Tư vấn chọn bài thi tổ hợp
Kết quả đăng ký bài thi tổ hợp của HS Trường THPT Nguyễn Hiền (Q. Hải Châu, TP Đà Nẵng) trong phiếu đăng ký dự thi tốt nghiệp và xét tuyển ĐH không thay đổi nhiều so với kết quả thăm dò trước đó. Cụ thể, chưa đến 15 HS thay đổi nguyện vọng từ bài thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên (KHTN) sang Khoa học xã hội (KHXH).
Cô Nguyễn Thị Minh Huệ - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Hiền chia sẻ: "Qua phân tích kết quả tổng kết năm học, bài thi thử tốt nghiệp THPT cũng như kiểm tra học kỳ II theo đề thi chung của Sở GD&ĐT, nhà trường nhận thấy những HS này chuyển sang tổ hợp môn KHXH, kết quả bài thi sẽ khả quan hơn, tránh được nguy cơ bị điểm liệt nên tư vấn cho học sinh, phụ huynh".
Kết thúc học kỳ I, ban giám hiệu và GV bộ môn khối 12 Trường THPT Phạm Phú Thứ (H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng) cùng phân tích kết quả điểm bài thi kiểm tra, kết hợp với so sánh điểm kiểm tra chất lượng đầu năm học để tư vấn cho HS chọn tổ hợp môn phù hợp.
"HS được tư vấn chọn tổ hợp môn đăng ký dự thi tốt nghiệp THTP cùng với xét tuyển ĐH, CĐ trên cơ sở phân tích năng lực học tập cùng với nguyện vọng của HS" - thầy Phạm Bá Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ cho biết.
Đây cũng là công thức chung của hầu hết trường THPT khi tư vấn cho HS đăng ký lựa chọn môn thi tổ hợp. "Chúng tôi lưu ý HS cần xác định rõ ngành, trường mình muốn học, từ đó tìm hiểu kỹ tổ hợp xét tuyển đối với ngành học của trường để đăng ký dự thi. Cũng có trường, cùng một ngành nhưng xét tuyển nhiều tổ hợp khác nhau, HS có thể chọn tổ hợp môn mà mình có thế mạnh để tăng sức cạnh tranh", thầy Hảo chia sẻ kinh nghiệm.
Từ kết quả thăm dò chọn tổ hợp môn, Trường THPT Phạm Phú Thứ xếp lớp ôn tập theo nguyện vọng đăng ký của HS, thầy Hảo phân tích: "HS thường có tâm lý nếu không học tốt môn tự nhiên thì chọn môn xã hội bởi chỉ cần học thuộc bài là có điểm. Thế nhưng, với đề thi như vài năm trở lại đây, nếu chỉ học thuộc mà không có khả năng vận dụng bài làm rất khó đạt ở điểm cao". Chính vì vậy, trong quá trình ôn tập, GV bộ môn phải hướng dẫn kỹ năng làm bài cũng như phương pháp học cho HS.
Hướng nghiệp sớm
Thống kê số lượng HS đăng ký bài thi tổ hợp của Trường THTP Tôn Thất Tùng (quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) trùng khớp với kết quả nhà trường tổ chức thăm dò nguyện vọng trước đó. Cô Trần Thị Kim Vân, Hiệu trưởng nhà trường cho hay: Từ phân tích kết quả kỳ thi THPT quốc gia, 3 năm trở lại đây, nhà trường tổ chức định hướng cho HS và phụ huynh ngay từ khi các em nộp hồ sơ trúng tuyển lớp 10. HS và phụ huynh cùng nhà trường sẽ phân tích năng lực học tập, nguyện vọng, sở thích của các em để lựa chọn phân ban theo học. Từ đây, HS định hướng ngành nghề trong tương lai, đi kèm với đó là tổ hợp môn sẽ dự thi để xét tốt nghiệp THPT.
"Đầu mỗi năm học, học sinh sẽ có thể thay đổi nguyện vọng nếu thấy mình không thực sự phù hợp. Và đến đầu năm lớp 12 gần như việc lựa chọn tổ hợp môn đăng ký dự thi của các em đã cố định. GV bộ môn rất thuận tiện trong giảng dạy khi HS trong lớp có cùng mục tiêu học tập" – cô Vân cho biết đồng thời chia sẻ: Cái khó của cách làm này là công tác tổ chức, quản lý và sắp xếp sĩ số lớp học. Chúng tôi chấp nhận có những lớp học chỉ có 29 HS bên cạnh những lớp có 39 em, nếu vượt quá số này phải tách lớp để bảo đảm chất lượng dạy – học.
Không chỉ phân chia lớp ôn tập theo đăng ký tổ hợp môn của HS, các trường THPT còn phân chia lớp ôn tập theo khả năng tiếp nhận của HS. Ngoài lớp ôn tập 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Anh văn được tổ chức từ đầu năm lớp 12, các lớp ôn tập theo tổ hợp môn tự chọn được Trường THPT Nguyễn Hiền triển khai từ đầu học kỳ II.
"Với HS khá trở lên, nhà trường dạy theo chương trình nâng cao để các em có khả năng cạnh tranh trong xét tuyển ĐH, CĐ. Lớp còn lại bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng trên cơ sở chương trình giảm tải của Bộ GD&ĐT. Với đặc điểm đầu vào thấp, nhà trường chủ trương đề cương ôn tập cùng hệ thống câu hỏi đi kèm được tổ bộ môn xây dựng trên cơ sở phân loại khả năng tiếp nhận của HS" - cô Vân nói.
Trường THPT Hoàng Hoa Thám năm nay có thêm một lớp ôn thi đặc biệt với 10 học sinh. Theo thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy – Hiệu trưởng Trường THPT Hoàng Hoa Thám, đây là những học sinh lệch ban, buộc phải phụ đạo môn Ngữ văn để chống trượt. Trường THPT Nguyễn Hiền cũng có lớp ôn thi đặc biệt này với 12 học sinh, trong đó có 2 em khuyết tật không thuộc diện miễn thi tốt nghiệp THPT.