Vẫn con cá những chiều nào
Vỗ tay Bác gọi cá vào cá ăn
Cá tư lự, cá tung tăng
Biết đâu Bác những đêm trăng một mình.
Ao sâu ở giữa Ba Đình
Cá bơi có bạn, một mình Bác thôi
Thương Người cá nổi lên bơi
Cá vui cho buổi chiều vơi nỗi buồn.
Ao nhà, cá của muôn phương
Vẫn con cá ở suối nguồn Lê-nin
Vẫn con cá ngước lên nhìn
Vẫn con cá lặn xuống tìm vầng trăng.
Chiều chiều gọi cá lên ăn
Nhìn con cá lội tung tăng nhớ Người…
Nguyễn Hưng Hải
Lời bình của Lê Thành Văn
Cảm hứng chủ đạo của thi phẩm là miêu tả vẻ đẹp đời thường, giản dị trong sinh hoạt hằng ngày của Bác sau những giờ bận muôn vàn công việc trọng đại của đất nước.
Với giọng thơ trữ tình sâu lắng, Nguyễn Hưng Hải đã dựng lên chân dung Hồ Chủ tịch như một nhà hiền triết phương Đông, vừa lo việc nước lớn lao vừa gần gũi, bình dị trong cuộc sống đời thường. Hai phẩm chất ấy hòa quyện vào nhau làm nên một nhân cách của bậc “đại nhân, đại trí, đại dũng”.
Trong khổ thơ mở đầu tác phẩm, nhà thơ miêu tả không gian nơi Bác Hồ sống và làm việc từ sau năm 1954. Một ngôi nhà sàn đơn sơ, một ao cá giữa khu vườn Phủ Chủ tịch.
Ấn tượng đặc biệt nhất là hình ảnh Người đứng vỗ tay mỗi lần gọi cá vào cho ăn cứ ám ảnh chúng ta khi nhớ về Bác. Vì thế, lời thơ mở ra tự nhiên đến không ngờ, như tiếng lòng thổn thức hoài niệm của tác giả:
Vẫn con cá những chiều nào
Vỗ tay Bác gọi cá vào cá ăn
Cá tư lự, cá tung tăng
Biết đâu Bác những đêm trăng một mình.
Hình ảnh con cá “những chiều nào” còn đây mà “Bác đã lên đường nhẹ bước tiên”. Một chút bồi hồi để nhà thơ nhớ lại cuộc sống của Người lúc sinh thời. Cũng giống như bao con người bình thường khác, sau giờ làm việc, Người lại hướng đến những sinh hoạt rất đời thường: Chăm sóc vườn cây hay cho cá ăn.
Có điều, cái hay của khổ thơ đầu chính là nhờ Nguyễn Hưng Hải đã trữ tình hóa sâu sắc và cảm động hình ảnh của Bác. Cá lúc nào cũng đùa vui tung tăng, có bạn có đàn nhưng biết đâu Bác vẫn một mình mỗi khi chiều xuống.
Khổ thơ thứ hai vẫn miêu tả hình ảnh đàn cá trong ao nhưng ở chiều sâu cảm xúc lắng đọng hơn. Cá và Bác trở thành tri âm, cá biết đồng cảm và sẻ chia buồn vui cùng Bác. Cá dường như thấu hiểu nỗi niềm Bác sau mỗi buổi chiều về. Ban ngày làm việc với đồng chí, giải quyết việc nước việc dân, nhưng sau giờ tan tầm Bác lại một mình lặng lẽ.
Khổ thơ diễn tả thật hay và sâu lắng tình cảm của cá với người nuôi. Vì vậy, cá cảm thông và biết vui vầy để làm dịu nỗi buồn của Bác. Nghệ thuật nhân hóa được nhà thơ sử dụng ở khổ thơ đạt hiệu quả không ngờ nhờ đã hòa nhập được tâm hồn mình vào hoàn cảnh của nhân vật trữ tình một cách tự nhiên:
Ao sâu ở giữa Ba Đình
Cá bơi có bạn, một mình Bác thôi
Thương Người cá nổi lên bơi
Cá vui cho buổi chiều vơi nỗi buồn.
Đến khổ thơ thứ ba, mạch thơ chuyển sang chiều sâu mang tính triết lý. Từ con cá trong ao đến “con cá của suối nguồn Lê-nin” là cả một cảm quan của tác giả về con người, đất nước và tinh thần quốc tế. Với Nguyễn Hưng Hải, biết là cá từ muôn phương tụ đàn về đây nhưng vẫn chung cội nguồn sâu thẳm.
Bởi lẽ, Bác ra đi tìm đường cứu nước, gặp gỡ biết bao nhiêu con người, trải qua muôn vàn gian khổ, hiểm nguy để rồi khi gặp Luận cương của Lê-nin người mới hiểu rằng đây chính là con đường đúng đắn nhất, là lẽ sống còn của dân tộc Việt Nam.
Với Bác, khi trở về Pắc Bó thuộc tỉnh Cao Bằng, Người đã làm bài thơ cảm tác để thể hiện cội nguồn tư tưởng cứu nước của mình: “Non xa xa, nước xa xa/Nào phải thênh thang mới gọi là/Đây suối Lê-nin, kia núi Mác/Hai tay xây dựng một sơn hà”. Vâng, sơn hà từ đây mà có, tất cả bắt nguồn từ chủ nghĩa Mác-Lênin:
Ao nhà, cá của muôn phương
Vẫn con cá ở suối nguồn Lê-nin
Vẫn con cá ngước lên nhìn
Vẫn con cá lặn xuống tìm vầng trăng.
Bài thơ khép lại bằng cặp lục bát gần như lặp lại ý tứ ban đầu nhưng lại mở ra một vòng thời gian vô tận, một nỗi nhớ không nguôi về Bác Hồ kính yêu. Những con cá còn bơi lên ăn, còn tung tăng lội giữa ao sâu Ba Đình, nhân dân Việt Nam vẫn như được nhìn thấy Bác hiện về, thanh thản vỗ tay hô gọi cá vào để lấy thức ăn.
Nhờ đó, hai câu thơ gợi nhiều nỗi niềm, có một chiều sâu suy tưởng khái quát về nỗi nhớ và lòng kính yêu của nhân dân với Bác:
Chiều chiều gọi cá lên ăn
Nhìn con cá lội tung tăng nhớ Người…
Bài thơ “Chiều chiều gọi cá lên ăn” đậm chất ca dao với thể thơ lục bát nhuần nhuyễn, tự nhiên như cất lên từ chính trái tim tác giả nhớ thương về Bác.
Qua đó, Nguyễn Hưng Hải giúp bạn đọc hình dung vẻ đẹp đời thường trong tâm hồn Bác: Tình yêu thiên nhiên tha thiết, lối sống giản dị, và đặc biệt là chúng ta hiểu sâu sắc hơn những phút giây lặng lẽ của Người sau một ngày làm việc.
Từ đó, ta càng thấy Bác thật vĩ đại mà cũng thân thương, gần gũi biết bao.