẳng hạn giữa các tiết học có thể tổ chức các trò chơi, hoạt động nhóm để học sinh được thư giãn và luôn kích thích trẻ muốn được đến trường để được “học mà chơi, chơi mà học”.

Tạo môi trường thân thiện

Tổ chức các hoạt động vui chơi đan xen giữa các tiết học để giữ chân học sinh
Tổ chức các hoạt động vui chơi đan xen giữa các tiết học để giữ chân học sinh 

Hơn 10 năm công tác ở vùng khó, cô Mùa Thị Chứ - giáo viên Trường Tiểu học Pi Toong (Mường La, Sơn La) cho biết: Sau Tết, GV thường phải “đến từng ngõ, gõ từng nhà” để vận động học sinh đến trường. Cô kể: Một số em mải chơi, trốn học theo bố mẹ lên nương, lên rẫy. Khi đến vận động, các em đều lẩn trốn, phụ huynh thì không cương quyết trong việc yêu cầu con đi học đầy đủ, đúng giờ. Vì thế, cô và một số cán bộ xã nhiều lần lên nương, rẫy để gặp gỡ phụ huynh và học sinh. “Bị bất ngờ nên các em không thể lẩn trốn. Sau đó, chúng tôi dùng mọi biện pháp để thuyết phục các em trở lại trường lớp, thậm chí “bắt ép” các em xuống núi đến trường” - cô Chứ chia sẻ.

Tuy nhiên, vận động các em đến trường đã khó, việc giữ chân các em còn khó khăn hơn nhiều. Theo kinh nghiệm của cô Chứ, những buổi học đầu tiên sau Tết, không đặt nặng vấn đề học mà cần lồng ghép các hoạt động vui chơi, ngoại khóa như: Tổ chức các trò chơi dân gian ném còn, ném pao, ném cù, múa sạp… Mục đích tạo không khí vui tươi, phấn khởi giúp các em hứng thú đến trường. Mặt khác, tạo môi trường sư phạm thân thiện để các em cảm thấy gần gũi, ở trường cũng như đang ở nhà. 

Với nhiều năm công tác ở vùng cao, cô Vù Thị Chung rút ra kinh nghiệm: Tạo uy tín với chính quyền địa phương và gần gũi với bà con dân bản. Tiếp đến, cần biết tiếng địa phương để giao tiếp và hỗ trợ trong giảng dạy. Ngoài ra, giáo viên phải thực sự kiên nhẫn và dạy học bằng cái tâm. Đồng thời, hiểu biết về phong tục, tập quán nơi mình công tác và không ngừng bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ sư phạm.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.