Chí Phèo muốn lương thiện mà!

GD&TĐ - Trong cuộc đời mỗi người, ai cũng có lúc vấp ngã. Và rồi ai cũng có quyền lựa chọn, đứng lên đi tiếp hay nằm yên tại chỗ.

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Năm 2016, nghệ sĩ Minh Béo lưu diễn tại Mỹ. Trong chuyến lưu diễn này, Minh Béo vấp ngã khi bị cáo buộc liên quan đến lạm dụng tình dục trẻ em. 9 tháng tù dành cho Minh Béo tại nhà tù Quận Cam bang California được đánh giá là nhẹ.

Nhưng với Minh Béo, bản án dành cho lương tâm mới thật khủng khiếp. Sau khi ra tù, trở về Việt Nam anh không biết phải làm gì và đứng lên từ đâu? Một số người khuyên anh từ bỏ nghệ thuật, xa lánh sân khấu để làm nghề khác như phụ hồ hoặc bảo vệ.

Minh Béo không cam chịu vì nghệ thuật là đam mê lớn nhất đời mình. Anh đã tham gia ở hai bộ phim hài nhưng ít nhận được sự quan tâm. Suốt 4 năm trầy trật, túng quẫn, tưởng chừng phải tìm đến cái chết nhưng Minh Béo đã dũng cảm đối mặt để vượt qua.

Để đỡ nhớ sân khấu, anh thường tổ chức các chương trình từ thiện tại nhiều địa phương: Hạt gạo nghĩa tình tại Long An, thiện nguyện tình người tại Quảng Nam, chia sẻ yêu thương ở Đồng Nai. Đặc biệt là chương trình quyên góp giúp đỡ đồng bào vùng khó khăn, lũ lụt như Vòng tay tri ân, Thương về miền Trung.

Có thể trong sâu thẳm, Minh Béo mong muốn mọi người tha thứ lỗi lầm, nhìn nhận những đóng góp tích cực như một sự hối lỗi thành tâm. Anh đã đứng lên từ chính chỗ vấp ngã, nhưng không ai chắc anh có đứng vững trên sân khấu khi búa rìu dư luận vẫn rất nặng nề.

Trong giới nghệ thuật, không ít nghệ sĩ đã vấp ngã. Có người chọn nằm yên và từ bỏ. Có người đứng lên, bước tiếp để thành công. Hoàng Thuỳ Linh của “Nhật ký Vàng Anh” là một ví dụ. Khi đang là thần tượng của biết bao bạn trẻ, cô dính vào vụ scandal vì một đoạn clip sex bị tung lên mạng. 

Nhiều học sinh “tuổi teen” lên tiếng xin tha thứ cho Vàng Anh. Trong khi đó, nhiều bậc phụ huynh phê phán nghiêm khắc và đòi hỏi lời xin lỗi, vì đã hủy hoại một chương trình mang tính giáo dục, định hướng cho lứa tuổi vị thành niên.

Nếu như Hoàng Thuỳ Linh không đứng dậy sau lần vấp ngã ấy, chắc chắn cô không thể giành được nhiều giải thưởng trong suốt 10 năm qua. Và điều có thể đau lòng hơn, là cô có thể sa lầy khi không thể đứng dậy.

Thực tế chỉ ra rằng, “không thể đứng dậy” không phải là lựa chọn của người bị ngã. Nhiều người không thể đứng dậy vì sợ dư luận, sợ những ánh nhìn khinh miệt và những lời xỉa xói. Họ đã không dũng cảm đối mặt với sự thật, chọn thu mình hoặc lún sâu trong vũng bùn khác.

Cuộc sống mỗi người không phải lúc nào cũng êm đềm theo ý muốn, nhưng rất công bằng. Bất kì vấp ngã nào trong cuộc sống cũng đều mang lại cho chúng ta bài học để trưởng thành. Vấn đề là chúng ta có sẵn sàng học cách đứng lên, và có đủ bản lĩnh để đi tiếp hay không? 

Nhiều người sau mãn hạn tù, trở về xã hội đã không thể hòa nhập cộng đồng. Họ không tìm thấy tình yêu thương và sự cảm thông từ chính gia đình mình. Người vấp ngã như cái cây sau bão, sẽ tươi tốt trở lại và sinh hoa kết trái. Nhưng cũng có thể thành đống củi khô, nếu chúng ta bỏ mặc.

Đừng ruồng rẫy kẻ vấp ngã, đến Chí Phèo còn muốn làm người lương thiện cơ mà! 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trao quà Tết cho học trò nghèo tại huyện Krông Bông, Đắk Lắk. (Ảnh: HT)

Lặng thầm trao gửi yêu thương

GD&TĐ - Thời gian qua, Báo GD&TĐ tại miền Trung - Tây Nguyên thường xuyên phối hợp Hội nội thất ô tô Tây Nguyên hỗ trợ học bổng, quà cho học trò nghèo.

Trịnh Ngọc Thanh Tú nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT. Ảnh: TT

Nữ sinh phố núi ước mơ thành cô giáo

GD&TĐ - Trịnh Ngọc Thanh Tú - lớp 12A1, Trường THPT Lê Quý Đôn (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) luôn nuôi ước mơ làm cô giáo để nối tiếp truyền thống gia đình.