(GD&TĐ)-Chỉ thị 296 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới quản lý GD ĐH đã thực sự đi vào cuộc sống, bước đầu tạo được chuyển biến trong nhận thức lãnh đạo các cơ sở GD ĐH về tầm quan trọng của việc đổi mới quản lý trong nâng cao chất lượng đào tạo.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: gdtd.vn |
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga đã nhận định như vậy tại Hội nghị trực tuyến sơ kết 1,5 năm triển khai Chỉ thị số 296/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ và tổng kết năm học 2010-2011 khối các trường ĐH, CĐ diễn ra sáng nay (29/10). Hội nghị có sự chủ trì, tham dự của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cùng đại diện lãnh đạo các trường ĐH, CĐ trong cả nước…
Sự triển khai kịp thời, tích cực và có hiệu quả của Chỉ thị 296 thể hiện rõ ràng ở con số: 344 trường ĐH, CĐ (đạt 83,9%) đã thành lập Ban chỉ đạo đổi mới công tác quản lý giai đoạn 2010-2012; 314 trường ĐH, CĐ (76,2%) tổ chức rà soát, bổ sung các chỉ số hoặc xây dựng mới chiến lược phát triển trường giai đoạn 2011-2015, định hướng đến năm 2020; 270 trường ĐH, CĐ xây dựng và công bố chuẩn đầu ra ngành đào tạo; 294 trường ĐH, CĐ xây dựng cam kết chất lượng đào tạo…
Cũng theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Nghị quyết 50 của Quốc hội khóa XII về thực hiện chính sách, pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với GD ĐH đã được triển khai thực hiện nghiêm túc. Thứ trưởng khẳng định, Bộ sẽ có biện pháp xử lý kiên quyết đối với những trường không thực hiện đúng cam kết ở các mức: Thu hồi quyết định mở ngành đối với những ngành không còn đảm bảo các điều kiện quy định; giảm chỉ tiêu tuyển sinh kể từ năm 2012; đình chỉ hoạt động đào tạo; trình cấp có thẩm quyền xem xét đình chỉ hoạt động và giải thể trường.
Bên cạnh đó, công tác soạn thảo văn bản quản lý hệ thống GD ĐH được tăng cường về chất và số lượng; kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2011 hệ chính quy đã diễn ra trật tự, an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế, được xã hội hoan nghênh và đánh giá tốt.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: gdtd.vn |
Đặc biệt, công tác đào tạo có nhiều chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó, việc ban hành quy định mở ngành mới đã thể hiện sự kiên quyết của Bộ GD&ĐT trong đổi mới quản lý, đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho cơ sở, tách bạch công tác chuyên môn và công tác quản lý nhà nước về GD&ĐT. Công tác đảm bảo chất lượng và kiểm định chất lượng GD ĐH tiếp tục được đẩy mạnh; hoạt động NCKH và chuyển giao công nghệ góp phần tích cực nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển kinh tế xã hội đất nước. Công tác hợp tác quốc tế và đào tạo nước ngoài đã mở ra nhiều cơ hội cho hợp tác và phát triển GD ĐH. Công tác xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý GD được quan tâm và tăng cường. Triển khai đề án đổi mới cơ chế tài chính cho GD-ĐT và chính sách tín dụng cho sinh viên. Công tác quy hoạch xây dựng các trường ĐH trong các tỉnh, thành phố và tăng cường cơ sở vật chất thiết bị trường học, KTX sinh viên được quan tâm đúng mức, có chiều sâu.
Việc phân công, phân cấp quản lý và giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường ĐH, CĐ được đẩy mạnh. Theo đó, phân cấp cho các địa phương về công tác tổ chức cán bộ; đẩy mạnh phân cấp, giao quyền tự chủ cho các trường ĐH, CĐ về công tác đào tạo.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, nhiệm vụ cốt lõi của năm học 2011-2012 là tiếp tục đổi mới nhận thức và tư duy của cán bộ quản lý GD ĐH từ cơ quan Bộ đến các cơ sở GD ĐH theo hướng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp qui, tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cuả cơ sở, tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về GD, từng bước xây dựng bộ máy quản lý ĐH thông suốt, hoạt động nhịp nhàng, hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng đào tạo.
Tại hội nghị, các đại biểu đã thể hiện sự quán triệt nghiêm túc, sâu sắc Chỉ thị 296, đồng thời khẳng định đã có những chuyển biến bước đầu quan trọng, có ý nghĩa lâu dài. Nhiều ý kiến cho rằng, từ khi thực hiện Chỉ thị số 296, các trường ngày càng tự chủ hơn, dễ thực hiện hơn trong công tác quản lý. Các trường đã huy động sức mạnh tập thể, các đoàn thể cùng vào cuộc, đề ra các phong trào hưởng ứng, dần xóa bỏ tư duy lạc hậu và tiết kiệm được công sức, tiền của.
