Thực hiện chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, trước tình hình chuyển biến phức tạp của dịch COVID-19, cần thiết phải rà soát tinh giản nội dung dạy học tất cả các môn học trong HK2 năm học 2019-2020, nhưng đồng thời vẫn phải đảm bảo được kiến thức nền cơ bản để học sinh tiếp tục học lên lớp trên trong những năm sau khi hết dịch.
Nhấn mạnh điều này, đối với môn tiếng Pháp, ông Trịnh Văn Minh cho biết, hiện đang có 4 chương trình được giảng dạy ở bậc phổ thông (song ngữ, chuyên, ngoại ngữ 1 và ngoại ngữ 2), tuy nhiên để đảm bảo tính thống nhất trên toàn quốc, đồng thời đảm bảo căn cứ pháp lý cho học sinh được công nhận tốt nghiệp cấp THPT, việc tinh giản nội dung dạy học môn Tiếng Pháp được thực hiện trên cơ sở chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Quyết định số 16/2006/QĐ-BGDĐT và sách giáo khoa hệ 7 năm của Nhà xuất bản giáo dục theo tinh thần chỉ đạo chung.
Mục tiêu: Rà soát, tinh giản nội dung dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông nhằm giúp giáo viên, học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông hoàn thành chương trình trong năm học 2019-2020 do phải thay đổi lịch học vì dịch COVID-19.
Phạm vị tinh giản: nội dung sách giáo khoa tiếng Pháp từ lớp 6 đến lớp 12, phần của Học kỳ 2, năm học 2019-2020 căn cứ chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Pháp đã được ban hành. Hội đồng môn Tiếng Pháp đề xuất tinh giản 3 cụm bài cuối đối với cấp THCS (lớp 6-9) (mỗi SGK có 6 cụm bài học, mỗi cụm bài có 4 bài-leçons); 6 bài cuối đối với cấp THPT (lớp 10-12) (mỗi SGK có 12 bài học- leçons).
Nguyên tắc tinh giản: Không cắt xét chương trình giáo dục phổ thông môn Tiếng Pháp. Chỉ tinh giản những nội dung: lặp lại trong kiến thức, kỹ năng cần đạt được (thông thường được tác giả trình bày trong các Tableaux); lặp lại trong các bài tập thực hành: ví dụ có nhiều bài tập cho một nội dung cần luyện tập (vocabulaire, grammaire, CO, EO…) (chỉ cần giữ lại 1 hoặc 2 bài); những nội dung có thể vượt quá mức độ cần đạt về chuẩn kiến thức, kỹ năng của Chương trình (đặc biệt lớp 12); các bài ôn tập (révision)
Các nội dung tinh giản được xác định cụ thể với từng bài trong SGK kèm theo các hướng dẫn thực hiện với các mức độ “không dạy”, “khuyến khích học sinh tự học”, “tự học có hướng dẫn”.
“Đây là một công việc rất cần thiết phải thực hiện trong bối cảnh hiện nay, đảm bảo các nhà trường hoàn thành chương trình giáo dục trước sự biến động và định hướng cho công tác thi, kiểm tra môn học ở các cấp học” – ông Trịnh Văn Minh khẳng định.