Khoảng cuối tháng 9/1868, Nguyễn Trung Trực bị địch bắt. Sau khi ông bị hành hình, dân chúng khâm phục và cảm thương vô cùng đã bí mật thờ ông như một vị anh hùng trong đền thờ Nam Hải đại vương, là ngôi đền thờ Nguyễn Trung Trực tại TP Rạch Giá hiện nay.
Giỏi thay người chài...
Người đời truyền rằng, vào buổi sáng 27/10/1868, nhân dân Tà Niên, nơi nổi tiếng về nghề dệt chiếu và nhiều nơi khác đổ xô ra chợ Rạch Giá vì thực dân Pháp đem Nguyễn Trung Trực ra hành quyết ở đây.
Nguyễn Trung Trực yêu cầu thực dân Pháp mở trói, không bịt mắt để nhìn đồng bào và quê hương trước phút ra đi. Bô lão làng Tà Niên đến vĩnh biệt ông, đã trải xuống đất một chiếc chiếu hoa có chữ thọ (chữ Hán) màu đỏ tươi thật đẹp cho ông bước đứng giữa. Nguyễn Trung Trực hiên ngang dõng dạc trước pháp trường, nhìn bầu trời, nhìn đất nước và giã từ đồng bào.
Trước khi bị hành quyết, Nguyễn Trung Trực đã ngâm một bài thơ: "Thư kiếm tùng nhưng tự thiếu niên - Yêu gian đàm khí hữu long tuyền - Anh hùng nhược ngộ vô dung địa - Bảo hận thâm cừu bất đái thiên".
Thi sĩ Đông Hồ dịch: "Theo việc binh nhưng thuở trẻ trai - Phong trần hăng hái tuốt gươm mài - Anh hùng gặp phải hồi không đất - Thù hận chang chang chẳng đội trời".
Được tin Nguyễn Trung Trực thọ tử, vua Tự Đức sai hoàng giáp Lê Khắc Cẩn làm lễ truy điệu, đọc bài điếu với chính bút ngự rằng: “Giỏi thay người chài - Mạnh thay quốc sĩ - Đốt thuyền Nhật Tảo - Phá lũy Kiên Giang - Thù nước chưa xong- Thân sao đã mất - Hiệu khí xưa nay - Người nam tử ấy - Máu đỏ cát vàng - Hỡi ôi thôi vậy - Ngàn năm hương khói - Trung nghĩa còn đây".
Vua Tự Đức đã sắc phong ông làm Thượng Đẳng Linh Thần, thờ tại làng Vĩnh Thanh Vân, Rạch Giá, nơi ông đã hiên ngang thà chịu chết chứ không chịu đầu hàng thực dân Pháp.
Đã rất nhiều năm qua, dân làng Vĩnh Thanh Vân, nhất là những ngư dân luôn tôn kính và tự hào về Nguyễn Trung Trực, một người xuất thân từ giới dân chài, áo vải vậy mà đã trở thành một vị anh hùng đúng với nghĩa: "Sống làm tướng và chết làm thần và anh khí như hồng, nghĩa là khí tiết của người anh hùng rực rỡ như cầu vồng bẩy sắc".
|
Tượng đài danh tướng Nguyễn Trung Trực. |
Khắp nơi lập đền thờ
Danh sĩ Huỳnh Mẫn Đạt (1807 - 1882) vị quan nhà Nguyễn trong bài điếu Nguyễn Trung Trực, bằng tuyệt bút của mình đã thể hiện khá đầy đủ nhân cách và hai chiến công của Nguyễn Trung Trực bằng hai câu thơ: “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa- Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”. Thái Bạch dịch: “Lửa bừng Nhật Tảo rêm trời đất - Kiếm tuốt Kiên Giang rợn quỷ thần”.
Sau khi ông bị hành hình, dân chúng khâm phục và cảm thương vô cùng đã bí mật thờ ông như một vị anh hùng trong đền thờ Nam Hải đại vương, là ngôi đền thờ Nguyễn Trung Trực tại TP Rạch Giá hiện nay.
Vào năm 1970, nhân dân địa phương đã lập tượng Nguyễn Trung Trực bằng đồng màu đen đặt trước Chợ nhà lồng Rạch Giá cũ. Hiện nay, tượng thờ này được sơn lại màu nâu đỏ và đã được di dời vào trong khuôn viên khu đền thờ của ông tại TP Rạch Giá.
Nhiều tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, nhân dân đã lập đền thờ Nguyễn Trung Trực và hằng năm đều tổ chức lễ tưởng niệm trọng thể. Đình Nguyễn Trung Trực tại Rạch Giá tổ chức lễ giỗ vào các ngày từ 27 - 28/8 âm lịch.
Đình và mộ nơi này đã được công nhận là di tích Lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào ngày 6/12/1989 (về hài cốt và mộ phần của Nguyễn Trung Trực, còn nhiều ý kiến khác nhau).
Tại huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, nơi diễn ra trận “Hỏa hồng Nhựt Tảo oanh thiên địa” của Nguyễn Trung Trực, chính quyền và nhân dân đã xây dựng và khánh thành Đền tưởng niệm Nguyễn Trung Trực ngày 14/10/2010.
Hiện nay, hậu duệ của dòng họ Nguyễn Trung Trực đông đúc cả ngàn người sống rải rác khắp nơi, nhưng đông đúc nhất là ở hai xã Tân Đức và Tân Tiến huyện Đầm Dơi.
Theo kienthuc.net.vn