Chiến lược phát triển Giáo dục: Cần hoàn thiện hệ thống pháp luật

GD&TĐ - "Dự thảo Chiến lược phát triển Giáo dục giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045” vừa được thông qua đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn đọc.

Ảnh minh họa: Minh Thịnh
Ảnh minh họa: Minh Thịnh

Nhà giáo Cầm Văn An – Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị, nguyên Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La cho rằng: Cần nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật giáo dục nói riêng nhằm góp phần đảm bảo thống nhất, đồng bộ.

Xuất phát từ quan điểm của Đảng

Trong Dự thảo Chiến lược phát triển Giáo dục giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (Dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục) xác định nhóm nhiệm vụ giải pháp thứ nhất: “Hoàn thiện thể chế”. Trong đó, có nêu nhiệm vụ “cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật giáo dục”. Dưới góc độ của nhà giáo từng làm công tác quản lý, tôi cho rằng cần điều chỉnh nhiệm vụ đó thành: “Cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và hệ thống pháp luật giáo dục nói riêng”. Điều này xuất phát từ một số lý do:

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm, giai đoạn 2021 - 2030 tiếp tục thực hiện quan điểm “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người”. Trong đó, có xác định nhiệm vụ “Xây dựng đồng bộ thể chế, chính sách để thực hiện có hiệu quả chủ trương GD&ĐT cùng với khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, động lực then chốt để phát triển đất nước”. (Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII tập II, NXB Sự thật. H. 2021, tr 136).

Do vậy,  xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật là việc làm tất yếu và thường xuyên. Mục tiêu để đáp ứng yêu cầu của công cuộc đổi mới và xu thế phát triển của xã hội.

Để thực hiện có hiệu quả quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển giáo dục, Dự thảo Chiến lược phát triển Giáo dục đã xác định nhiệm vụ trong thời gian tới cần xây dựng các văn bản luật mới. Đơn cử như: Luật học tập suốt đời, Luật nhà giáo; sửa đổi Luật Giáo dục… Đó là những vấn đề hết sức cần thiết để Luật Giáo dục, pháp luật giáo dục nói chung thực sự đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao.

Đảng xác định “Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu” và nguyên lý “giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội” (Điều 3 - Luật Giáo dục 2019). Như vậy, ngoài việc cần ban hành các văn bản luật mới như Dự thảo Chiến lược Giáo dục đã đề ra, chúng ta cần nghiên cứu bổ sung các văn bản luật hiện hành (không chỉ pháp luật giáo dục). Làm vậy để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, rõ ràng trong cả hệ thống pháp luật.

Khi xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, “Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục” (Điều 37, Hiến pháp năm 2013) đòi hỏi phải tăng cường hiệu quả mối quan hệ Nhà trường – Gia đình – Xã hội. Do đó phải xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, gia đình học sinh được cụ thể như thế nào? Trách nhiệm đó quy định tại Điều 90, 91, 94 trong Luật Giáo dục song chưa được cụ thể hóa trong các văn bản luật và văn bản hướng dẫn khác.

Vì thế các tổ chức, cá nhân rất khó khi thực hiện trách nhiệm đó trong thực tiễn, nên đòi hỏi phải quy định cụ thể. Nhưng những quy định đó lại thuộc phạm vi điều chỉnh của nhiều văn bản luật khác trong hệ thống pháp luật, như: Luật Giáo dục, Bộ luật Lao động, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức…

Một giờ giải lao của cô trò Trường Dân tộc Nội trú tỉnh Điện Biên. Ảnh: Minh Thịnh
Một giờ giải lao của cô trò Trường Dân tộc Nội trú tỉnh Điện Biên. Ảnh: Minh Thịnh

Thực tiễn hệ thống pháp luật hiện nay

Trước yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi sự phối hợp giữa Nhà trường - Gia đình – Xã hội phải có bước tiến cao hơn, cụ thể hơn. Trong khi đó, hệ thống pháp luật vẫn bộc lộ một số bất cập. Nhiều điểm chưa đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, không ít nội dung liên quan đến chủ trương, quan điểm trong Luật Giáo dục chưa được cụ thể, luật hóa ở các văn bản luật liên quan khác. Có thể kể đến, như:

