Chi tiền ngân sách để đào tạo nhân tài có còn phù hợp ?

GD&TĐ -  Thời gian qua, không ít cơ quan nhà nước đã xây dựng các chương trình, đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để quay về làm việc. Bên cạnh những kết quả đạt được nhưng cũng phát sinh không ít tồn tại, hạn chế nhất định như việc đào tạo không hiệu quả, không sát với vị trí việc làm…, nhất là các nhân tài sau khi được đào tạo thì không quay lại cơ quan nhà nước để làm việc theo đúng như cam kết.

Ảnh minh hoa, theo Giaoduc.Net
Ảnh minh hoa, theo Giaoduc.Net

Nhiều nhân tài, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức được nhà nước bỏ kinh phí để đào tạo, sau khi tốt nghiệp thì đã tự ý bỏ việc và đi làm cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước với mức thu nhập cao gấp nhiều lần so với mức thu nhập hiện hưởng ở cơ quan nhà nước.

Vấn đề nêu trên đã và đang diễn ra trên thực tế, gây lãng phí nguồn ngân sách nhà nước, chảy máu chất xám, không thu hút được nhân tài vào làm việc trong cơ quan nhà nước, mà trái lại một số cơ quan nhà nước vô hình chung đã bỏ ra chi phí đào tạo nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp sử dụng.

Nhiều nhân tài không quay lại làm việc như đã cam kết, do đó, nhiều cơ quan nhà nước bắt buộc phải khởi kiện để đòi lại chi phí đào tào. Rất nhiều nhân tài hoặc chính các doanh nghiệp đang sử dụng nhân tài sẵn sàng bỏ ra số tiền để bồi thường chi phí đào tạo cho cơ quan nhà nước, tuy nhiên vẫn có trường hợp đối tượng làm việc ở nước ngoài không rõ địa chỉ, hoặc một số nhân tài cố tình chây ì không chịu bồi thường chi phí đào tạo…dẫn đến thất thoát, không thu hồi nguồn kinh phí đào tạo cho ngân sách nhà nước.

Thực trạng trên cho thấy việc bỏ kinh phí đào tạo nguồn nhân lực của một số cơ quan nhà nước không phát huy hiệu quả, nhân tài sau khi đào tạo thì không được sử dụng… điều này cho thấy cần phải thay đổi cách đào tạo và sử dụng nhân tài trong các cơ quan nhà nước hiện nay.

Nhiều ý kiến cho rằng, tại sao chúng ta không đề ra các giải pháp đề thu hút nhân tài mà phải bỏ tiền ra để đào tạo nhân tài gây thất thoát, lãng phí như vậy?.

Được biết, nguyên nhân mà những “nhân tài” tự ý bỏ việc sau khi được nhà nước đầu tư đào tạo là bởi những lý do như: Chế độ đãi ngộ ở cơ quan nhà nước không tương xứng với tài năng và chất xám của họ; môi trường làm việc chưa đáp ứng yêu cầu công tác hoặc nhân tài không thể phát huy được sở trường, khả năng của họ hoặc việc đánh giá năng lực trong cơ quan nhà nước không đúng với thực chất, không công bằng… nên khiến họ không muốn quay trở lại cơ quan cũ để là việc.

Đối với doanh nghiệp thì lại khác, họ coi nhân tài chính là sự phát triển và thịnh vượng của doanh nghiệp, chính vì thế, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng bỏ ra số tiền “khủng” để lôi kéo, thu hút nhân tài về làm việc; sẵn sàng đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuận để nhân tài phát triển tài năng; đặc biệt, là mở rộng con đường thăng tiến, cũng như được hưởng mức thu nhập và chế độ trợ cấp cao khi các nhân tài tạo ra sản phẩm đêm lại nguồn thu cho doanh nghiệp.

Thiết nghĩ, các cơ quan nhà nước cần hạn chế tình trạng bỏ tiền ngân sách để đào tạo nhân tài về làm việc, mà nên thay vào đó bằng chính sách thu hút nhân tài với các cơ chế “vượt rào”, nhất là thu hút nhân tài làm việc ở các ngành nghề chuyên môn, kỹ thuật, khoa học, giáo dục…đòi hỏi phải có nguồn nhân lực chất lượng cao. Có như vậy, mới mong khắc phục tình trạng lãng phí trong việc chi ngân sách để đào tạo nhân tài như hiện nay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.