Tính đến thời điểm này, Bộ GD&ĐT đã tổ chức được 3 đợt (đợt 1 tại Hải Phòng, đợt 2 tại Cần Thơ) triển khai Thông tư 14 và Thông tư 20 đến 63 tỉnh thành phố trong cả nước, giúp các địa phương, cơ sở giáo dục hiểu rõ về chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông và chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông để thực hiện đúng chuẩn.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tập huấn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ biểu dương Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục, Ban quản lý Chương trình ETEP, các chuyên gia của trường Đại học Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), Học viện Quản lý Giáo dục đã nỗ lực, tâm huyết xây dựng hai chuẩn và làm lan toả tinh thần của Thông tư 14 và Thông tư 20 trong thực tiễn.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ phát biểu chỉ đạo tại buổi tập huấn |
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết, trước khi ban hành Thông tư 14 quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông và Thông tư 20 quy định chuẩn nghề nghiệp gíao viên cơ sở giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã tổ chức các hội thảo, tham vấn nhiều ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý đặc biệt là các nhà giáo về các tiêu chuẩn, tiêu chí sao cho phù hợp với thực tiễn giáo dục, đáp ứng đổi mới giáo dục, đào tạo và Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Để triển khai tốt thông tư tại địa phương, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chỉ rõ, cần thống nhất về nhận thức và triển khai cụ thể tại các đơn vị, để cán bộ quản lý, giáo viên tại địa phương mình hiểu rõ tinh thần, mục đích của 2 chuẩn, đó là thực hiện chuẩn không phải để đánh giá thi đua, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ mà để mỗi nhà giáo nhận diện năng lực bản thân, thấy mình thiếu/yếu năng lực gì để quyết tâm thay đổi, tự bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất nhà giáo, mang lại niềm vui, hạnh phúc cho học sinh.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, cùng với việc ban hành Thông tư 14 và Thông tư 20, Bộ GD&ĐT đang xây dựng chương trình bồi dưỡng theo chuẩn. Chương trình ETEP cũng đang xây dựng tài liệu bồi dưỡng GV&CBQLCSGDP. Bộ GD&ĐT đang cố gắng biến quá trình bồi dưỡng thành quá trình tự bồi dưỡng, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo, hỗ trợ GV&CBQLCSGDP tự bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ. Từ việc đánh giá theo chuẩn, mỗi GV&CBQLCSGDP tự xây dựng kế hoạch bồi dưỡng để hoàn thiện mình hơn, để sẵn sàng thay đổi, xây dựng nhà trường hạnh phúc, lớp học hạnh phúc, mang lại niềm vui cho các em học sinh.
Thứ trưởng Độ cho rằng: Đội ngũ nhà giáo, những người trực tiếp tạo nên chất lượng giáo dục, đóng vai trò quyết định cho thành công của công cuộc đổi mới GD&ĐT. Sự sẵn sàng của đội ngũ này, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới góp phần quan trọng xây dựng một nền giáo dục mở, thực học, dạy tốt, học tốt và quản lý tốt.
Để thông tư đi thực sự đi vào cuộc sống, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ chỉ đạo: Ngay sau hội nghị tập huấn này, các địa phương phải tổ chức truyền thông sâu rộng ở tất cả các sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT và các cơ sở giáo dục phổ thông, để tất cả GV, CBQLGD hiểu đúng, hiểu rõ về chuẩn, cùng thống nhất mục đích, ý nghĩa, tầm quan trọng, cách thực hiện chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông, chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục phổ thông.
Đồng thời, tổ chức triển khai thật chi tiết tại đơn vị mình, để tất cả các nhà giáo đều quyết tâm nhận diện năng lực bản thân, tự giác, tự nguyện thực hiện đánh giá theo chuẩn, đánh giá đúng thực chất đội ngũ theo chuẩn. Từ kết quả đánh giá theo chuẩn, phòng GD&ĐT, sở GD&ĐT xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ. Chú trọng hình thức bồi dưỡng tại chỗ, ứng dụng công nghệ thông tin.
Chương trình tập huấn có sự tham gia của đông đảo GV và CBQLGD |
Trong quá trình triển khai thực hiện, cần tăng cường kiểm tra giám sát và thấu triệt quan điểm: Chỉ triển khai thực hiện đánh giá theo chuẩn khi đảm bảo rằng, tất cả các GV& CBQLGD đã nhận thức đầy đủ về chuẩn.
Thực hiện đúng quy định của Bộ GD&ĐT tại Thông tư số 14 và Thông tư số 20, đảm bảo không phát sinh thêm các quy định khác tạo thêm áp lực cho đội ngũ. Việc sử dụng các minh chứng trong đánh giá chuẩn không nặng về hồ sơ, sổ sách, không đặt ra thêm những minh chứng phức tạp mà linh hoạt, ứng dụng công nghệ thông tin trong lưu trữ minh chứng.
Đồng thời, cần báo cáo/trao đổi với Bộ GD và ĐT, (thông qua Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý Giáo dục) những vướng mắc, khó khăn để có sự hỗ trợ kịp thời, đảm bảo triển khai hiệu quả và đồng bộ trên phạm vi toàn quốc, báo cáo kết quả theo đúng các qui định trong các thông tư.