Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng ngày 25/8

GD&TĐ - Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị quyết về một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển của doanh nghiệp.

Chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng ngày 25/8

 Một số giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Về các giải pháp thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sẽ gia hạn thời hạn nộp thuế không quá 60 ngày đối với số tiền thuế giá trị gia tăng của máy móc, thiết bị nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư mà tổng giá trị nhập khẩu từ 100 tỷ đồng trở lên. 

Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế thực hiện hoàn thuế trước kiểm tra sau chậm nhất là 5 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan thuế nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị hoàn thuế của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ đối với khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động mà doanh nghiệp có hóa đơn, chứng từ theo quy định; tổng số chi không quá 1 tháng lương bình quân thực tế thực hiện.

Đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản, cá nhân được lựa chọn phương pháp tính, nộp thuế 25% trên thu nhập từng lần chuyển nhượng; hoặc 2% trên giá bán từng lần chuyển nhượng.

Đối với hoạt động chuyển nhượng chứng khoán, cá nhân được lựa chọn phương pháp tính, nộp thuế 20% trên thu nhập năm và cuối năm quyết toán; hoặc tính, nộp thuế 0,1% trên giá bán chứng khoán từng lần chuyển nhượng và cuối năm không quyết toán thuế.

Cá nhân hộ kinh doanh có thu nhập từ kinh doanh đã thực hiện nộp thuế theo phương pháp khoán và cá nhân là đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, bán hàng đa cấp được tổ chức trả thu nhập khẩu trừ thuế thu nhập cá nhân thì không phải quyết toán thuế.

Người nộp thuế có doanh thu từ 50 tỷ đồng/năm trở xuống thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo quý.

Nghị quyết cũng đưa ra các giải pháp về thuế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh sự phát triển doanh nghiệp thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Cụ thể, dự án đầu tư có quy mô vốn đầu tư tối thiểu 200 tỷ đồng, thực hiện giải ngân không quá 5 năm kể từ khi được cấp phép đầu tư được áp dụng thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm, miễn thuế trong 4 năm và giảm 50% số thuế  phải nộp trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất (trừ dự án sản xuất mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, dựa án khai thác khoáng sản). 

Trường hợp cần đặc biệt thu hút đầu tư thì được xem xét kéo dài thêm thời gian áp dụng thuế suất ưu đãi 10% nhưng tối đa không quá 15 năm.

Áp dụng thuế suất 20% trong năm 2014 và 2015 đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sử dụng thường xuyên trên 300 lao động và thực hiện bao tiêu sản phẩm thu hoạch cho người lao động không thuộc địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn. Từ ngày 1/1/2016, thu nhập của doanh nghiệp trên được áp dụng thuế suất 17%.

Không thu thuế tài nguyên đối với nước thiên nhiên dùng cho nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp.

Rà soát, xây dựng các Danh mục ngành, nghề theo hướng mở rộng quyền tự do kinh doanh

Rà soát loại bỏ các ngành, nghề không cần cấm; cắt giảm những ngành nghề có điều kiện, các điều kiện đầu tư, kinh doanh không cần thiết, gắn với đơn giản hóa các thủ tục hành chính...

Đây là những chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về việc rà soát, xây dựng các Dạnh mục ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh; Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và Danh mục ngành, nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư tại dự án Luật đầu tư (sửa đổi).

Về Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, cơ quan quản lý nhà nước về ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện chủ động rà soát, đánh giá lại các yêu cầu quản lý, hoàn thiện Danh mục này theo hướng mở rộng quyền tự do kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, phù hợp với yêu cầu hội nhập về đầu tư, thương mại quốc tế; cắt giảm những ngành nghề có điều kiện, các điều kiện đầu tư, kinh doanh không cần thiết, gắn với đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Chính phủ sẽ định kỳ tập hợp, rà soát, công bố Danh mục ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện để thống nhất áp dụng.

Về Danh mục ngành nghề, địa bàn ưu đãi đầu tư, Thủ tướng yêu cầu phải xây dựng Danh mục này theo hướng đánh giá, tổng kết, kế thừa các quy định hiện hành, phù hợp với yêu cầu thực tiễn nhằm thu hút các dự án đầu tư, giải quyết vấn đề lao động, việc làm, nhất là tại các vùng nông thôn, vùng khó khăn, nhằm phát huy có hiệu quả các ngành, lĩnh vực, địa bàn có lợi thế cạnh tranh, đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải phối hợp với các Bộ rà soát, hoàn thiện Danh mục này theo hướng ưu đãi theo ngành, nghề, địa bàn có trọng tâm, trọng điểm; không áp dụng ưu đãi đầu tư theo địa bàn đối với các dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên, dự án đầu tư, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ là đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt…

Các Bộ liên quan phải hoàn thiện các Danh mục ngành nghề trên, báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc chỉnh lý, bổ sung các quy định này vào dự thảo Luật đầu tư (sửa đổi) trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8, tháng 10/2014.

