Tăng tiết để củng cố kiến thức
Theo dự kiến của Sở GD&ĐT TP, ngày 2 - 3/6 diễn ra kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập.
Kỳ thi gần sát với thời gian kết thúc năm học nên theo lãnh đạo nhiều trường, song song với việc dạy học bảo đảm chương trình, các tổ bộ môn Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh sớm có kế hoạch để củng cố kiến thức cho học sinh.
Hầu hết các trường đều tăng 2 tiết/tuần/môn ở buổi thứ hai hoặc vào ngày thứ Bảy với học sinh học 1 buổi.
Trước thay đổi về cách tính điểm hệ số, ở môn Tiếng Anh giáo viên sẽ có điều chỉnh trong kế hoạch dạy học phù hợp với quy định mới (tăng thời gian thi từ 60 lên 90 phút, câu hỏi cũng tăng thêm 4 câu).
Cô Phạm Thị Thanh Bình - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ (Quận 10) cho hay: Nhà trường tăng thêm 2 tiết cho môn Tiếng Anh vào ngày thứ Bảy (trường chỉ dạy học 1 buổi/ngày).
Tổ bộ môn có kế hoạch dạy học cụ thể, củng cố kiến thức cho các em theo hình thức “cuốn chiếu”.
Với 2 tiết tăng thêm sẽ dùng để củng cố kiến thức, giải đáp thắc mắc, giải bài tập cho học sinh.
Tương tự, thầy Nguyễn Công Phúc Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1) thông tin: Học sinh lớp 9 học tiếng Anh phổ thông - chương trình của Bộ GD&ĐT với 2 tiết/tuần.
Trước những thay đổi của Sở GD&ĐT, trường tăng thêm 2 tiết/tuần ở buổi 2 cho học sinh lớp 9.
Như vậy, học sinh sẽ có 4 tiết tiếng Anh/tuần.
Các em được củng cố kiến thức, học tập theo chuyên đề để phục vụ cho tuyển sinh lớp 10.
Lãnh đạo Trường THCS Nguyễn Trãi (quận Bình Tân) cho biết, điều chỉnh của Sở GD&ĐT về cách tính điểm hệ số môn thi vào lớp 10 cho thấy môn Ngoại ngữ được chú trọng, đề cao.
Nhà trường cũng có những điều chỉnh trong kế hoạch chuẩn bị ôn tập cho học sinh về đề cương, thay đổi trong đề kiểm tra theo định hướng của sở để học sinh làm quen, đồng thời có những đổi mới trong phương pháp giảng dạy.
Theo thầy Hồ Thanh Danh - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Trãi, do thời gian kết thúc năm học gần sát với thời gian thi nên song song với dạy học trên lớp, giáo viên sẽ lồng ghép việc củng cố kiến thức cho học sinh.
Kết thúc chương trình học kỳ II sẽ bắt đầu tăng tốc, các em được củng cố kiến thức ôn tập theo chủ đề, chủ điểm, làm các bộ đề do giáo viên triển khai.
Chú trọng đổi mới phương pháp dạy học
Với các trường ở ngoại thành, điều kiện học tập môn Tiếng Anh, đầu tư của phụ huynh chưa thể so sánh với học sinh nội thành.
Vì vậy, với những điều chỉnh trong tuyển sinh, các trường ngoại thành cũng phải thay đổi “chiến thuật” củng cố kiến thức cho các em.
Lãnh đạo Trường THCS Nguyễn Văn Linh (huyện Bình Chánh) chia sẻ: Ngày 26/3, Phòng GD&ĐT huyện Bình Chánh tổ chức chuyên đề về giải pháp nâng cao chất lượng bài thi tuyển sinh lớp 10 - bộ môn Tiếng Anh.
Đây là những căn cứ, định hướng để tổ tiếng Anh của trường họp bàn, triển khai và điều chỉnh phù hợp việc giảng dạy, ôn tập củng cố kiến thức cho học sinh.
Theo kế hoạch hằng năm, để chuẩn bị cho tuyển sinh lớp 10, trường sẽ tăng tiết Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh mỗi môn 2 tiết/tuần.
Học sinh của trường đa phần đăng kí nguyện vọng lần lượt vào Trường THPT Tân Túc, THPT An Lạc, THPT Phong Phú. Một số em khá giỏi sẽ có nguyện vọng thi vào Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (Quận 6).
Được biết, ngoài việc học tập ở trường, một số phụ huynh cũng cho con ôn luyện thêm ở trung tâm tiếng Anh hoặc thuê gia sư vào buổi tối.
Chị H.N, có con học lớp 9 tại Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Thủ Đức) cho biết, cháu dự kiến thi nguyện vọng 1 vào Trường THPT Thủ Đức, nguyện vọng 2 vào Trường THPT Tam Phú, THPT Linh Trung.
Sau khi có sự thay đổi về cách tính hệ số, chị N tìm vội lớp ôn tập cấp tốc môn Tiếng Anh cho con, vì so với 2 môn còn lại, tiếng Anh kém hơn.
Cô Nguyễn Trâm Anh - giáo viên môn Tiếng Anh đang dạy tại trường THCS ở TP Thủ Đức chia sẻ, từ những năm qua Sở GD&ĐT đã thực hiện đổi mới trong cách ra đề, 60% là kiến thức cơ bản, 40% là nâng cao để phân hóa học sinh, phục vụ cho tuyển sinh.
Với cách ra đề của Sở GD&ĐT phải học - hiểu và biết vận dụng chứ không phải học thuộc lòng. Chính vì vậy, việc đổi mới phương pháp giảng dạy của giáo viên rất quan trọng.
Thời gian qua, giáo viên đã quen và chủ động điều chỉnh trong giảng dạy để đáp ứng yêu cầu đổi mới của chương trình cũng như trong thi cử, đánh giá học sinh.
Theo ông Trần Đình Nguyễn Lữ - chuyên viên môn Tiếng Anh, Phòng GD Trung học (Sở GD&ĐT TP), số lượng câu hỏi trong đề thi cũng tăng lên 40 câu thay vì 36 câu như trước đây (do thời gian thi từ 60 tăng lên 90 phút). Tuy nhiên, nội dung kiến thức vẫn nằm trong chương trình THCS, chủ yếu là lớp 9.
Các câu hỏi của đề thi sẽ ra theo hướng kiểm tra khả năng sử dụng ngôn ngữ của học sinh trong đời sống thực tiễn.
Đề thi vẫn có 2 bài đọc, nội dung nằm trong những chủ điểm mà học sinh đã học.
Độ dài của bài đọc sẽ dài hơn nhằm kiểm tra năng lực đọc nhanh - hiểu đúng của thí sinh. Những câu hỏi phân hóa thí sinh dự kiến nằm ở phần đọc - hiểu và viết lại câu.
Câu hỏi về ngữ pháp dự kiến sẽ ra theo hướng nhẹ nhàng, chiếm khoảng 1/4 trong tổng số các câu hỏi của đề thi.