Chiến dịch tiêm vắc - xin phòng Covid-19 ở "vùng lõm"

GD&TĐ - Hạn chế về cơ sở hạ tầng; cách trở giao thông; một bộ phận bà con nhận thức hạn chế, chưa hiểu, chưa tin tưởng dẫn đến không tiêm hoặc trì hoãn tiêm.

“Nơi nào dễ làm trước, người nào đồng ý tiêm trước” là phương châm được nhiều địa bàn tại Điện Biên thực hiện để “gỡ” khó tiêm vắc-xin Covid-19.
“Nơi nào dễ làm trước, người nào đồng ý tiêm trước” là phương châm được nhiều địa bàn tại Điện Biên thực hiện để “gỡ” khó tiêm vắc-xin Covid-19.

Hàng loạt khó khăn đặc thù ở những “vùng lõm” tiêm chủng tại Điện Biên, khiến “chiến dịch” bao phủ vắc-xin Covid-19 ở địa phương này thêm bội phần gian khó…

“Rào cản” đặc thù

Thống kê của ngành Y tế Điện Biên, đến ngày 27/10, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho đối tượng trên 18 tuổi tại địa phương đạt 91,5%. Tuy nhiên, con số này tại 3 huyện biên giới, vùng cao: Điện Biên Đông, Mường Nhé và Nậm Pồ lại đạt thấp. Trong đó, Điện Biên Đông đạt 75,4%; Mường Nhé 75,9% và huyện Nậm Pồ gần 89%.

Theo phân tích từ cơ quan chuyên môn, nguyên nhân chủ yếu do nhân thức hạn chế của một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở các địa bàn vùng cao, biên giới. Đa phần người dân lo lắng tiêm vắc-xin xong sẽ bị ốm, mệt không đi làm được nên chần chừ, trì hoãn tiêm.

Huyện biên giới Nậm Pồ là địa bàn được ưu tiên phân bổ vắc-xin để tiêm cho đồng bào dân tộc thiểu số, nhân dân giáp biên. Song quá trình triển khai, vận động người dân tham gia lại gặp nhiều khó khăn đặc thù.

Theo ông Nguyễn Xuân Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện thì không chỉ tâm lý lo lắng bị ốm, mệt mỏi sau tiêm mà do nhiều địa bàn các bản xa trung tâm xã, người già, người nghèo không có phương tiện đi lại. Họ ngại đi bộ mấy chục cây số về xã để tiêm. Trong khi đó, nhân lực y tế, trang thiết bị của huyện có hạn, không thể bố trí các kíp về từng bản để tiêm được.

Tại huyện Điện Biên Đông, ông Mùa A Vảng, Bí thư Huyện ủy cho biết: Ngay từ khi triển khai chiến dịch tiêm đã gặp phải nhiều trở ngại do người dân nhận thức chưa đúng về lợi ích của vắc-xin. Tâm lý hoang mang, lo lắng sau tiêm bị ốm, sốt, không lao động, sản xuất được… khiến nhiều người đã đăng ký nhưng đến ngày lại trì hoãn hoặc lý do đi nương nên không đến.

“Không phải riêng với vắc-xin Covid-19 mà đây là khó khăn chung mang tính đặc thù từ trước tới nay của nhiều địa phương vùng khó. Đặc biệt là tại một số xã có người dân theo tôn giáo, rất khó để triển khai. Mặc dù chính quyền, các lực lượng tại địa phương đã đến tận nơi, tuyên truyền nhiều lần nhưng một số bà con vẫn một mực không đồng ý” - ông Vảng cho hay.

Đơn cử tại xã Háng Lìa, theo chia sẻ của ông Vàng A Dia, Chủ tịch UBND xã thì hiện vẫn còn riêng 1 nhóm đạo tại bản Huổi Va A, với gần 20 người chưa tiêm.

“Riêng nhóm này chúng tôi đã tổ chức truyền thông, giải thích, vận động tới 4 lần rồi nhưng vẫn không được. Lý do họ đưa ra là dịch mới xuất hiện tại địa phương, trong khi vắc-xin mới triển khai không biết thế nào. Họ cũng nghe thông tin trái chiều rồi e ngại vắc-xin Trung Quốc. Không còn cách nào khác chúng tôi phải lập biên bản để có cơ sở báo cáo lên cấp trên và trưởng nhóm đạo này sẵn sàng ký xác nhận”, ông Dia nói.