Nhiều đại biểu đề nghị cần sớm ban hành Luật Giáo dục đại học, tăng cường liên kết đào tạo giữa các trường, các vùng để tránh cạnh tranh thiếu lành mạnh, gây lãng phí và chất lượng đào tạo kém. Các đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề trách nhiệm quản lý giáo dục còn tồn tại nhiều bất cập như việc quản lý chồng chéo, chưa rõ ràng và chưa phối hợp nhịp nhàng giữa các Bộ, các ngành và các tỉnh thành…
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận phát biểu kết luận hội nghị. Ảnh gdtd.vn |
Ghi nhận, tiếp thu các ý kiến từ đại diện các trường, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận lưu ý, trong năm học mới, trên cơ sở kết quả đã đạt được từ những năm trước, phải củng cố các cơ sở GD đào tạo đã có để đạt chuẩn; tăng cường quản lý nhà nước tách bạch hơn nữa; tiếp tục đẩy mạnh thanh kiểm tra, trước hết là thanh kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng, trước mắt làm với các trường thành lập 10 năm trở lại đây. Bộ trưởng cũng cho biết sẽ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh dựa trên số lượng giảng viên cơ hữu và diện tích phòng học, phòng thí nghiệm, phòng ở, dựa vào định mức Bộ đã công bố, lấy chất lượng làm trọng.
Đặc biệt, Bộ trưởng khẳng định sẽ có nghiên cứu căn cơ về việc đổi mới tuyển sinh, trước mắt vẫn giữ “3 chung”. Bộ đã giao cho 2 ĐHQG và các ĐH trọng điểm chủ động nghiên cứu đề xuất phương án tuyển sinh của mình. Tuy nhiên, để được triển khai, trường phải đáp ứng được các yêu cầu cơ bản: không làm tái diễn việc luyện thi tràn lan; đảm bảo thi nghiêm túc, công bằng; có cơ chế để nhà trường, xã hội kiểm tra, giám sát. Với các trường khác, Bộ trưởng cũng khuyến khích hiến kế với Bộ về việc đổi mới tuyển sinh…
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao tặng cờ luân lưu cho các đơn vị có thành tích xuất sắc trong năm học 2010-2011. Ảnh: gdtd.vn |
Tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ghi nhận những kết quả đã đạt được trong việc triển khai Chỉ thị 296 của Chính phủ trong thời gian qua. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Với Chỉ thị 296 này, lần đầu tiên việc giải quyết đảm bảo phát triển cân đối giữa quy mô và chất lượng giáo dục đại học đã được coi trọng, các cấp quản lý đã nhìn rõ nguy cơ và hạn chế được tốc độ gia tăng quy mô của giáo dục đại học. Phó Thủ tướng dẫn chứng, Nếu như năm 2006, cả nước thành lập 18 trường đại học, trong đó có 6 trường thành lập mới; năm 2007 thành lập 21 trường, có 10 trường thành lập mới thì đến năm 2008 cả nước giảm còn thành lập 10 trường, trong đó 8 trường thành lập mới; năm 2009 thành lập 9 trường, trong đó có 5 trường thành lập mới; năm 2010 thành lập 12 trường, trong đó 4 trường thành lập mới và năm 2011 thành lập 14 trường, trong đó chỉ có 1 trường thành lập mới. Những con số thông kê trên cho thấy xu hướng số trường đại học được thành lập ngày càng giảm, chứ không tăng. Nếu giai đoạn 2006 – 2007, bình quân mỗi năm có 20 trường được thành lập thì giai đoạn từ năm 2008 đến nay, số trường thành lập mới đã giảm gần một nửa, trong đó rất ít trường được thành lập mới, mà chủ yếu nâng cấp từ các trường cao đẳng đã có sẵn cơ sở vật chất...
Phó Thủ tướng đề nghị, nên tổ chức thảo luận trong toàn ngành xung quanh vấn đề thực hiện quy hoạch nhân lực quốc gia gắn với việc tuyển sinh của các trường. Cùng với đó, triển khai chỉ đạo thí điểm từng bước dân chủ cơ sở; chuẩn bị tích cực các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành Luật GD Đại học để khi Luật GD Đại học được thông qua sẽ sớm được triển khai một cách hiệu quả...
Hiếu Nguyễn