Trong chuyến hành trình từ Quảng Ngãi lên Kon Tum, trên đoạn đường đi qua xã Ba Tô (Ba Tơ, Quảng Ngãi), chúng tôi tò mò bởi những mái nhà nhỏ ở lưng chừng trên bìa rừng. Chúng được làm giống như nhà của người H’re, nhưng lạ là trước nhà nào cũng cắm cọc gỗ, phía trên là đầu trâu, đầu heo.
Dò hỏi một người đàn ông đang chăn bò gần đó, tên Phạm Văn Quin (thôn Trà Nô, xã Ba Tô). ông Quin cho biết, đó không phải là nhà ở mà là nhà mộ của người chết.
Khi chúng tôi thắc mắc nhà mộ mà lại có đầu trâu rồi có cả chảo truyền hình cáp, ông Phạm Văn Quin giải thích: "Đó là những đồ được chia cho người chết để sang thế giới bên kia làm ăn và sinh sống".
Những ngôi nhà của người chết trên nghĩa địa. |
Biết chúng tôi muốn tìm hiểu thêm về tục lệ này, ông Quin giới thiệu cho chúng tôi già làng Đinh Văn Trị (ở thôn Măng Lùn 2, xã Ba Tô), là người am hiểu về văn hóa H’re.
Theo già làng Trị, người H"re thường sử dụng hai loại hòm cho người chết. Đối với những gia đình giàu có sẽ mua hòm được làm từ lõi cây ké (loại cây quý hiếm) có giá trị bằng một con trâu, còn với những gia đình không có điều kiện sẽ sử dụng loại hòm do người Kinh làm.
Với người H"re, người chết chôn càng sớm càng tốt mà không cần xem ngày tốt ngày xấu. Nhưng trước khi chôn, người chết phải ngủ phép ở nhà một đêm.
Già làng Đinh Văn Trị giải thích: "Làm như thế người chết sẽ không quên nhà mình, khi qua thế giới bên kia họ sẽ nhớ và quay về phù hộ cho gia đình".
Cũng theo già làng, trước khi đặt người chết vào hòm, dù nhà giàu hay nhà nghèo bắt buộc phải làm phép bằng một con heo, nếu gia đình nào có điều kiện có thể làm thêm trâu, bò.
Con heo làm ra sẽ dùng cái đầu để cúng lễ đặt người vào hòm. Để đào huyệt đúng hướng mà con ma mong muốn, gia đình phải làm một con gà trống, nhờ thầy cúng đến xem chân trái con gà để biết.
Thầy cúng sẽ cho biết con ma muốn chôn bên nội hay bên ngoại, muốn hướng về hướng nào. Khoảng thời gian chôn cất bắt buộc phải từ 13 đến 16 giờ, vì thời điểm đó là tốt nhất.
Sau khi chôn, một phần con gà gồm nửa đầu bên trái, mình bên trái và chân bên trái sẽ được đặt trên đĩa để trong nhà mộ hướng về phần đầu người chết. Những đồ còn lại sẽ được chôn dưới đất; còn đầu trâu, bò và heo sẽ được cột vào cọc gỗ và cắm trước nhà mộ.
Già làng Đinh Văn Trị nói về tục lệ của đồng bào mình. |
Nhà mộ sẽ được làm giống như nhà của người H"re đang sống nhưng thu nhỏ. Nhà gồm những cây gỗ được dựng lên làm cột, bên trên lợp bằng ngói.
Trước kia nhà mộ được lợp bằng tranh, tùy theo từng dòng họ mà sẽ có các loại hoa văn khác nhau được trang trí trên cây gỗ. Sau khi đã chôn cất thì gia đình sẽ không còn cúng giỗ nữa. Vì họ cho rằng tài sản mà họ chôn xuống, người chết đủ để làm ăn và sinh sống. Chỉ có dịp lễ tết mới đến thăm viếng.
Chôn theo toàn bộ gia tài cho con độc tôn chết trẻ
Chôn đồ "sống" cho người chết, người H"re gọi là chia gia tài cho người đã chết. Với người H"re dù sống hay chết, ba mẹ vẫn phải chia tài sản công bằng cho con.
Ngoài các đồ dùng sử dụng lúc còn sống như quần áo, mũ nón thì mỗi gia đình dù giàu hay nghèo bắt buộc phải có cái chày (vòng đeo cổ của người H"re), chiếu, gối, chén dĩa, đũa, nồi đồng, con gà, con heo, bên cạnh đó còn phải có một chum đựng gạo, muối và rượu.