Nơi nào dễ làm trước

Hệ thống loa phát thanh bản hoạt động tối đa công suất đã phát huy hiệu quả tại xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông.
Hệ thống loa phát thanh bản hoạt động tối đa công suất đã phát huy hiệu quả tại xã Háng Lìa, huyện Điện Biên Đông.

Mặc dù ở khu vực thuận lợi nhất xã Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông), song ngay đợt đầu triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 tại bản Trung tâm đã gặp vướng mắc. Ông Giàng A Thái, Chủ tịch UBND xã tâm sự: “Trước khi triển khai, chúng tôi thực hiện rất bài bản, nhất là công tác truyền thông sâu rộng, để mọi người dân đều nắm, hiểu được lợi ích của việc tiêm. Khi chúng tôi cho đăng ký thì 100% người dân trong độ tuổi đồng ý. Thế mà đến ngày tiêm lại không một ai có mặt”.

Để “chữa cháy” cho “sự cố” trên, ngay lập tức xã đã bố trí tổ chức luân chuyển số vắc-xin được cấp cho 1 bản khác. “Khó khăn lắm mới có vắc-xin, nếu để lỡ phải chuyển sang địa bàn khác thì mất quyền lợi của bà con. Vì thế chúng tôi phải linh hoạt và ưu tiên bản có sự đồng thuận cao, người đứng đầu có uy tín, nói dân nghe, dân tin” – ông Thái giãi bày.

Còn tại xã Háng Lìa – theo ông Vàng A Dia, Chủ tịch UBND xã thì phương án tiêm vắc-xin được xã xây dựng linh hoạt theo hoàn cảnh cụ thể. Cho đến nay địa phương đã hoàn thành đợt tiêm thứ 8, với độ phủ mũi 1 trên 90% người trong độ tuổi và hiện đang tiếp tục chuẩn bị cho đợt thứ 9.

“Chủ trương chung là mỗi bản tiêm trong 1 ngày, nhưng sau nhiều đợt tiêm chúng tôi đã rút kinh nghiệm, không máy móc triển khai theo kiểu cuốn chiếu. Phương châm là nơi nào dễ làm trước, người nào đồng ý tiêm trước” – ông Dia cho hay.

Lý do cho điều này, đại diện nhiều địa phương vùng khó cho hay, để đảm bảo các điều kiện theo quy định, địa điểm tiêm phải đặt tại Trạm Y tế trung tâm xã. Trong khi bà con trên địa bàn lại sinh sống rải rác, nhiều bản cách xa trung tâm hàng chục cây số, 100% là đường đất. Chiến dịch tiêm triển khai vào giữa mùa mưa nên để bà con tập trung về trung tâm xã tiêm hết, tiêm gọn như mong muốn là không thể.

“Vì thế, khi triển khai truyền thông, cho đăng ký thì chúng tôi làm đồng bộ cho 100% bản, 100% hộ dân. Nhưng khi có vắc-xin, xã phải thống nhất với bên y tế, dù vất vả chút nhưng cứ người dân nào đến là triển khai tiêm để đảm bảo quyền lợi của bà con” – ông Thái nói.

Dồn tổng lực

Bản Huổi Va B, là một trong những địa bàn hoàn thành tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người trên 18 tuổi sớm nhất xã Háng Lìa. Theo chia sẻ của Trưởng bản Giàng A Sá thì ngay trong đợt đầu, bản cũng gặp nhiều vướng mắc, người dân chưa đồng thuận. Thế nhưng quan điểm của ông Sá: Cấp nào cũng có trách nhiệm của cấp đó, việc cơ sở thì trước tiên cơ sở phải giải quyết.

“Lúc đầu có trường hợp 2 cụ già gần 70 tuổi, mặc dù không có bệnh nền, đảm bảo đủ điều kiện nhưng nhất quyết không đi tiêm. Khi đến nhà hỏi lý do thì ông bà bảo là già rồi, không đi đâu xa mà lây bệnh nên không cần tiêm.

