Chia sẻ định hướng đổi mới Trung tâm học tập cộng đồng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Sau hơn 20 năm hình thành và hoạt động, cần đánh giá thực trạng các Trung tâm học tập cộng đồng cũng như có định hướng đổi mới trong thời gian tới.

Hội thảo “Phát triển hệ thống trung tâm học tập cộng đồng: Thực trạng và định hướng đổi mới” tại TP Vinh, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài.
Hội thảo “Phát triển hệ thống trung tâm học tập cộng đồng: Thực trạng và định hướng đổi mới” tại TP Vinh, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài.

Sáng 15/12, tại Nghệ An, Ủy ban về Giáo dục và Phát triển nhân lực, Hội đồng quốc gia về phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh tổ chức Hội thảo “Phát triển hệ thống trung tâm học tập cộng đồng: Thực trạng và định hướng đổi mới”.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng chủ trì hội thảo. Cùng dự có đại diện các bộ, ban, ngành liên quan, các đại học, trường đại học, cao đẳng; lãnh đạo hội khuyến học các tỉnh thành trên cả nước và các nhà nghiên cứu, chuyên gia quản lý về Trung tâm học tập cộng đồng.

Về phía tỉnh Nghệ An có ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cùng lãnh đạo các huyện, thành, thị trong tỉnh.

Nhìn nhận về thực trạng và thay đổi vai trò, sứ mệnh

Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI đã chỉ rõ mục tiêu của giáo dục thường xuyên là bảo đảm cơ hội cho mọi người. Nhất là ở vùng nông thôn, vùng khó khăn, các đối tượng chính sách được học tập nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng chuyên môn nghiệp vụ và chất lượng cuộc sống. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi để người lao động chuyển đổi nghề; bảo đảm xóa mù chữ bền vững; hoàn thiện mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên và các hình thức học tập, thực hành phong phú, linh hoạt, coi trọng tự học và giáo dục từ xa. Những mục tiêu này đạt được cũng chính là Việt Nam đã đạt được những Mục tiêu Phát triển bền vững - SDG đã đăng ký và cam kết với quốc tế.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hồ Lài.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hồ Lài.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng đánh giá, hệ thống các trung tâm học tập cộng đồng chính là mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên, góp phần thúc đẩy xã hội học tập từ cơ sở. Có thể thấy, phát triển hệ thống trung tâm học tập cộng đồng là vấn đề quan trọng đối với việc thúc đẩy hình thành xã hội học tập và phong trào học tập suốt đời, là mô hình quan trọng trong trong giáo dục và học tập của người lớn.

Xu thế của thế giới nói chung ở các quốc gia đều hướng tới phát triển mô hình các trung tâm học tập cộng đồng tại cơ sở. Năm 2023, cả nước có hơn 10.000 trung tâm học tập cộng đồng, đạt tỷ lệ 98,98% xã/phường/thị trấn.

Tuy nhiên, đứng trước xu thế phát triển của xã hội, vai trò của mô hình TTHTCĐ trong việc xây dựng xã hội học tập, xây dựng nông thôn mới, chất lượng của các chương trình giáo dục thường xuyên cần có nội dung thiết thực.

Các đại biểu là đại diện các bộ, ban, ngành trung ương; đại học, trường đại học; chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và lãnh đạo nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ảnh: Hồ Lài.

Các đại biểu là đại diện các bộ, ban, ngành trung ương; đại học, trường đại học; chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và lãnh đạo nhiều tỉnh thành trên cả nước. Ảnh: Hồ Lài.

Có thể thấy như nhận thức về vị trí, vai trò, sứ mệnh, bản chất cũng như chức năng nhiệm vụ của TTHTCĐ còn hạn chế ở một số địa phương. Cơ chế, chính sách phát triển các TTHTCĐ còn hạn chế như thiếu các chính sách về cơ cấu tổ chức hoạt động hiệu quả, chính sách chế độ cho cán bộ quản lý, giáo viên, báo cáo viên...

Việc đào tạo, bồi dưỡng nhân lực cho việc vận hành triển khai hoạt động của TTHTCĐ tại địa phương chưa được quan tâm. Chất lượng hiệu quả hoạt động của các TTHTCĐ cũng không được đo lường, đánh giá để có chính sách đầu tư, phát triển. Việc xã hội hóa, huy động nguồn lực của xã hội, trong đó có các tổ chức, cá nhân hỗ trợ cho mô hình TTHTCĐ còn nhiều hạn chế (trong khi đó, các quỹ khuyến học dòng họ lại tự phát triển mạnh mẽ).

Lớp học tiếng Anh miễn phí cho bà con dân tộc thiểu số làm du lịch cộng đồng tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài.

Lớp học tiếng Anh miễn phí cho bà con dân tộc thiểu số làm du lịch cộng đồng tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông, Nghệ An. Ảnh: Hồ Lài.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh các vấn đề đặt ra ở trên cần được thảo luận kỹ và được làm rõ. Các kinh nghiệm quốc tế cũng cần được xem xét học hỏi, làm cơ sở quan trọng để định hướng xây dựng chính sách đổi mới và phát triển hệ thống TTHTCĐ nhằm xây dựng xã hội học tập và thúc đẩy học tập suốt đời hiệu quả.

Hội thảo này là cơ hội để các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia chia sẻ những kinh nghiệm quý báu trong việc triển khai thực tiễn, nghe thêm kinh nghiệm quốc tế để hình thành định hướng xây dựng chính sách dài hạn trong thời gian tới.