Nhiều gia đình còn chôn theo các loại nông sản, trái cây như ớt, chuối, thơm... Nhưng chỉ là vỏ hay là cùi của những quả này vì người H’re cho rằng, thế giới bên kia người ta dùng vỏ để trồng cây chứ không phải là hạt.
Nói về tập tục văn hóa này, ông Phạm Văn Ênh - Trưởng phòng Văn hóa và xã hội xã Ba Tô - cho biết: "Đó là những đồ vật cần có để chia cho người chết. Nếu gia đình nào nghèo khó không đủ điều kiện thì xã sẽ vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ để gia đình làm lễ an táng".
Phần trâu, bò, heo chia cho người chết được chia bên phía trái. "Chúng tôi quan niệm bên trái là bên của người chết, chúng tôi tin là bên trái sẽ giúp họ qua thế giới bên kia làm ăn no đủ hơn", già Trị cho biết thêm.
Ngoài các đồ bắt buộc phải có để chia cho người chết, hiện nay, nhiều gia đình còn chôn theo sách vở, điện thoại, tivi và xe máy... Xe máy được sử dụng lúc còn sống, khi người trong gia đình chết đi, người thân sẽ tháo gỡ từng bộ phận ra rồi đem chôn bên cạnh phần mộ của người chết.
Tivi được để nguyên rồi đêm chôn hướng trên đầu nhà mộ, ăng-ten được treo phía trên mái nhà mộ, nhiều gia đình còn chia cho người chết cả chảo truyền hình cáp.
Đối với những gia đình có đứa con "độc tôn" không may chết sớm thì toàn bộ tài sản trong gia đình sẽ được chia hết cho người chết, vì gia đình này sẽ không có ai để thừa kế.
"Cách đây một tháng, gia đình anh Phạm Văn Thạnh và chị Phạm Thị Ly ở thôn Trà Nô có con trai Phạm Thanh Thuận (18 tuổi) mất sớm, toàn bộ số tài sản trong gia đình gồm xe máy, tivi, điện thoại được gia đình chia hết cho đứa con duy nhất.
Người H"re quan niệm rằng, phần mộ của gia đình, dòng họ nào sung túc đầy đủ thì gia đình đó sẽ làm ăn giàu có hơn. Do vậy, họ không tiếc của với người chết" - Già Trị cho biết.
Chia cho người đã khuất càng phải công bằng
Theo quan niệm của người H"re, nếu không được chia đầy đủ gia tài hay chôn thiếu các đồ vật người chết cần, thì hai ngày khi chôn xong, con ma của người chết sẽ trở về nhà đòi. Con ma sẽ gõ vào đồ vật mình muốn phát thành tiếng cho gia đình biết, có khi họ làm rơi đồ vật đó xuống đất để báo hiệu.
Già làng Đinh Văn Trị kể: "Cách đây hai năm thằng con trai của tôi chết. Nó thích cái bộ bình ly uống trà mà tôi không biết để chôn theo. Một buổi trưa, tôi nghe tiếng lua khua chạy ra xem thử nhưng không thấy ai, chỉ nghe tiếng kêu phát ra từ bộ bình ly. Tôi biết ngay là thằng con trai tôi nó muốn gia đình chôn bộ ly xuống cho nó".
Người H"re quan niệm, gia đình có con chết đi mà chia không công bằng tài sản, người chết sẽ trở về đòi và phá phách, đến khi nào được đáp ứng đầy đủ mới thôi.
Vì sợ con ma trở về phá phách không cho làm ăn nên bà con người H"re từ trước đến nay không bao giờ dám từ chối yêu cầu của người chết. Đây là tục lệ được truyền từ đời này sang đời khác của đồng bào người H"re.
Với quan niệm người chết được chia đầy đủ của cải vật chất, sẽ yên ổn làm ăn ở thế giới bên kia mà không quay về phá phách nên bao đời nay, ở vùng đất này không còn những câu chuyện ma quái kỳ bí, ông ênh lý giải.
Vận động bà con bỏ tục mang rượu trong đám tang Anh Phạm Văn Ách - Trưởng công an xã Ba Tô - nói: Thời gian gần đây, có nhiều người đi đám mang theo rượu đến gia đình người mất để ăn uống, gây mất trật tự. Vì vậy, mấy năm trở lại đây chúng tôi tổ chức tuyên truyền vận động bà con hãy bỏ mang rượu đến đám tang. Thay vào đó bà con đi đám ma hãy mang tiền hay gạo đến để giúp gia đình có người mất đủ điều kiện làm ma chay. |