Không áp dụng thuế GTGT đối với thức ăn chăn nuôi

Để hỗ trợ, khuyến khích phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đồng ý với đề nghị của Bộ Tài chính về việc đưa mặt hàng thức ăn chăn nuôi sản xuất công nghiệp đang áp dụng mức thuế giá trị gia tăng (GTGT) là 5% về đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ, thay mặt Chính phủ báo cáo Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 8 xem xét, quyết định. 

Đồng thời bổ sung quy định doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi được hạch toán vào chi phí số thuế giá trị gia tăng đầu vào của quá trình sản xuất kinh doanh; đối với số thuế giá trị gia tăng đầu vào của máy móc, thiết bị, vật tư xây dựng tạo tài sản cố định của doanh nghiệp được hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định.

Triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường

Thủ tướng Chính phủ vừa có Chỉ thị yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai thi hành Luật Bảo vệ môi trường.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ dự thảo các Nghị định, Quyết định về hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Thời hạn trình dự thảo các văn bản này chậm nhất là ngày 15/10/2014.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, UBND cấp tỉnh tổ chức triển khai chương trình phổ biến, giáo dục Luật Bảo vệ môi trường, nâng cao nhận thức chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường cho cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Trong Quý III và Quý IV/2014 mở đợt tuyên truyền, phổ biến Luật Bảo vệ môi trường rộng rãi trong nhân dân.

Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 7, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015.

Tiếp tục dự án mở rộng sản xuất Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên

Thủ tướng Chính phủ đồng ý thực hiện triển khai tiếp giai đoạn II Dự án Mở rộng sản xuất giai đoạn II của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên theo phương án 2 Bộ Công Thương đề xuất.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính đôn đốc và giám sát Ngân hàng Phát triển Việt Nam thực hiện cơ cấu lại các khoản nợ hiện hành của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên và cho vay bổ sung vốn tín dụng đầu tư để triển khai tiếp Dự án, bảo đảm tiến độ và hiệu quả.

Đồng thời, chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước xây dựng phương án tham gia góp vốn (tối thiểu là 1.000 tỷ đồng) vào Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên từ Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp với tư cách là cổ đông Nhà nước và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 28/8/2014.

Kiện toàn lại Ban Chỉ đạo về nhập khẩu than

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về tình hình thực hiện nhập khẩu than.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương kiện toàn lại Ban Chỉ đạo về nhập khẩu than, hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, chỉ đạo các Tập đoàn EVN (Điện lực Việt Nam), PVN (Dầu khí Việt Nam) và các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu than sớm ký hợp đồng nguyên tắc với Tập đoàn TKV (Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam), Tổng công ty Đông Bắc (các doanh nghiệp được giao làm đầu mối nhập khẩu than cho đất nước) về cung cấp than theo đúng quy định, phù hợp với thông lệ quốc tế, trong đó có nội dung về bảo đảm thực hiện hợp đồng, nhằm tạo điều kiện cho Tập đoàn TKV tìm nguồn cung cấp ổn định với chất lượng phù hợp cho các hộ tiêu thụ than trong nước.

Phó Thủ tướng chỉ đạo các Tập đoàn TKV, EVN, PVN khẩn trương ký hợp đồng nguyên tắc về cung cấp than với các đối tác nước ngoài để đảm bảo có nguồn than ổn định, lâu dài, chất lượng phù hợp. Các tập đoàn này khẩn trương đàm phán với các đối tác để chuyển các hợp đồng khung, thỏa thuận hợp đồng nguyên tắc hoặc bản ghi  nhớ thành các Hợp đồng mua bán than chính thức.

Tăng cường điều tra, quản lý tài nguyên - môi trường biển

Theo văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng ban Ban Chỉ đạo Nhà nước về điều tra cơ bản tài nguyên - môi trường biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan tập trung chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Đề án tổng thể về điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển tầm nhìn đến năm 2020.

Các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan tổ chức nghiệm thu dứt điểm các dự án đã hoàn thành; kịp thời kiểm tra, đôn đốc, phối hợp với các cơ quan có liên quan, bố trí vốn để hoàn thành các dự án đang dở dang; bố trí vốn năm 2015 cho các dự án đã được phê duyệt. 

Yêu cầu các chủ dự án báo cáo kế hoạch thực hiện theo từng tháng, từng quý và 6 tháng; kiểm điểm trách nhiệm cá nhân người đứng đầu đơn vị chủ trì dự án để xảy ra tình trạng chậm trễ kéo dài.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