Chiến lược phát triển giáo dục TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

GD&TĐ - UBND TPHCM vừa có quyết định phê duyệt chiến lược phát triển giáo dục thành phố từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM và ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố tặng Bằng khen cho cán bộ, giáo viên đạt Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023.
Bà Nguyễn Thị Lệ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TPHCM và ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố tặng Bằng khen cho cán bộ, giáo viên đạt Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023.

Theo đó, mục tiêu phát triển giáo dục và đào tạo của thành phố từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 là xây dựng nền giáo dục tiên tiến, hiện đại, hội nhập, trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực châu Á, bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển giáo dục và chất lượng giáo dục.

Song song đó, xây dựng xã hội học tập, khuyến khích và tạo điều kiện công bằng, thuận lợi để mọi người dân được học tập suốt đời, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội và hội nhập quốc tế. Ngành giáo dục và đào tạo TPHCM đạt trình độ tiên tiến của khu vực châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến thế giới vào năm 2045.

Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức ngày hội giao lưu học sinh tiểu học TP năm học 2023-2024 với chủ đề "Em yêu Sử Việt".
Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức ngày hội giao lưu học sinh tiểu học TP năm học 2023-2024 với chủ đề "Em yêu Sử Việt".

Mục tiêu đến năm 2025

TPHCM đặt mục tiêu đến năm 2025 tiếp tục giảm tối thiểu bình quân 10% đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021. Chấm dứt số hợp đồng lao động không đúng quy định trong các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các đơn vị bảo đảm tự chủ tài chính).

Bên cạnh đó, TPHCM cũng tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2016-2020.

Mục tiêu đến năm 2030

TPHCM đảm bảo 60% trường mầm non, 80% trường tiểu học, 70% trường THCS và 50% trường THPT công lập đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp đạt chuẩn quốc gia.

Mỗi quận, huyện, TP Thủ Đức có ít nhất 2 trường ở mỗi cấp học thực hiện chương trình chất lượng cao "Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế".

Ngoài ra, thành phố có ít nhất 10 trường THPT, THPT chuyên có điều kiện cơ sở vật chất hiện đại, chất lượng dạy học đạt các tiêu chí trường chất lượng cao, 100% trường học trên địa bàn phấn đấu xây dựng theo mô hình trường học thông minh, xây dựng mới 4 trường phổ thông nhiều cấp học chất lượng cao tại TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh và Củ Chi.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, thành phố cũng đặt mục tiêu 100% trường tiểu học, 70% trường THCS dạy và học 2 buổi/ngày, có từ 80% trường THPT trở lên ở mỗi quận, huyện, TP Thủ Đức dạy và học 2 buổi/ngày.

Hoạt động trải nghiệm của trẻ Trường mầm non Hương Nắng Hồng (TP Thủ Đức).

Hoạt động trải nghiệm của trẻ Trường mầm non Hương Nắng Hồng (TP Thủ Đức).

Trong đó, 80% học sinh THPT có thể thông thạo giao tiếp, tiếp cận học tập bằng ngoại ngữ (tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ); 100% học sinh tốt nghiệp THPT có trình độ ứng dụng công nghệ thông tin cơ bản, 50% học sinh có trình độ tin học đạt chuẩn quốc tế.

Mỗi học sinh phổ thông biết chơi ít nhất một môn nghệ thuật, nhạc cụ và luyện tập ít nhất một môn thể thao.

Về đội ngũ giáo viên, thành phố sẽ xây dựng chính sách thu hút nhân tài, đội ngũ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi vào làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, năng động, sáng tạo, có tư duy đổi mới và có tầm nhìn chiến lược.

Trong đó, 100% giáo viên mầm non tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, trên 85% giáo viên mầm non có trình độ cử nhân thuộc ngành giáo dục mầm non; 100% giáo viên tiểu học, THCS và THPT có trình độ cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên (hoặc tương đương) trở lên; 40% giáo viên THPT có trình độ thạc sĩ chuyên ngành.

Về trình độ tin học, ngoại ngữ, 100% cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên được đào tạo, bồi dưỡng năng lực, kỹ năng số từ cơ bản đến nâng cao; 80% giáo viên đạt chuẩn mức độ 2 khung năng lực số, đáp ứng mục tiêu chuyển đổi số; 60% giáo viên thành thạo giao tiếp và tiếp cận học liệu bằng ngoại ngữ (tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ).

Tiết học của học sinh Trường tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức).

Tiết học của học sinh Trường tiểu học Lê Văn Việt (TP Thủ Đức).

Về tầm nhìn đến năm 2045

TPHCM phấn đấu có 20% trường mầm non công lập đảm bảo điều kiện tự chủ, 10% trường hiện chương trình chất lượng cao “Trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” và 80% trường mầm non công lập đạt chuẩn quốc gia.

Tương tự, với giáo dục nghề nghiệp, đến năm 2045, thành phố đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cao, trở thành địa phương phát triển hàng đầu về giáo dục nghề nghiệp trong nước, khu vực ASEAN và bắt kịp trình độ tiên tiến của thế giới, có năng lực cạnh tranh vượt trội ở một số lĩnh vực, ngành nghề đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.