Chỉ số giá tiêu dùng tháng Bảy tăng nhẹ

GD&TĐ - Sau mấy tháng liên tục tăng khá mạnh, tháng 7 này, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn cả nước đã giảm tốc khi chỉ tăng 0,13% so với tháng 6. 

Chỉ số giá tiêu dùng tháng Bảy tăng nhẹ

Qua 7 tháng, CPI tăng 1,82%. Lạm phát cơ bản cũng ở mức tương đương. Cụ thể, tháng 7 có tới 8/11 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, trong đó tăng mạnh nhất là nhóm giao thông với mức tăng 1,19% so với tháng trước.

Giá một số mặt hàng tăng do... thời tiết

Theo Tổng cục Thống kê, các nguyên nhân làm tăng CPI tháng 7/2016 chủ yếu ở mặt hàng xăng dầu, do bị ảnh hưởng từ lần điều chỉnh tăng giá ngày 4/6/2016; mặc dù, có hai đợt giảm giá vào ngày 20/6/2016 và ngày 5/7/2016 với tổng hai lần giá giảm là 540 đồng/lít và giá vé tàu hỏa tăng 2,17% so với tháng trước.

Mặt khác, thời tiết nắng nóng nên nhu cầu sử dụng điện, nước tăng làm cho giá nước sinh hoạt tăng 0,14%, giá điện sinh hoạt tăng 1,16%.

Nhu cầu tiêu dùng thiết bị và đồ dùng gia đình phục vụ mùa hè cũng tăng nên giá một số mặt hàng tăng như: Giá máy điều hòa nhiệt độ tăng 0,14%; giá tủ lạnh tăng 0,22%; giá quạt điện tăng 0,22%.

Cũng trong tháng 7/2016 do diễn ra Kỳ thi THPT quốc gia năm 2016 nên nhu cầu đi lại và ăn uống ngoài gia đình tăng. Giá một số mặt hàng ăn uống ngoài gia đình tháng này tăng, làm cho chỉ số giá dịch vụ ăn uống ngoài gia đình tăng 0,11%.

Các chi phí về điện, nước, công dịch vụ, chi phí thuê địa điểm, nhân công tăng cũng là nguyên nhân tác động khiến giá một số mặt hàng trong nhóm tăng giá.

Bên cạnh những yếu tố gây tăng giá nêu trên cũng có những yếu tố góp phần kiềm chế CPI tăng trong tháng 7/2016; đặc biệt là nguồn cung lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào nên giá lương thực giảm và giá thực phẩm khá ổn định. Vì vậy, chỉ số giá lương thực tháng 7/2016 giảm 0,64% so với tháng trước.

Giá hàng tiêu dùng thiết yếu giảm

Vụ lúa Đông Xuân ở miền Bắc đã thu hoạch xong, vụ Hè Thu ở các tỉnh miền Nam cũng đang vào mùa thu hoạch nên nguồn cung dồi dào làm cho giá gạo tiếp tục giảm.

Bên cạnh đó, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp khó khăn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu gạo từ 6,5 triệu tấn xuống còn 5,65 triệu tấn.

Giá xuất khẩu liên tục rớt giá một phần do tác động của việc xả gạo tồn kho của Thái Lan làm cho giá gạo bán buôn, bán lẻ trong nước giảm.

Tại miền Bắc giá gạo tẻ thường ở mức 10.000 - 12.200 đồng/kg, tại miền Nam gạo tẻ thường IR50404 giá phổ biến 9.200 - 10.800 đồng/kg, gạo tẻ thường IR64 giá 11.200 - 11.600 đồng/kg, gạo tẻ ngon Nàng thơm chợ Đào giá 16.000 - 18.500 đồng/kg, giá gạo nếp dao động từ 22.000 - 28.000 đồng/kg. Ngoài ra, hiện nay đang vào vụ thu hoạch khoai, sắn tươi, dẫn đến lượng khoai, sắn tươi về chợ nhiều và làm giảm giá bán.

Ngày 1/7/2016, giá gas điều chỉnh giảm 14.000 đồng/bình 12 kg (do giá gas thế giới bình quân tháng 7 năm 2016 công bố ở mức 302,5 USD/tấn, giảm 45 USD/tấn so với tháng trước) nên chỉ số giá gas giảm 3,02% so với tháng 6/2016.

Cùng với đó là giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở giảm 0,44% do giá sắt thép thế giới giảm nên giá sắt thép trong nước giảm theo cùng với nhu cầu xây dựng bắt đầu giảm do chuẩn bị vào mùa mưa.

Cũng trong tháng Bảy, giá vàng trong nước biến động theo giá vàng thế giới. Theo đó, giá vàng trong nước có lúc đã tăng ở mức gần 40 triệu đồng/lượng chủ yếu do yếu tố tâm lý, chênh lệch khá xa giữa giá mua - giá bán và giá thế giới sau khi quy đổi.

Tuy nhiên, ngay sau đó giá vàng trong nước đã nhanh chóng quay đầu giảm về mức trên 37 triệu đồng/lượng. Bình quân giá vàng trong nước ngày 15/7/2016 dao động quanh mức 3,6 triệu đồng/chỉ vàng SJC.

Đối với nhóm chỉ số giá USD, sau sự kiện Brexit, diễn biến tỷ giá trong nước gần như không có biến động nào đáng kể. Sự ổn định của tỷ giá trong thời gian qua một phần cũng do diễn biến thuận lợi trên thị trường tài chính quốc tế, đồng USD giảm giá so với các đồng tiền khác sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục trì hoãn tiến trình tăng lãi suất. Do đó, tỷ giá VND/USD tháng này khá ổn định xoay quanh mức 2.300 VND/USD.

Trong tháng Bảy, lạm phát chung của tháng có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản của tháng, điều này phản ánh biến động giá do yếu tố khách quan có mức tăng cao, đó là giá lương thực thực phẩm, giá xăng dầu.

Bình quân 7 tháng qua so với cùng kỳ năm trước, lạm phát chung (tăng 1,82%) và lạm phát cơ bản (tăng 1,81%) gần tiệm cận với nhau, điều này thể hiện, chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định, giúp ổn định kinh tế vĩ mô.

Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 7/2016 tăng 0,1% so với tháng trước và tăng 1,85% so với cùng kỳ; 7 tháng năm 2016 so cùng kỳ năm 2015 tăng 1,81%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa.

Quy về thang điểm chung

GD&TĐ - Việc quy về một thang điểm chung là hoàn toàn khả thi; nếu khó cũng nên làm vì lợi ích chung của cả hệ thống...

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.