Kết quả này dựa trên khảo sát hàng nghìn phụ huynh tại Australia.
Theo đó, chi phí giáo dục bao gồm học phí, các chi phí liên quan như đồng phục, tham quan, hoạt động ngoại khoá, học phí ngoài, thiết bị thể thao, thiết bị điện tử, dụng cụ học tập...
Cụ thể, tại trường công, chi phí giáo dục cho một đứa trẻ trong 13 năm học phổ thông là gần 93 nghìn AUD. Còn tại các trường công giáo, chi phí là hơn 195 nghìn AUD và gần 317 nghìn AUD tại các trường tư thục.
Tại Australia, thành phố Sydney là nơi có chi phí giáo dục đắt đỏ nhất. Trong đó, học phí tư thục cho 13 năm học là gần 378 nghìn AUD. Con số này cao hơn 150 nghìn AUD so với thành phố Perth, nơi có hệ thống giáo dục tư thục phải chăng nhất.
Đáng chú ý, dù với chi phí tư thục đắt đỏ, học phí cũng chỉ chiếm hơn 50% tổng chi phí giáo dục. Các chi phí lớn theo sau lần lượt là thiết bị điện tử, học thêm, nhạc cụ. Còn với chi phí giáo dục công lập, học phí chỉ chiếm 1/4 chi phí giáo dục, còn các chi phí bên ngoài chiếm 77%.
Những phát hiện trên được các chuyên gia giáo dục Australia mô tả là “chấn động”, nhất là khi nó được công bố vào thời điểm năm học mới chuẩn bị bắt đầu. Các gia đình đang phải vật lộn chuẩn bị đồ dùng học tập, mua sắm thiết bị cho con trước ngày tựu trường, làm gia tăng gánh nặng lên tài chính gia đình.
Thống kê đặt ra câu hỏi liệu chi phí giáo dục tại Australia có đang cao quá mức cần thiết hay không và các gia đình có thể gánh nổi những khoản phí khổng lồ này hay không.
Khoảng 85% phụ huynh được hỏi đánh giá giáo dục là yếu tố quan trọng tạo điều kiện cho các cơ hội trong tương lai. Vì vậy, họ sẵn sàng chi trả nhiều tiền cho giáo dục con cái, bất chấp những căng thẳng về tài chính.
Tuy nhiên, số khác cảm thấy giáo dục là quan trọng nhưng chi phí dành cho hiện nay đang vênh rất nhiều so với chất lượng. Họ chỉ ra tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất không đảm bảo... khiến trải nghiệm học tập chưa tương xứng.
Theo bà Sally Larsen, giảng viên cao cấp tại Đại học New England, cho biết, một chi phí tăng cao vì học sinh hiện nay được cho là phải dùng các thiết bị công nghệ đắt tiền như máy tính xách tay, máy tính bảng. Trước đây, học sinh có thể học trong sách giáo khoa nhưng bây giờ, các em phải tiếp cận kiến thức trên Internet.
TS Larsen cho rằng các trường nên mở rộng phạm vi tiếp cận kiến thức, đánh giá lại khả năng ứng dụng kỹ thuật số nhằm phù hợp với điều kiện của mọi trẻ em. “Chúng ta cần đảm bảo rằng trẻ em không gặp phải bất cứ rào cản nào để tiếp cận một nền giáo dục tốt”, TS Larsen nhấn mạnh.
Ông Doug Taylor, Giám đốc điều hành tổ chức từ thiện trẻ em Smith Family, nhận định lạm phát khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn với các gia đình khó khăn trong hệ thống giáo dục công lập. Nhiều gia đình không đủ khả năng mua những thứ cần thiết cho giáo dục như đồng phục, giày dép. Trong khi đó, các chi phí khác liên quan đến giáo dục đều dự đoán sẽ tăng giá trong 5 - 10 năm tới.