Chi tiết lịch trình cung ứng 60 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam

GD&TĐ - Bộ Y tế thông tin cụ thể về lịch trình cung ứng 60 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam, bao gồm VNVC chuyển giao 30 triệu liều của AstraZeneca theo nguyên tắc phi lợi nhuận; 30 triệu liều từ COVAX.

Ảnh minh họa: Vắc xin AstraZeneca.
Ảnh minh họa: Vắc xin AstraZeneca.

Tối ngày 10/3, Bộ Y tế cho biết thông tin cụ thể về lịch trình cung ứng 60 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam, bao gồm VNVC chuyển giao 30 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca theo nguyên tắc phi lợi nhuận; 30 triệu liều vắc xin phòng COVID 19 từ COVAX.

Việt Nam là nước thứ hai trong khu Đông Nam Á triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca

Thực hiện Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam, chiều 10/3, Tổ công tác liên bộ gồm đại diện lãnh đạo các Bộ: Y tế, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngoại giao, Công an đã họp thảo luận về việc tiếp nhận 30 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 mà Công ty VNVC đặt mua của AstraZeneca để cung ứng cho Việt Nam, trong đó bao gồm 117.600 liều đang được triển khai tiêm chủng cho lực lượng trên tuyến đầu chống dịch tại 13 tỉnh và thành phố.

Tổ công tác liên bộ thống nhất trình Thủ tướng xem xét và quyết định tiếp nhận toàn bộ 30 triệu liều vắc xin này theo nguyên tắc phi lợi nhuận, giá chuyển nhượng ngang bằng với giá mà VNVC mua của AstraZeneca cùng các chi phí khác như thuế VAT, bảo hiểm, vận chuyển, tiếp nhận, bảo quản… Toàn bộ chi phí đã phát sinh trước thời điểm chuyển giao do VNVC tự chi trả.

Các thành viên tổ đàm phán đánh giá cao nỗ lực của VNVC trong việc phối hợp với Bộ Y tế và các cơ quan liên quan tìm kiếm nguồn cung, đàm phán với đối tác AstraZeneca, đặt mua vắc xin, chấp nhận rủi ro đặt cọc 30 triệu USD trong thời điểm vẫn đang thử nghiệm lâm sàng.

Bên cạnh đó, VNVC còn tích cực phối hợp cùng Chương trình Tiêm chủng Mở rộng quốc gia triển khai tiêm chủng 117.600 liều đầu tiên theo Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 của Bộ Y tế được ban hành kèm Quyết định số 1467/QĐ-BYT. Việt Nam là nước thứ hai trong khu Đông Nam Á triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca.

Các nguồn cung ứng vắc xin phòng COVID-19 cho Việt Nam đến nay

Hỗ trợ của COVAX Facility: Theo thông báo của UNICEF (Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc), ngày 25/3 lô vắc xin đầu tiên từ nguồn COVAX Facility với 1,37 triệu liều của AstraZeneca trong cam kết hỗ trợ 30 triệu liều sẽ về đến Việt Nam. Lô tiếp theo với 2,8 triệu liều sẽ tiếp tục về Việt Nam ngày 25/4. 

Như vậy, đến hết tháng 4/2021, Việt Nam sẽ tiếp nhận 4,17 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 từ COVAX Facility. Khoảng 25,9 triệu liều vắc xin còn lại trong cam kết hỗ trợ của COVAX Facility dự kiến được chuyển về Việt Nam trong thời gian từ tháng 8 đến tháng 11 năm 2021.

Vắc xin AstraZeneca thông qua Công ty VNVC cung ứng: VNVC là một trong 3 tổ chức được AstraZeneca đồng ý cung cấp vắc xin tại Việt Nam, cùng với COVAX Facility và UNICEF. 

VNVC chuyển giao vắc xin mua được từ AstraZeneca cho Bộ Y tế theo cơ chế phi lợi nhuận. Cuối tháng 2/2021, 117.600 liều vắc xin của hãng AstraZeneca do SK Bio Hàn Quốc sản xuất đã về đến Việt Nam và được triển khai tiêm chủng từ ngày 8/3. Dự kiến, các đợt vắc xin tiếp theo với tổng số 29,87 triệu liều sẽ về đến Việt Nam vào tháng 4 (1,48 triệu liều), tháng 5 (2,76 triệu liều), tháng 6 (5,04 triệu liều), tháng 7 (7,32 triệu liều) và tháng 8 (13,27 triệu liều).

Để có nguồn cung ứng vắc xin với mục tiêu đảm bảo bao phủ tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân Việt Nam, sớm chủ động đẩy lùi đại dịch, Bộ Y tế đã và đang tiếp tục đàm phán với các nhà sản xuất vắc xin như Pfizer, Moderna, Johnson & Johnson, Gamaleya (Sputnik V) để có thể tiếp cận với tất cả các nguồn cung ứng, nhằm triển khai nhanh nhất việc mở rộng phạm vi sử dụng vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam.

Bộ Y tế đồng thời khuyến khích tất cả các doanh nghiệp có đủ điều kiện, tiếp cận, đàm phán với các đối tác cung cấp vắc xin phòng COVID-19 khác trên thế giới để nhập khẩu vắc xin về sử dụng trong nước theo tinh thần Nghị quyết số 21/NQ-CP.

COVAX Facility là cơ chế do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Liên minh Toàn cầu về vắc xin và tiêm chủng (GAVI), Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF), Liên minh đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI), các nhà sản xuất vắc xin và các đối tác lập ra, đảm bảo các quốc gia đều được tiếp cận vắc xin một cách công bằng và hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.