Chúng tôi phải giải thích là mình không đi đâu, nhưng sẽ có người khác đến. Chẳng may họ mắc bệnh, mình tiếp xúc rồi lây bệnh thì với điều kiện y tế khó khăn ở địa phương việc chữa trị kịp thời là rất khó. Nghe vậy, hôm sau các cụ đồng ý đi tiêm luôn” – ông Sá kể.

Cũng theo ông Sá, hệ thống loa phát thanh bản cũng hoạt động tối đa công suất trong chiến dịch này. Vừa truyền thông, giải thích về quyền, lợi ích của vắc-xin; thông báo lịch, thủ tục tiêm; khuyến cáo bà con những việc cần làm và không nên trước, sau tiêm. Sau mỗi buổi tiêm, người dân nào vắng mặt đều được thông báo, nhắc nhở trên loa để nhớ, thực hiện.

“Lúc đầu bà con còn lý do là bận đi nương. Nhưng tôi bảo, đi nương là việc cả đời, nay không làm thì mai làm. Nhà nước chỉ miễn phí tiêm chủng cho đợt này, bà con mà không đi, mất quyền lợi thì sau mất tiền chưa chắc đã tiêm được. Khi bà con nghe ra thì ai cũng đồng thuận đến tiêm hết” - ông Sá nói.

Do 5/7 bản có hệ thống loa phát thanh, nên xã Háng Lìa đã phát huy tối đa hệ thống truyền thông cơ sở để cập nhật, triển khai thông tin đến bà con. “Chúng tôi liên tiếp xây dựng bài truyền thông chuyển đến các bản để phát thanh cho bà con. Còn lại 2 bản không có hệ thống loa thì phân lực lượng, bố trí đoàn công tác đến trực tiếp địa bàn để tuyên truyền” - Chủ tịch UBND xã Vàng A Dia cho hay.

Không có thuận lợi như xã Háng Lìa, theo ông Giàng A Thái, chính quyền xã Tìa Dình đã phân công 15 đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ xã và 10 công chức xã phụ trách việc tiêm chủng của 10/10 bản. Mỗi đồng chí được gắn trách nhiệm, kết quả tiêm chủng tại địa bàn phụ trách và báo cáo tình hình mỗi ngày để có chỉ đạo, điều chỉnh kịp thời.

“Mỗi buổi tiêm, chúng tôi không khoán hết cho lực lượng y tế mà cắt cử ít nhất 4 cán bộ địa phương có mặt tại điểm tiêm. Nhiệm vụ là hướng dẫn, hỗ trợ, giải thích, động viên tinh thần bà con để yên tâm tiêm. Nhìn thấy cán bộ của mình ở đấy thì bà con cũng yên tâm, phấn khởi hơn. Riêng bản Trung tâm, mới đầu vướng mắc thế nhưng khi hiểu ra được rồi thì đã hoàn thành tiêm rất gọn trong đợt thứ 7 vừa qua” – ông Thái bộc bạch.

Với mục tiêu 100% người dân trong độ tuổi đều được tiêm, cũng như các địa phương khác, huyện Nậm Pồ đã chỉ đạo mỗi địa bàn thành lập một tổ công tác phối hợp cùng lực lượng y tế về thôn, bản để tuyên truyền, giải thích và vận động người dân. Ngoài thành viên tổ Covid-19 cộng đồng còn có đoàn viên, hội viên của Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ các thôn, bản cùng tham gia.

“Đây không phải nhiệm vụ của cấp, ngành nào mà là chiến dịch chung. Địa phương sẽ nắm bắt từng vướng mắc của bà con để phân chia lực lượng tháo gỡ. Khi triển khai tiêm, đoàn viên thanh niên chủ động về từng bản đón người già, phụ nữ đến điểm tiêm tại trung tâm xã; hội viên phụ nữ hướng dẫn, hỗ trợ hoàn thiện thủ tục tiêm…

Với sự chuyển biến này thì trừ số công dân đi làm xa, vắng mặt trên địa bàn, tới đây Nậm Pồ sẽ hoàn thành tiêm cho 100% dân số trong độ tuổi ở địa phương” – ông Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