Trong 10 năm qua (2013 -2023), hệ thống TTHTCĐ đã thực hiện xóa mù chữ và các chương trình giáo dục đáp ứng nhu cầu học tập cho hơn 150 triệu lượt người lớn. Tính riêng, trong năm học 2022-2023, số lượt người học tham gia các lớp chuyên đề phổ biến cập nhật kiến thức, kỹ năng và các lớp bồi dưỡng thường xuyên khác tại TTHTCĐ là hơn 16 triệu lượt người học. Thông qua hình thức học tập thường xuyên đã có hàng trăm triệu lượt người được học tập theo hình thức giáo dục thường xuyên không hướng tới lấy văn bằng, chứng chỉ của hệ thống giáo dục quốc dân.

Từ khóa then chốt "vì cộng đồng, do cộng đồng"

Tại hội thảo, ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An giới thiệu khái quát về tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội và truyền thống hiếu học của địa phương. Những năm qua, tỉnh cũng đã kiên trì triển khai đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo bồi dưỡng tài năng trẻ, tập trung triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục theo hướng hiện đại hội nhập.

Ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Hồ Lài.

Ông Bùi Đình Long - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu ý kiến tại hội thảo. Ảnh: Hồ Lài.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An mong muốn, hội thảo sẽ có những đóng góp quan trọng giúp cho các tỉnh định hướng cho TTHTCĐ hoạt động hiệu quả, góp phần xây dựng xã hội học tập. Qua đó thực hiện thành công Nghị quyết 29 của Đảng; Luật Giáo dục 2019 góp phần phát triển phẩm chất, năng lực người học đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế.

Với chủ đề “Phát triển hệ thống trung tâm học tập cộng đồng: Thực trạng và định hướng đổi mới”, các đại biểu tại hội thảo đã trao đổi, góp ý kiến nhiều vấn đề. Trong đó tập trung vào thực trạng tình hình hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng tại các địa phương cả về thành tựu, hạn chế và các khó khăn. Xem xét kinh nghiệm về mô hình các TTHTCĐ của một số quốc gia trên thế giới. Đề xuất định hướng đổi mới mô hình hoạt động các TTHTCĐ sao cho hiệu quả, phù hợp với Luật Giáo dục năm 2019, đáp ứng các mục tiêu xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời và các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Đề xuất các giải pháp chính sách giúp đổi mới và phát triển hệ thống TTHTCĐ tại Việt Nam trong giai đoạn mới.

Đại biểu đóng góp ý kiến về phát triển hệ thống trung tâm học tập cộng đồng trong bối cảnh mới. Ảnh: Hồ Lài.

Đại biểu đóng góp ý kiến về phát triển hệ thống trung tâm học tập cộng đồng trong bối cảnh mới. Ảnh: Hồ Lài.

Khép lại hội thảo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng một lần nữa đã khẳng định vai trò quan trọng của TTHTCĐ. Tuy nhiên, sau hơn 20 năm hình thành và phát triển cần đánh giá lại thực trạng hoạt động TTHTCĐ, sự thay đổi giữa các cũ và cái mới. Sứ mệnh của TTHTCĐ là gì và trước yêu cầu thực tiễn hiện nay cần bổ sung, thay đổi yêu cầu gì. Các nhóm nội dung tại hội thảo đã mở ra các vấn đề tiếp tục thảo luận, nghiên cứu đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả TTHTCĐ trong thời gian tới.

Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng từ khóa then chốt nhất là “vì cộng đồng, do cộng đồng" quyết định. Từ khóa này sẽ chi phối từ sứ mệnh, hoạt động của TTHTCĐ đến công tác phối hợp. Trong đó, cần gắn với sự hỗ trợ của nhà nước để phát huy vai trò, nhưng phải huy động sự chung tay của cả cộng đồng thực hiện.

Đơn cử nếu đặt vấn đề phải có trụ sở, xây đất, biên chế thì rất khó khăn, mà phải lồng ghép chương trình mục tiêu quốc gia và tham gia sáng tạo cộng đồng. Tinh thần cốt lõi phải là TTHTCĐ mở, thân thiện, linh hoạt, chứ không phải là trung tâm hoạt động độc lập, riêng lẻ. Về kiểm định, đánh giá phải là trách nhiệm, vai trò của cộng đồng các trường trường đại học. Như vậy mới có nhiều liên kết với doanh nghiệp, tập đoàn… không phải để phục vụ cho doanh nghiệp mà quay lại phục vụ cho cộng đồng. Đó cũng là thực hiện 4 trụ cột mục đích giáo dục mà UNESCO đã đề xướng: "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình".

Hội thảo là cơ hội để các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia gặp gỡ, trao đổi các vấn đề phát triển trung tâm học tập cộng đồng giai đoạn mới. Ảnh: Hồ Lài.

Hội thảo là cơ hội để các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, chuyên gia gặp gỡ, trao đổi các vấn đề phát triển trung tâm học tập cộng đồng giai đoạn mới. Ảnh: Hồ Lài.

Mô hình TTHTCĐ cũng như phương pháp, sứ mệnh, nội dung hoạt động hết sức linh hoạt, đa dạng, phù hợp với đặc điểm đặc trưng văn hóa, kinh tế xã hội vùng miền. Tuy nhiên vai trò quản lý ngày càng phải chuyên trách, chuyên sâu hơn.

Về giải pháp trong thời gian tới, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề cập đến 4 nhóm cơ bản: thứ nhất, đổi mới về nhận thức; thứ 2, đổi mới về cơ chế chính sách; thứ 3, tổ chức hoạt động; thứ 4, huy động nguồn lực và thứ 4 là về giải pháp về thể chế phối hợp hoạt động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.