Điều 90, 91 của Luật Giáo dục quy định trách nhiệm của gia đình, cha mẹ học sinh trong việc phối hợp với nhà trường. Tuy nhiên, cùng với những bất cập trong nhận thức của gia đình, phụ huynh về vấn đề này thì quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của gia đình trong phối hợp chưa được thể hiện trong các văn bản luật. Đảng ta xác định trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phải: Chú trọng hơn giáo dục đạo đức, nhân cách, năng lực sáng tạo cho học sinh. Nhưng nhiều gia đình chỉ quan tâm đến việc “Con học giỏi không? Có ngoan không?”.

Nhiều người ít quan tâm xem cần giáo dục con như thế nào, cần phối hợp nhà trường giáo dục ra sao? Ví dụ: Khi có bạo lực trong học sinh (kể cả ngoài trường), giáo viên có khi bị kỷ luật, song cha mẹ và các tổ chức, đơn vị trên địa bàn đó không bị ràng buộc trách nhiệm bởi các chế tài nào của pháp luật. Do vậy, nên có quy định, ràng buộc trách nhiệm của cha mẹ, người giám hộ trong quy định của Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức trong việc giáo dục con cái, phối hợp với nhà trường.

Thực hiện Điều 90, 91 của Luật Giáo dục 2019 (sự phối hợp với nhà trường của cha mẹ, hoặc người giám hộ học sinh). Điều này chưa được thể chế hóa thành quyền năng trong Bộ luật Lao động. Do đó, hiện cha mẹ hay người giám hộ chỉ có thể đi họp phụ huynh hoặc tham gia các hoạt động phối hợp với nhà trường vào ngày nghỉ (hoặc phải nghỉ việc không lương). Vậy nên chăng cần bổ sung nội dung nghỉ việc riêng tại Điều 115 của Bộ luật Lao động về việc cha mẹ có quyền, nghĩa vụ đi họp phụ huynh. Nghĩa là họ đi thực hiện các hoạt động phối hợp với nhà trường liên quan đến việc giáo dục học sinh.

Trên cơ sở một số phân tích trên đây, tôi cho rằng trong nhiệm vụ của “Dự thảo Chiến lược phát triển Giáo dục giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” cần xác định “phải hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung và thống pháp luật giáo dục nói riêng”. Từ đó, nhằm góp phần đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật giúp cho quan điểm, chủ trương của Đảng “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu” thực sự đi vào cuộc sống và hiệu quả cao. - Nhà giáo Cầm Văn An

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

VFF nhận án phạt từ AFC với những sai phạm ở vòng loại U17 nữ châu Á 2024.

VFF bị phạt

GD&TĐ - Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) quyết định phạt 10.000 USD với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).

Hình ảnh cửa ô Quan Chưởng xưa trong kho sưu tập của Viện Thông tin Khoa học xã hội.

Hà Nội có bao nhiêu cửa ô?

GD&TĐ - Các cửa ô là một phần lịch sử của Hà Nội, và người nay khi nhắc tới 36 phố phường thì cũng thường nhắc tới 5 cửa ô.

Màng bảo quản thực phẩm từ hạt nhãn

Màng bảo quản thực phẩm từ hạt nhãn

GD&TĐ - Màng bảo quản thực phẩm phân hủy sinh học sử dụng chiết xuất polyphenol giàu hoạt tính sinh học từ hạt nhãn, kết hợp với các phụ gia hữu cơ.

Các trò chơi team building có thể thiết kế phù hợp với độ tuổi của trẻ. Ảnh minh họa: INT

Học thông qua chơi

GD&TĐ - Có thể tham khảo các trò chơi mang tính đồng đội để rèn luyện trí não, tư duy và tinh thần đoàn kết cho trẻ. 

Ảnh minh họa ITN.

Luyện trẻ mầm non làm việc nhóm

GD&TĐ - Để trẻ mầm non có thể rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, không gì tốt hơn là cho trẻ trải nghiệm trong các hoạt động có tổ chức.