Chiến tranh 'phủ bóng' giáo dục Dải Gaza

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas nổ ra, học sinh, giáo viên sinh sống tại Dải Gaza đã phải rời bỏ nhà cửa trong khi các toà nhà bị phá huỷ.

Trẻ em xếp hàng nhận cứu trợ tại Dải Gaza.
Trẻ em xếp hàng nhận cứu trợ tại Dải Gaza.

Các chuyên gia dự đoán phải mất nhiều tháng nữa các lớp học mới có thể tiếp tục trở lại.

Mohammad Mosa, 14 tuổi, đã mang theo máy tính xách tay khi chạy trốn khỏi nhà hồi tháng 10 với hy vọng em có thể học Zoom giữa các trận không kích. Với mục tiêu giành học bổng tại trường, Mosa cho rằng xung đột lần này sẽ giống những cuộc xung đột trước đây và nó sẽ sớm kết thúc.

Tuy nhiên, 2 tháng sau, điều duy nhất Mosa học được là cách nướng bánh mì trên lửa. Các cuộc bắn phá dữ dội tại Dải Gaza khiến người dân nơi đây chỉ tìm cách sống sót qua ngày, không còn khả năng học tập. Giáo dục là một trong những “nạn nhân” lớn nhất của xung đột.

Ông Jonathan Crick, người phát ngôn của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Jerusalem, cho biết: “Hoàn toàn không có hoạt động giáo dục hay trường học nào ở Dải Gaza vào lúc này. Khoảng 625 nghìn trẻ em trong độ tuổi đi học tại Dải Gaza trước khi xung đột leo thang nhưng hiện nay, không ai đi học. Các vụ đánh bom dữ dội khiến trường học không thể hoạt động”.

Các chuyên gia giáo dục ước tính sẽ mất nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, để khôi phục giáo dục ở khu vực vực này. Gián đoạn học tập do xung đột và trước đó là dịch Covid-19 sẽ phủ bóng đen lên tương lai của họ.

Số liệu của Liên Hợp Quốc chỉ ra, đến giữa tháng 12/2023, 352 toà nhà trường học tại Dải Gaza bị hư hại, chiếm hơn 70% cơ sở hạ tầng giáo dục ở khu vực này. Nhiều toà nhà vẫn còn nguyên vẹn và được sử dụng làm nơi trú ẩn nên không thể tiếp tục hoạt động giảng dạy.

Chưa kể, hàng trăm nhân viên giáo dục và học sinh sẽ không bao giờ quay lại lớp học. Ít nhất khoảng 200 giáo viên đã thiệt mạng và hơn 500 người khác bị thương. Những người còn sống nằm trong hơn 80% dân số đã di dời và không có điều kiện để làm việc hay học tập.

Ngoài tình trạng gián đoạn học tập, những tổn thương không ngừng gia tăng. Tin tức về gia đình, người thân, bạn bè thiệt mạng, bị thương hoặc mất tích sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ tâm thần của trẻ. Nhiều em sẽ sống với căn bệnh trầm cảm, sợ hãi và đau buồn.

Các nhà giáo dục và các nhóm viện trợ cảnh báo ngay cả khi có lệnh ngừng bắn dài hạn, việc trở lại trạng thái bình thường ở Dải Gaza sẽ mất nhiều thời gian vì thiệt hại quá lớn. Lớp học sẽ là vấn đề lớn đầu tiên vì trước khi xung đột xảy ra, khu vực này vốn đã thiếu hụt về cơ sở vật chất.

Sau đó là thiếu thiết bị và tài liệu giảng dạy. Các nhóm viện trợ có thể gửi trang thiết bị nhưng việc thay thế và bổ sung đội ngũ giảng viên, sách giáo khoa sẽ khó khăn hơn rất nhiều.

Ngay cả khi các lớp học được sửa chữa, sách giáo khoa được bổ sung và giáo viên mới được đào tạo, giáo viên Musa lo lắng trẻ em sẽ nhìn nhận trường học theo cách khác. Sau khi trẻ em phải chen chúc trong đó, chịu đựng cái lạnh, cái đói, sự bẩn thỉu và nỗi kinh hoàng, họ sẽ cảm thấy sợ trường học.

“Sức khoẻ tinh thần của các em chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng bởi điều kiện khó khăn mà các em phải chịu đựng. Các em sẽ cần một thời gian dài để chuẩn bị cho việc đi học lại”, cô giáo Musa cho biết.

Chị Suha Musa, giáo viên dạy Toán tại Trường Nam sinh Al-Zaytoun, phía Tây Gaza, cho biết: “Tôi rất yêu học sinh và luôn nghĩ về chúng. Trước đây, mong muốn lớn nhất của các em là đạt được điểm tuyệt đối trong các bài kiểm tra nhưng giờ đây, họ nghĩ về cách sống sót qua cái chết và sự di tản”.

Theo TG

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Thị uy chiến thắng

Thế giới
GD&TĐ - Cuộc thị uy chiến thắng của Nga diễn ra trong bối cảnh quân đội Ukraine đang phải hứng chịu những bước lùi trên chiến trường.

Đừng bỏ lỡ